Những nguyên tắc đầu tư mâu thuẫn nhưng lại rất thuyết phục của Jim Cramer
Sau hơn 30 năm trong lĩnh vực đầu tư, Jim Cramer – nhà quản lý quỹ, người dẫn chương trình “Mad Money” của CNBC – biết được rằng để tạo ra một danh mục tuyệt vời mà vẫn bám theo những nguyên tắc đầu tư của chính mình không phải là chuyện dễ dàng.
Đôi khi, những nguyên tắc đó rất mâu thuẫn. Bạn phải có lòng tin vào những cổ phiếu đã chọn, nhưng cũng nên sẵn sàng thay đổi nếu tình hình đã thay đổi. Bạn phải cẩn trọng, nhưng cũng cần phải sẵn sàng chớp lấy cơ hội. Bạn nên hoài nghi, nhưng đôi khi cũng phải thôi hoài nghi.
“Tin tôi đi, tôi biết điều đó”, Jim Cramer cho biết. “Nếu bạn thực hiện tất cả nguyên tắc của tôi theo đúng nghĩa, bạn sẽ chạy lanh quanh và suy nghĩ đến mức rụng hết tóc. Chứ bạn nghĩ sao tôi lại bị hói?”.
Thế nhưng, ông Cramer muốn lý giải những sự điên rồ đó và giải thích cặn kẽ những quy tắc của ông cho nhà đầu tư. Về phương pháp quản lý tiền, ông Cramer có một nguyên tắc chung: Bạn cần phải hiểu rõ bản thân.
Biết rõ mục tiêu bản thân là một bước quan trọng để xây dựng một danh mục đầu tư tuyệt vời, ông nói. Cho dù là bạn đang cố gắng làm những thứ có thể mang lại cuộc sống tốt hơn như mua nhà, tiết kiệm cho hưu trí hoặc để dành tiền cho đầu tư, nhưng mỗi mục tiêu đó lại cần một tư duy và cách suy nghĩ khác nhau.
“Mọi người sẽ đầu tư vào thị trường chứng khoán với mục tiêu đơn giản là kiếm tiền, nhưng bằng cách nào thì chưa rõ. Đó là chuyện thường xảy ra”, ông Cramer cho biết. “Sự thật là chẳng có phương pháp nào áp dụng cho tất cả mọi người trong thế giới đầu tư và bất cứ ai cho rằng có 1 phương pháp kiểu vậy thì một là họ hiểu sai lệch hoặc nói dối một cách trắng trợn”.
Ông Cramer biết ai cũng muốn kiếm tiền, nhưng những ai muốn kiếm tiền trên thị trường chứng khoán trước hết phải trả lời 3 câu hỏi sau:
Bạn muốn sinh lãi trong bao lâu?
Bạn sẵn lòng mạo hiểm những gì để đạt mức sinh lời mong muốn?
Bạn có thể chấp nhận bao nhiêu rủi ro?
Những câu hỏi này là cực kỳ quan trọng đối với một nhà đầu tư, Jim Cramer nhấn mạnh. Chẳng hạn, nếu bạn muốn kiếm tiền một cách chậm rãi và bền vững cho danh mục hưu trí thì những cổ phiếu tăng trưởng nhanh chóng như Netflix có thể không phải loại cổ phiếu dành cho bạn.
Ông Cramer cũng đưa ra một ví dụ để làm rõ. Nếu bạn muốn bay qua biển Thái Bình Dương, bạn nên đi loại máy bay như Boeing 747. Bạn không thể bay qua biển Thái Bình Dương trong chiếc xe Ford Fiesta. Thế nhưng, nếu bạn đi đón con ở trường thì đi xe Ford Fiesta có thể là lựa chọn tuyệt vời. Còn nếu bạn đi mua hàng ở Home Depot, chiếc Ford Fiesta có thể quá nhỏ và máy bay Boeing 747 cũng chẳng giúp gì được – trong trường hợp này, một chiếc xe tải sẽ là phương án tốt nhất. Từ đó cho thấy, mỗi mục tiêu sẽ thực hiện theo một cách khác nhau, không phải mục tiêu nào cũng sử dụng cách giống nhau.
Đó là cách ông Cramer xem xét cổ phiếu. Những nhà đầu tư tập trung vào tiết kiệm nên tìm tới những cổ phiếu có rủi ro thấp và tăng trưởng ổn định; những nhà đầu tư không có thời gian nghiên cứu công ty nên rót tiền vào các quỹ chỉ số cơ bản có chi phí thấp; và đối với nhà đầu tư có nhiều thời gian và tiền bạc, họ có thể lập nhiều danh mục hoặc chấp nhận rủi ro cao hơn.
“Nói tóm lại, trước khi đưa ra nhận định về từng cổ phiếu, bạn phải biết thước đo của bản thân là gì”, ông Cramer cho biết. “Đây cũng là nền tảng cho một đánh giá đầu tư hợp lý. Biết rõ mục tiêu của bản thân để từ đó có thể tìm những cổ phiếu phù hợp với nhu cầu cụ thể”.
Phải hiểu những gì bạn đang sở hữu
Một trong những sai lầm lớn nhất của nhà đầu tư khi mua cổ phiếu là dự báo giá cổ phiếu có thể tăng đến mức nào nhưng lại không xét tới việc cổ phiếu có thể giảm tới đâu.
Jim Cramer
|
Nỗi đau từ khoản lỗ lớn có thể tác động lớn hơn niềm vui từ đà tăng mạnh. Điều này cũng lý giải tại sao nhà đầu tư phải xác định rõ rủi ro-khả năng sinh lời của một cổ phiếu, ông Jim Cramer.
“Biết những gì bạn sở hữu và người khác sẽ trả bao nhiêu cho nó”, ông Cramer cho hay. “Điều này có nghĩa là bạn hiểu được rủi ro-khả năng sinh lời, khả năng giảm giá và tiềm năng tăng giá trước khi mua bất kỳ cổ phiếu nào. Bạn có thể làm điều này bằng cách tìm hiểu xem những nhà đầu tư tăng trưởng kỳ vọng cổ phiếu tăng tối đa đến mức nào (mức trần) và những nhà đầu tư giá trị kỳ vọng cổ phiếu giảm tối đa tới mức nào (mức sàn)”. Đây là cách ông Cramer thiết lập mức trần và sàn của cổ phiếu.
Phần thưởng là tiềm năng tăng giá (mức trần). Mức trần là khoản tiền mà nhà đầu tư lớn theo trường phái tăng trưởng sẵn lòng trả cho một cổ phiếu. Còn rủi ro là khả năng giảm giá (mức sàn) – là khoản tiền mà những nhà đầu tư lớn theo trường phái giá trị sẵn lòng trả cho một cổ phiếu đang trên đà giảm, ông Cramer cho hay.
“Để xác định rủi ro, bạn cần phải cân nhắc đâu là mức mà các nhà đầu tư giá trị có thể bắt đầu mua khi cổ phiếu đang trên đà giảm”, ông nói. “Để tìm ra mức trần tiềm năng, bạn phải nghĩ đâu sẽ là mức mà những nhà đầu tư tăng trưởng lạc quan nhất sẽ bắt đầu bán ra”.
Ông Cramer cũng đề cập đến chiến lược lọc cổ phiếu GARP (tăng trưởng ở mức giá hợp lý) vốn được huyền thoại Peter Lynch ủng hộ nhiệt liệt nhất. Theo phương pháp này, nhà đầu tư sẽ so sánh giữa tỷ lệ tăng trưởng với hệ số P/E của một công ty – tức xác định nhà đầu tư sẽ sẵn lòng trả bao nhiêu cho một cổ phiếu với mức lợi nhuận hiện tại. Phương pháp GARP đưa ra mức tối đa mà những nhà đầu tư tăng trưởng sẵn lòng trả cho một cổ phiếu.
Ông Cramer cũng đưa ra “quy tắc ngón tay cái” để xác định xem cổ phiếu có bị định giá quá cao hoặc định giá quá thấp hay không: Một cổ phiếu có hệ số lợi nhuận thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng (ngoại trừ một vài ngoại lệ” có thể được xem là rẻ, trong khi cổ phiếu có hệ số cao hơn 2 lần tỷ lệ tăng trưởng thường bị xem là định giá quá cao và nên bán ra.
“Nói cách khác, nếu một cổ phiếu nào đó có hệ số P/E là 20 lần và công ty chỉ có tỷ lệ tăng trưởng 10%, thì có lẽ mức giá hiện tại đã gần hoặc tại mức đỉnh, vì nó đã chạm tới mức trần tăng trưởng 2 lần – một mức mà tôi cho là phạm vi an toàn”, ông nói.
Vương Đông (Theo CNBC)
FILI
|