Thứ Tư, 12/02/2020 08:47

Mỹ đơn phương xóa bỏ các ưu đãi của WTO với nhiều nước đang phát triển

Với quyết định trên, Mỹ đã xóa bỏ các ưu đãi của nước này đối với một loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển, tự coi là nước đang phát triển hoặc được công nhận là nước đang phát triển.

* D.Trump: Đã đến lúc Mỹ phải đàm phán 'nghiêm túc' với EU về thương mại

* Trung Quốc khó muôn trùng, Donald Trump cùng Mỹ trên đỉnh lịch sử

* Ngoại trưởng Mỹ: 'Cẩn trọng khi làm ăn với Trung Quốc'

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/2, Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông báo chính quyền Mỹ đã thu hẹp danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển nhất để giảm ngưỡng kích hoạt các cuộc điều tra của Mỹ về việc liệu các nước này có gây tổn hại tới các ngành công nghiệp Mỹ với việc trợ cấp xuất khẩu không công bằng hay không.

Động thái này đánh dấu sự từ bỏ chính sách thương mại của Mỹ trong 20 năm qua đối với các quốc gia đang phát triển, có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với một số nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.

USTR cho biết quyết định sửa đổi phương pháp xét tiêu chí nước đang phát triển để điều tra thuế chống bán phá giá là cần thiết bởi vì hướng dẫn trước đây của Mỹ (ban hành năm 1998) “hiện đã lỗi thời.”

Với quyết định trên, Mỹ đã xóa bỏ các ưu đãi của nước này đối với một loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển (tự coi là nước đang phát triển hoặc được công nhận là nước đang phát triển), bao gồm Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Colombia, Costa Rica, Gruzia, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraine và Việt Nam.

Động thái trên cũng phản ánh sự thất vọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ được hưởng các lợi ích thương mại ưu đãi dành cho các quốc gia đang phát triển tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tháng trước, tại Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Trump tuyên bố WTO đã đối xử không công bằng với Mỹ vì “Trung Quốc được coi là một quốc gia đang phát triển. Ấn Độ được xem là một quốc gia đang phát triển. Chúng tôi không được xem là một quốc gia đang phát triển.”

Mục tiêu của các ưu đãi đặc biệt của WTO đối với các quốc gia đang phát triển là giúp các nước nghèo có thể giảm nghèo, tạo việc làm và hòa nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu.

Theo quy định của WTO, các chính phủ không được điều tra thuế chống bán phá giá nếu số tiền trợ cấp nước ngoài là tối thiểu, thường được xác định là dưới 1% giá trị quảng cáo.

Các quy tắc của WTO dành ưu đãi hơn đối với các quốc gia đang phát triển, nghĩa là nhóm nước này sẽ không bị điều tra thuế chống bán phá giá nếu số tiền trợ cấp dưới 2% giá trị quảng cáo.

Lâu nay, chính quyền Tổng thống Trump đã tìm cách chấm dứt những ưu đãi đặc biệt này đối với các quốc gia theo một số tiêu chí nhất định, như những quốc gia thành viên của các câu lạc bộ kinh tế toàn cầu như Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hoặc những nước được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập cao.

Tháng 7/2019, Tổng thống Trump đã đưa ra một bản ghi nhớ hành pháp yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác định liệu có thể đạt “tiến bộ đáng kể” nhằm hạn chế số lượng các nước được coi là các quốc gia đang phát triển hay không.

Theo ông Trump, Mỹ có thể hành động đơn phương nếu tình hình không như ý định của người đứng đầu nước Mỹ.

Một số quốc gia đã đồng ý từ bỏ quyền của các nước đang phát triển trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai, bao gồm Brazil, Singapore và Hàn Quốc./.

Đình Lượng

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Mặt trái khi kinh tế toàn cầu phụ thuộc Trung Quốc (11/02/2020)

>   'Đừng hi vọng kinh tế Trung Quốc sớm phục hồi sau dịch virus Vũ Hán' (11/02/2020)

>   D.Trump: Đã đến lúc Mỹ phải đàm phán 'nghiêm túc' với EU về thương mại (11/02/2020)

>   Phát hiện mới: Thời gian ủ bệnh của virus Corona mới lên đến 24 ngày (11/02/2020)

>   Dịch do nCoV có thể làm GDP của Nhật Bản mất 1.000 tỷ yen (11/02/2020)

>   Chính quyền Mỹ công bố ngân sách năm 2021 trị giá 4,8 nghìn tỷ USD (11/02/2020)

>   Các công ty Internet phất lên trong mùa dịch (11/02/2020)

>   Ngân hàng Thế giới: Trung Quốc 'quá giàu' không cần vay tiền để chống virus Corona (11/02/2020)

>   Số người tử vong vì nCoV tăng vọt (11/02/2020)

>   Tổng thống Trump dự đoán dịch virus corona chấm dứt vào tháng 4 (11/02/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật