Chứng khoán Tuần 10-14/02/2020: Duy trì vị thế quan sát
Như vậy, VN-Index kết thúc tuần giao dịch không mấy lạc quan. Thanh khoản suy giảm có thể do các nhà đầu tư có tâm lý ngại giao dịch mạnh trước nhiều nguồn thông tin đan xen. Vị thế quan sát vẫn nên được ưu tiên trong giai đoạn này.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 10-14/02/2020:
Giao dịch: Các chỉ số thị trường biến động trái chiều trong tuần qua. VN-Index kết thúc tuần giảm 0.35% đạt mức 937.45 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 4.59% dừng tại 109.74 điểm.
Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn biến động tiêu cực trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 160 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 16.40% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 33 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 14.90%.
Xu hướng giằng co phân hóa chiếm ưu thế trong tuần qua. Nhịp hồi phục trong tuần trước đã thúc đẩy hoạt động chốt lời diễn ra đều đặn hơn qua các phiên. Thanh khoản chưa có dấu hiệu được cải thiện cho thấy sự thận trọng vẫn đang chi phối.
Sự suy yếu của các cổ phiếu Large Cap như VIC, VNM, BID là nguyên nhân chính tác động tiêu cực lên thị trường. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu khác vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực như GAS, VPB, VHM, SBT.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng biến động không quá lạc quan. Dù bật tăng tốt và đóng vai trò là trụ chính cho thị trường trong một vài phiên giao dịch. Tổng kết tuần, hầu hết các cổ phiếu nhóm này có sự phân hóa. Trong khi TCB, MBB, TPB tăng điểm thì BID, VCB, HDB lại đồng loạt giảm điểm.
Nhóm dầu khí giao dịch khá sôi động. Giá dầu thế giới đảo chiều tăng sau 5 tuần liên tiếp sụt giảm đã tác động rất tích cực lên các cổ phiếu nhóm này. Ông lớn đầu ngành GAS tiếp tục thăng hoa khi bứt phá mạnh hơn 3% và là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index trong tuần qua.
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu thực phẩm - đồ uống đều chịu áp lực điều chỉnh cao. Các Large Cap đại diện là VNM, SAB và MSN đồng loạt lao dốc đi kèm với biên độ dao động hẹp.
Như vậy, VN-Index kết thúc tuần giao dịch không mấy lạc quan. Thanh khoản suy giảm có thể do các nhà đầu tư có tâm lý ngại giao dịch mạnh trước nhiều nguồn thông tin đan xen. Vị thế quan sát vẫn nên được ưu tiên trong giai đoạn này.
Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng hơn 176 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 170 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 6 tỷ đồng trên sàn HNX.
Cổ phiếu đáng chú ý: Cổ phiếu tăng giá mạnh trong tuần qua là SBT trên sàn HOSE và MST trên sàn HNX.
SBT tăng 17.78%: Cổ phiếu của SBT tăng trần trong hai phiên 12/02/2020 và 13/02/2020 ngay sau khi HĐQT của SBT thông qua phương án phát hành 1,200 trái phiếu.
MST tăng 20%: Trong tuần qua, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chủ tịch HĐQT đã mua 201,000 cổ phiếu. MST có hai phiên tăng trần đi kèm thanh khoản tăng vọt ấn tượng.
Đại diện giảm điểm mạnh: NRC trên sàn HOSE.
NRC giảm 20%: Cổ phiếu NRC liên tục đi ngang kể từ cuối tháng 1/2020. Sau khi đạt đến vùng 9,000-9,800, giá NRC đã lao dốc mạnh cho đến nay.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|