Thứ Ba, 07/01/2020 16:46

Kinh tế Úc lao đao vì thảm họa cháy rừng

Thảm họa cháy rừng có thể đẩy nền kinh tế Úc vào suy thoái lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ qua vì ngành du lịch và nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đồng thời sức mua sắm của người dân bị suy giảm, theo nhận định của các chuyên gia.

Lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực khống chế đám cháy rừng ở Charmhaven, bang New South Wales (Úc). Ảnh: AP

Hơn 6 triệu hécta rừng ở Úc đã bị thiêu rụi kể từ khi mùa cháy rừng ở đất nước chuột túi bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái. Từ tháng 12 cho đến nay, các vụ cháy rừng càng dữ dội và nguy hiểm hơn. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ở ba bang: New South Wales, Victoria và Nam Úc giữa lúc nhà chức trách dự báo cháy rừng kéo dài ít nhất đến tháng 3-2020.

Chiến dịch sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm vẫn đang được triển khai. Hôm 7-1, tận dụng thời tiết dịu lại, lực lượng cứu hỏa phải chạy đua để dập các đám cháy rừng ở các vùng Đông Nam nước Úc.

Ít nhất 24 người thiệt mạng, gần 2.000 nhà cửa bị thiêu rụi và hư hại trong các vụ cháy rừng trên khắp nước Úc trong mấy tháng qua. Động vật chết nhiều vô kể. Chỉ tính riêng tại bang New South Wales, nơi xảy ra cháy rừng nghiêm trọng nhất, khoảng 480 triệu động vật đã bị chết. Tính đến ngày 5-1, còn ít nhất 150 đám cháy rừng đang diễn ra ở bang này.

Nhà kinh tế Martin North ở Công ty nghiên cứu Digital Finance Analytics, cho biết thảm họa cháy rừng nghiêm trọng đến mức có thể nhấn chìm nền kinh tế Úc vào tình trạng suy thoái kỹ thuật (hai quí tăng trưởng âm liên tiếp).

Trao đổi với tờ Daily Mail hôm 6-1, ông nói: “Cháy rừng đang làm gia tăng xác suất nền kinh tế Úc rơi vào suy thoái”.

Ông cho biết ngay trước khi thảm họa cháy rừng xảy ra, nền kinh tế Úc đã đứng bên bờ vực suy thoái khi doanh số bán lẻ chứng kiến mức tăng trưởng yếu nhất kể từ cơn suy thoái kinh tế vào năm 1991. Một dấu hiệu khác cho thấy kinh tế nước này đang suy yếu là doanh số bán xe trong năm qua giảm 7,8%, theo công bố của Phòng Công nghiệp ô tô liên bang Úc hôm 6-1.

Ông Martin North lo ngại “giặc lửa” và tình trạng khô hạn sẽ tác động xấu đến sản lượng nông nghiệp của Úc. Tác động tâm lý của các vụ cháy rừng đối với người dân là rất tiêu cực, do đó niềm tin của người tiêu dùng, vốn đang ở mức thấp, sẽ càng bị xói mòn thêm.

“Kinh tế Úc sẽ gập ghềnh và có thể trượt vào suy thoái trong vòng 12-18 tháng tới”, ông cho biết.

Nhà kinh tế trưởng Shane Oliver của Công ty quản lý đầu tư AMP Capital, cho rằng hình ảnh về sự tàn phá do cháy rừng phát trên truyền hình và mạng xã hội có thể làm tổn thương niềm tin của người tiêu dùng ngay cả ở những thành phố của Úc không bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.

“Tác động thực sự đối với nền kinh tế liên quan đến việc người dân thành phố có xu hướng giảm chi tiêu vì những tin tức tiêu cực về vụ cháy”, ông nhận định.

Một con chuột túi chết trong vụ cháy rừng ở Adelaide Hills, bang Nam Úc (Úc). Ảnh: The Advertiser

Trong 9 tháng đầu năm 2019, kinh tế Úc chỉ tăng trưởng 1,7% so với cùng kỳ năm trước đó. Tốc độ tăng lương đang chậm hơn mức trung bình kể từ năm 2013, làm kìm hãm khả năng chi tiêu của người dân. Oliver cho rằng nếu người tiêu dùng Úc tiếp tục mua sắm yếu ớt trong năm 2020, suy thoái có thể xảy ra.

Ông dự báo các đám cháy rừng có thể khiến tăng trưởng GDP của nước này mất mất 1 điểm phần trăm trong quí cuối năm 2019 và quí đầu năm 2020.

Đồng tình với nhân định trên, David Bassanese, nhà kinh tế trưởng ở Công ty BetaShares Capital, cho rằng thảm họa cháy rừng có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế của Úc, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và tiêu dùng.

Ông nói: “Xét theo góc nhìn vĩ mô, cháy rừng có thể tạo ra tác động tiêu lực lên niềm tin của người tiêu dùng vốn đang bị tổn thương. Đó là sự kìm hãm lớn đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế”.

Hôm 6-1, Thủ tướng Úc, Scott Morrison, thông báo thành lập quỹ trị giá 2 tỉ đô la Úc để hỗ trợ tái thiết những khu vực bị tàn phá vì cháy rừng.

Hội đồng Bảo hiểm Úc (ICA) cho biết kể từ tháng 9 năm ngoái cho đến nay, các công ty bảo hiểm đã nhận tổng cộng gần 9.000 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến cháy rừng với tổng trị giá 700 triệu đô la Úc (485 triệu đô la Mỹ). Tuy nhiên, số tiền thực tế mà các hãng bảo hiểm phải bồi thường sẽ còn cao hơn nhiều vì các đám cháy rừng vẫn chưa được khống chế.

Terry Rawnsley, Giám đốc phân tích kinh tế ở Công ty tư vấn SGSEP, ước tính thiệt hại trực tiếp trong các lĩnh vực bán lẻ, du lịch và nông nghiệp ở các khu vực bị cháy rừng ở Úc hiện nay vào khoảng 1,1-1,9 tỉ đô la Úc. Cách đây 10 năm, thảm họa cháy rừng ở bang Victoria gây thiệt hại đến 4,4 tỉ đô la nhưng diện tích rừng bị thiêu rụi hiện nay cao gấp 14 lần so với thảm họa cháy rừng ở Victoria vào năm 2009.

Chánh Tài

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thủ tướng trẻ nhất thế giới muốn người dân đi làm 4 ngày/tuần, 6 giờ/ngày (07/01/2020)

>   12 nhân vật nổi tiếng thích săn hàng giá rẻ (07/01/2020)

>   Mỹ ngăn Hà Lan bán công nghệ sản xuất chip cho Trung Quốc (06/01/2020)

>   Chờ xem Trung Quốc mở cửa (06/01/2020)

>   Những câu chuyện kinh doanh đáng chú ý trong năm 2019 (06/01/2020)

>   Các loại tài sản tăng mạnh nhất 2019, dầu thô chiếm ngôi đầu (06/01/2020)

>   Người Mỹ chi tiêu mua sắm ôtô cao kỷ lục trong năm 2019 (05/01/2020)

>   Hàn Quốc mở rộng chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp (05/01/2020)

>   Mối lo dầu mỏ giữa bất ổn Mỹ - Iran (05/01/2020)

>   Hàng ngàn người Hồng Kông tuần hành phản đối ‘con buôn’ từ đại lục (05/01/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật