Thứ Năm, 16/01/2020 09:26

SSI Research: Moody’s hạ triển vọng là bước lùi đáng tiếc nhưng dòng vốn ngoại vẫn đang vào TTCK Việt Nam

Câu chuyện về một quốc gia là yếu tố quan trọng. Những thay đổi trọng yếu liên quan đến triển vọng, không chỉ gói gọn trong tăng trưởng kinh tế, sẽ tạo được sự khác biệt để thu hút dòng vốn nước ngoài. Việc Moody’s hạ triển vọng của Việt Nam là một bước lùi đáng tiếc khi mà nhiều nỗ lực khác đang được tiến hành để nâng tầm quốc gia.

Dòng vốn bắt đầu quay trở lại với cổ phiếu sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần ba vào tháng 10/2019 và xu hướng này vẫn tiếp diễn cho đến thời điểm hiện tại. Cụ thể, đã có thêm 14.8 tỉ USD inflow vào các quỹ đầu tư cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) đưa tổng inflow lũy kế từ đầu tháng 11/2019 lên 24 tỉ USD. Tính ròng từ đầu tháng 11 đến nay, các quỹ cổ phiếu EM chưa có tuần nào bị outflow.

Trong cơ cấu dòng vốn ở EM, inflow chủ yếu đi vào nhóm GEM (Global Emerging Market funds), 12.8 tỉ USD, tiếp đến là nhóm Châu Á, 11.2 tỉ USD.

Bên cạnh làn sóng giảm lãi suất trên toàn cầu, sự kiện có tính kích hoạt cho xu hướng đảo chiều là triển vọng sáng sủa của đàm phàn thương mại Mỹ - Trung. Ngay cả khi quan hệ Mỹ - Iran bất ngờ căng thẳng vào đầu năm 2020, xu hướng dòng vốn cũng ít suy chuyển. Vào tuần thứ hai của tháng 01/2020, các quỹ cổ phiếu EM tiếp tục có inflow lớn, 1.9 tỉ USD, trong đó GEM có inflow 1.32 tỉ USD, cao nhất ba tuần.

Diễn biến tích cực của đàm phán thương mại giúp dòng vốn tại Trung Quốc, Hàn Quốc khởi sắc. Trung Quốc có inflow liên tiếp bảy tuần, tổng cộng 5 tỉ USD còn Hàn Quốc có sáu tuần với 4.1 tỉ USD. Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite (Trung Quốc) và Kospi (Hàn Quốc) đều tăng mạnh trên 6% trong khoảng thời gian này.

Một trường hợp khá đặc biệt ở khu vực Châu Á là Thái Lan. Độc lập với xu hướng dòng vốn EM và Châu Á, inflow vào Thái Lan đã tích cực hơn kể từ tháng 8/2019, sau khi Fitch và Moody’s nâng triển vọng của Thái Lan từ “ổn định” lên “tích cực”. Tổng inflow được EPFR thống kê từ tháng 8/2019 đến hiện tại là 1.7 tỉ USD, ngược với outflow 1.5 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm.

Chính phủ dân sự của Thái Lan được thành lập vào tháng 3/2019 đã giảm thiểu rủi ro bất ổn chính trị, cùng với đó dự trữ ngoại hối đạt 12 tháng nhập khẩu và lạm phát ở mức thấp tạo động lực cho nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại. Đồng Baht lên giá mạnh ngoài mong muốn của Chính phủ trong khi chỉ số chứng khoán lại đi xuống cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế 2019 - 2020. Thái Lan là một minh chứng nữa cho thấy tầm quan trọng của câu chuyện của một quốc gia. Những thay đổi trọng yếu liên quan đến triển vọng, không chỉ gói gọn trong tăng trưởng kinh tế, sẽ tạo được sự khác biệt để thu hút dòng vốn nước ngoài.

Việt nam đang ở một vị thế tương đối ngược lại với Thái Lan. Tăng trưởng kinh tế của Việt nam có phần tích cực hơn trong 2019 - 2020, dự trữ ngoại hối liên tục tăng và lạm phát cũng được soát tốt. Tuy vậy, vào tháng 12/2019, Moody’s đã giảm triển vọng của Việt nam từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, nguyên nhân xuất phát từ tiến độ thanh toán một số khoản nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Theo SSI Research, đây là một bước lùi đáng tiếc khi mà rất nhiều nỗ lực khác đang được tiến hành để nâng tầm quốc gia và thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt nam.

Khảo sát hàng tháng của Bank of America Merrill Lynch (BAML) cho thấy các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu đang lạc quan hơn rất nhiều so với giai đoạn cuối 2018. Trong đợt khảo sát tháng 12/2019, 29% trong số 247 nhà quản lý quỹ (tài sản dưới quyền quản lý - AUM: 745 tỉ USD) cho rằng kinh tế toàn cầu 2020 sẽ tăng tốc trong khi đợt khảo sát một năm trước đó chỉ ra một loạt các dấu hiệu tâm lý cực kỳ bi quan. Tỷ trọng phân bổ tài sản đầu tư vào cổ phiếu đã tăng liên tục trong 4 tháng khảo sát gần đây, chuyển từ 12%-underweight (8/2019) sang 31%- overweight (12/2019), mức cao nhất trong cả năm 2019.

Ngược với xu hướng chung là tích cực với cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại Việt nam liên tiếp bán ròng, tạo áp lực lên chỉ số chứng khoán. Trong hai tháng cuối năm 2019, NĐTNN đã bán ròng 1,100 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên HOSE, một nguyên nhân quan trọng khiến VN-Index giảm 3.8%.

Giao dịch của NĐTNN trên TTCK Việt nam không cùng chiều với diễn biến dòng vốn. Theo Bloomberg, các quỹ ETF tại Việt Nam có inflow là 270 tỷ đồng trong tháng 12/2019. Con số này vẫn thấp hơn khá nhiều so với số liệu tổng hợp từ EPFR Global là gần 51 triệu USD (tương đương khoảng 1,180 tỷ đồng). Việc bán ròng của NĐTNN trong tháng 12 tập trung chủ yếu vào 3 cổ phiếu MSN, VICVHM với tổng giá trị bán ròng khớp lệnh lên tới 1,300 tỷ đồng. SSI Research cho rằng, nguyên nhân bán ròng rất có thể liên quan đến hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ chủ động sau khi MSN công bố sáp nhập một số mảng kinh doanh của VIC.

Chỉ số chứng khoán Việt Nam bị chi phối khá lớn bởi nhóm “họ Vin” (VIC, VHM, VRE) và nhóm ngân hàng, là những nhóm có diễn biến kém tích cực trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó nhiều cổ phiếu tốt đều đã chạm trần sở hữu của NĐTNN nên dòng vốn ngoại khó tiếp cận.

SSI Research nhận định, sự lạc điệu của TTCK Việt nam so với các thị trường mới nổi phần lớn xuất phát từ giao dịch cơ cấu danh mục, không phản ánh xu hướng dòng vốn mới vào Việt Nam. Dòng inflow vào Việt nam vẫn tiếp diễn trong những ngày đầu năm 2020. Theo số liệu của EPFR, Việt Nam tiếp tục có 26.8 tỷ đồng inflow vào các quỹ đầu tư cổ phiếu trong hai tuần đầu tháng 1. Số liệu từ Bloomberg cho thấy các quỹ ETF cũng liên tục có inflow, tổng cộng là 129 tỷ đồng (tương đương 5.6 triệu USD).

Theo SSI Research, do chiến lược phân bổ tài sản có thể thay đổi nhanh nên Việt nam cần tận dụng tối đa cơ hội ở thời điểm này để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài, tạo hiệu ứng tích cực lên xu hướng thị trường. Nếu như tiếp tục có những sự kiện như hạ triển vọng tín nhiệm, hay M&A lớn như đã xảy ra trong tháng 12/2019 thì dù đang có inflow, tâm lý thị trường sẽ vẫn yếu và TTCK Việt nam có thể sẽ tiếp tục lạc điệu với TTCK thế giới.

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   VNM ETF hút vốn tuần đầu năm 2020 (15/01/2020)

>   VNM ETF trở lại mua ròng sau 2 tuần im ắng (15/01/2020)

>   Quỹ Tundra: Việt Nam sẽ tiếp tục đạt tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tiếp theo (14/01/2020)

>   Các quỹ đầu tư chuyền nhau cổ phiếu MWG (12/01/2020)

>   PYN Elite tiết lộ 4 lý do rút ngàn tỷ khỏi MWG (11/01/2020)

>   Vietnam Holding: Doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa là khoản đầu tư hấp dẫn (10/01/2020)

>   PYN Elite: Lãi suất trái phiếu Chính phủ và VN-Index tạm thời không tương quan (09/01/2020)

>   Khối ngoại rút ròng hàng ngàn tỷ đồng những tháng cuối 2019, kỳ vọng gì cho năm 2020? (07/01/2020)

>   AFC Vietnam Fund tái cơ cấu danh mục đầu tư (05/01/2020)

>   Quỹ MB Capital Growth Fund - MBGF đạt mức tăng trưởng tốt 2 năm liên tiếp (06/01/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật