Trung Quốc có che giấu dịch viêm phổi cấp ?
Tình hình dịch viêm phổi cấp nghi do virus corona đang nóng lên từng ngày tại Trung Quốc. Những đoạn video 'người bệnh gục ngã bên lề đường' phát trên mạng xã hội đang khiến dư luận mất bình tĩnh.
* WHO cân nhắc dùng vắcxin MERS cho bệnh viêm phổi do virus Corona mới ở Trung Quốc
* WHO: Dịch viêm phổi cấp chưa phải là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu
* Trung Quốc cảnh báo vi rút viêm phổi lạ ‘đột biến’, lây qua đường hô hấp
Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện trung ương ở Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
|
Tính đến nay, Trung Quốc đã xác nhận 1.300 ca nhiễm virus chủng corona, chủng virus gây ra dịch Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS).
Chính quyền đã phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi được xem là tâm điểm bùng phát dịch, nhưng không thể giảm mức độ lo lắng từ người dân. Một trong số những lý do khiến người dân không khỏi lo lắng là các đoạn video trên mạng xã hội.
Báo Anh Telegraph tổng hợp nhiều đoạn video có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc, trong đó gồm hình ảnh người dân đeo khẩu trang nằm gục ngay trên đường, dòng người chen chúc trong bệnh viện, những tiếng la hét… Trên Weibo, nhà cầm quyền bị tố đã gây áp lực xóa một video ghi lại cảnh người bệnh ngồi cạnh những thi thể phủ vải trắng.
Hình ảnh này dĩ nhiên đi ngược lại với những nỗ lực kiểm soát tình hình của chính phủ và khiến người dân cảm thấy cần được "minh bạch" hơn.
Sự "minh bạch" ấy thể hiện qua việc tài khoản mạng xã hội cá nhân của những phóng viên hay người trong cuộc được tin tưởng hơn cả thông tin chính thức. Lấy ví dụ, một phóng viên địa phương viết rằng mình cảm thấy không hài lòng khi người dân không ý thức được mức độ ảnh hưởng của đợt bùng phát virus này, trong khi nó đã diễn ra từ tháng 12.
Ngược lại với thông tin tiêu cực ngồn ngộn trên mạng, báo chính thống như Nhân dân Nhật báo đăng video bệnh nhân vui mừng xuất viện, còn tờ Hoàn cầu Thời báo chỉ nhắc về chuyện thiếu cơ sở vật chất y tế.
Telegraph dẫn lời bà Sophie Richardson, giám đốc Tổ chức quan sát nhân quyền HRW tại Trung Quốc khẳng định chính quyền đang tạo ra sự hoài nghi về minh bạch. Bà nói: "Từ góc độ y tế và nhân quyền, điều cần thiết trong các trường hợp này là mọi người tin được vào các thông tin đang có. Tôi thực sự lo ngại đối với những người đang bị chính quyền dán nhãn ‘truyền bá tin đồn’ trong khi họ đang không có trong tay thông tin xác thực.
Tính tới nay, nhà cầm quyền đã xác nhận 41 trường hợp tử vong trong số 1.300 ca nhiễm bệnh loại virus mới này. Nhưng từ London của Anh, các chuyên gia lại nói rằng số ca nhiễm bệnh thực ra lên tới 4.000 ở Vũ Hán và tệ nhất có thể lên tới 9.700.
NHẬT ĐĂNG
Tuổi trẻ