‘Thị trường này có nên bán không em?’
“Thị trường này có nên bán không em ơi?” – là câu nói mà P, môi giới 4 năm kinh nghiệm của một công ty chứng khoán (CTCK) tên tuổi, hay được nghe từ khách hàng trong những ngày gần đây.
Không chỉ với anh P, đó là câu hỏi mà nhiều môi giới cũng phải trả lời giữa giai đoạn dịch bệnh virus Covid-19 đang là nỗi ám ảnh của thị trường chứng khoán. “Thu nhập cũng bị ảnh hưởng nhiều”, anh P chia sẻ.
Tính từ khi sàn giao dịch mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (30/01), chỉ số tham chiếu VN-Index đã giảm 9.38% về mức 898.44 điểm. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trong thời gian từ 30/01-27/02/2020 chỉ ở mức gần 3,900 tỷ đồng, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ. Nhà đầu tư muốn bán nhiều hơn mua, những người còn giữ tiền thì đứng ngoài quan sát.
“Vốn là sau Tết, tôi tính đầu tư thêm từ tiền thưởng cuối năm… nhưng giờ chắc thôi”, V.T, một kỹ sư 25 tuổi lắc đầu khi liếc nhìn bảng điện đỏ choét. “Chiến tranh thương mại, căng thẳng Mỹ - Iran rồi giờ thêm Covid-19 nữa. Nhớ đầu năm trước thị trường còn tăng chứ nay lên gì nổi.”
"Bò hóa gấu vì Covid-19". Đồ họa: Tuấn Trần
|
Với không ít nhà đầu tư cá nhân, Covid-19 không những khiến họ lo ngại cho sức khỏe của mình mà còn chán nản khi thị trường chứng khoán cứ biến động bởi rủi ro này đến rủi ro khác.
Trong khi nền kinh tế quốc gia tăng trưởng tích cực thì thị trường chứng khoán gần hai năm trở lại diễn biến không mấy thuận lợi. Nếu xem thị trường chứng khoán Việt Nam là phong vũ biểu của nền kinh tế, thì hai năm vừa qua là thời kỳ thịnh vượng đầy âu lo. VN-Index hiện vẫn thấp hơn 25% so với mức đỉnh lập hồi tháng 04/2018, trong khi đó, tăng trưởng GDP Việt Nam đã hai năm liên tiếp đạt con số 7%. Tại HOSE, giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình mỗi phiên trong năm 2019 giảm 26% so với năm trước. Đối với HNX, mức giảm là 48%.
“Broker thì sống theo thị trường mà. Dạo này áp lực lắm.” – K, môi giới của một CTCK nội thuộc top đầu thị phần cho biết. Kết quả kinh doanh của những CTCK đầu ngành cũng ảm đạm trong năm 2019 khi thị trường không chiều lòng người, thị phần của họ thu hẹp bởi sự cạnh tranh từ những đối thủ mới nổi.
Với những nhân viên môi giới, áp lực doanh số lại càng đè nặng trong những ngày mà đi đâu cũng nghe nói về virus Covid-19, nhiều nhà đầu tư như V.T trở nên ngán ngẩm với thị trường chứng khoán và tìm đến những kênh sinh lời khác.
“Có người bán hết cổ phiếu, chuyển sang kênh gửi tiết kiệm hoặc mua vàng”, một môi giới chia sẻ.
Về phần P, trong suốt những ngày thị trường đỏ lửa, anh vẫn thường nghe những đồng nghiệp môi giới hỏi nhau rằng: “Bây giờ làm việc gì thì ngon và lương ổn định nhỉ?”
Thừa Vân
FILI
|