Khối ngoại rút ròng hàng ngàn tỷ đồng những tháng cuối 2019, kỳ vọng gì cho năm 2020?
Đợt “tháo chạy” ngay trên sàn giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những nguyên nhân chính yếu kìm hãm khả năng tăng điểm của VN-Index.
* Số liệu dòng vốn khối ngoại trong bài chỉ tính đến những giao dịch khớp lệnh trên sàn và các giao dịch thỏa thuận. Những con số về dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn lớn hơn rất nhiều nếu tính đến những đợt mua cổ phần từ các đợt chào bán riêng lẻ như tại VIC với bên mua là SK Group, BID với KEB Hana hay BVH với Sumitomo.
Từ tháng 8 cho đến hết năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu HOSE trong tất cả các tháng với tổng giá trị bán ròng lên đến gần 5,690 tỷ đồng. Điều đáng nói, hơn 5,320 tỷ đồng trong số đó là bán khớp lệnh ngay trên sàn. Đây là một trong những “lực nén” ảnh hưởng đến khả năng tăng điểm của VN-Index trong những ngày cuối năm.
Tháng 8 và 10 là hai tháng khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt 1,705 tỷ đồng và 1,660 tỷ đồng.
Tổng thể cả năm 2019, khối ngoại vẫn mua ròng xấp xỉ 6,700 tỷ đồng tại HOSE. Đáng chú ý, nếu chỉ tính riêng các giao dịch thỏa thuận thì những nhà đầu tư nước ngoài thực tế mua ròng hơn 8,340 tỷ đồng.
Tháng mà khối ngoại mua ròng thỏa thuận nhiều nhất trong năm 2019 là tháng 5, chủ yếu nhờ thương vụ giá trị trên 5,800 tỷ đồng của SK Group mua 51.4 triệu cổ phiếu VIC thực hiện trong ngày 21/05. Trước đó ít ngày, vào 09/05, một cổ phiếu “họ Vin” khác là VHM cũng ghi nhận giao dịch thỏa thuận giá trị hơn 3,000 tỷ đồng.
Dòng vốn khối ngoại tại HOSE trong năm 2019
Chỉ xét đến những giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận
Đvt: Tỷ đồng
|
Bức tranh giao dịch của khối ngoại tại HOSE trong năm 2019 có tông màu lẫn lộn. Năm vừa qua, giá trị mua ròng của khối ngoại chỉ xấp xỉ 16% thành tích của năm 2018 (41,500 tỷ đồng) do thiếu vắng những đại thương vụ. Tuy nhiên, xét riêng đối với các giao dịch khớp lệnh thì lượng bán ròng hơn 1,640 tỷ đồng trong năm 2019 của khối ngoại đã thấp hơn rất nhiều so với con số gần 16,700 tỷ đồng trong năm 2018.
Với hai sàn giao dịch còn lại, trong năm 2019, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 770 tỷ đồng cổ phiếu tại HNX trong khi mua ròng hơn 1,410 tỷ đồng tại sàn UPCoM. Như vậy, tính tổng thể cả ba sàn giao dịch (HOSE, HNX, UPCoM) thì nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khớp lệnh và thỏa thuận xấp xỉ 7,340 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Kỳ vọng gì cho năm 2020?
Theo báo cáo chiến lược của CTCK Rồng Việt (VDSC), nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang bán ròng vào giai đoạn giữa năm 2019, do diễn biến thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng.
Cho năm 2020, VDSC kỳ vọng hoạt động giao dịch của khối ngoại sẽ tích cực hơn, nhờ: Dòng tiền từ các ETF; thị trường Việt Nam được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100; tình hình Mỹ - Trung đã có những diễn biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa có thể khởi sắc trở lại trong năm 2020, cho nên có thể thu hút dòng tiền nước ngoài, nhưng quy mô sẽ không lớn như năm 2017.
Dòng tiền ETF trong các năm 2018 và 2019
Năm 2019 dòng vốn ETF vào ròng thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 232 triệu USD, tăng đáng kể so với con số 181 triệu USD của năm 2018
Dòng tiền ETF chảy vào thị trường Việt Nam chủ yếu thông qua 2 quỹ là VNM ETF và E1VFVN30.
Nguồn số liệu: Bloomberg, VDSC
|
Với CTCK Bảo Việt (BVSC), tại báo cáo chiến lược gửi đến nhà đầu tư, đã bày tỏ quan điểm căng thẳng Mỹ - Trung sẽ còn diễn biến phức tạp và chứa nhiều ẩn số, đặc biệt là giữa bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào cuối năm 2020.
Dòng vốn từ các quỹ ETF được kỳ vọng tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng của thị trường chứng khoán trong năm 2020. BVSC lưu ý rằng những cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn, xuất hiện nhiều trong các chỉ số sẽ có diễn biến sôi động hơn so với nhóm còn lại.
Tuy vậy, vẫn có những khó khăn mà thị trường chứng khoán Việt Nam phải đối mặt trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài. Một bài bình luận mới đây trên trang Bloomberg chỉ ra rằng, những giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đang là trở lực trọng yếu đối với khối ngoại. Nhiều cổ phiếu chất lượng đã hết “room” và các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải giao dịch với nhau tại các mức giá cao hơn thị giá trên sàn, trong khi những cổ phiếu còn “room” thì lại không phù hợp khẩu vị khối ngoại.
Thừa Vân
FILI
|