Hứa hẹn nhiều khởi sắc trong thị trường bất động sản ở TP.HCM
Theo các chuyên gia, tính thanh khoản của thị trường bất động sản TP.HCM vẫn tốt, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn bị khủng hoảng.
* Bất động sản 2020: Đầu năm trầm lắng, cuối năm kỳ vọng 'bình thường' trở lại
* Bất động sản 2020: Bình mới rượu cũ?
* Hai kịch bản cho thị trường bất động sản năm 2020
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Năm 2019 khép lại, thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh chứng kiến nhiều biến động.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tính thanh khoản của thị trường bất động sản thành phố vẫn tốt, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn bị khủng hoảng và đóng băng 2011-2013.
Tín hiệu khả quan
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), những khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản thành phố chỉ có tính nhất thời do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và việc thực thi pháp luật.
Dự báo từ quý 3 năm nay trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây.
Năm 2020, sẽ ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng,” nhưng có thể xảy ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông.
Trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp bất động sản có thể vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức.
Phân khúc thị trường căn hộ chung cư nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ, có giá vừa túi tiền (trên dưới 2 tỷ đồng/căn) tiếp tục giữ vị trí chủ đạo trong thị trường bất động sản, đi đôi với nguồn cung dự án nhà ở xã hội tăng thêm trong năm 2020.
Đại diện Công ty DKRA Việt Nam cho rằng, trong năm 2020, đất nền vẫn tiếp tục khan hiếm do không có nhiều dự án mới mở bán. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ có thể sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2019, dao động khoảng 25.000 căn.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh dự án căn hộ tại quận 2 chia sẻ, từ giữa năm 2019 doanh nghiệp này “nín thở,” theo dõi diễn biến thị trường và chính sách. Tuy nhiên bước vào năm 2020 khi nhận thấy nhiều dấu hiệu khả quan, doanh nghiệp đang cân nhắc việc “bung” dự án, dự kiến vào quý 3 năm nay.
Định hướng về phát triển nhà ở trên địa bàn, ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020, thành phố phấn đấu phát triển thêm 8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn thành phố lên 190,19 triệu m2, với diện tích nhà ở bình quân là 20,6m2/người.
Thành phố sẽ khởi công và thi công xây dựng 10 chung cư, 100% công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng quy định.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, sở sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, lập thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất đối với 19 khu đất (quy mô 33,68ha), tiếp nhận 16 khu đất (12,79ha), làm thủ tục đo đạc 12 khu đất (8,11ha).
Đồng thời, Sở thu hồi các khu đất thanh toán hợp đồng BT các dự án trên địa bàn thành phố, xử lý 13 khu đất do 11 công ty đang sử dụng và trình Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đấu giá 37 khu đất công hoán đổi tại quận 9.
Nhiều chính sách quan trọng
Năm 2020 là năm sẽ chứng kiến nhiều luật liên quan đến nhà ở được sửa đổi, bổ sung, kỳ vọng khai thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Đơn cử là Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (triển khai từ tháng Một này) xác định lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản, buộc các doanh nghiệp bất động sản phải nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh và tìm kiếm thêm các nguồn vốn đầu tư thay thế.
Tuy nhiên dự báo thông tư này cũng sẽ làm cho doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn trước, có thể dẫn đến làm giảm tổng cầu của thị trường, nhất là đối với phân khúc bất động sản cao cấp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (thi hành từ tháng Một này).
Đáng chú ý là việc xử lý nghiêm các hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở (phạt tiền đến 1 tỷ đồng), bỏ hoang đất, mua bán đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lấn chiếm đất (bị phạt tới 1 tỷ đồng), buộc khắc phục hậu quả…
Điều này hy vọng nâng cao hơn nữa việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, chấn chỉnh tình trạng vi phạm hành chính về đất đai đang diễn ra phổ biến ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh; trong đó, có Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt khác, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam cho phép xây dựng căn hộ nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25m2/căn, mở ra triển vọng giải quyết nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư, giới trẻ mới lập nghiệp và mới lập gia đình.
Dưới góc địa phương, thời gian qua Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực xem xét, rà soát, giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố, đặc biệt là quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, định kỳ hàng quý lãnh đạo thành phố đều gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và định hướng thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020 thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển toàn diện kinh tế xã hội với 21 chỉ tiêu; trong đó, tăng cường quản lý trật tự đô thị, xây dựng trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù.
Thành phố tập trung chuyển đổi và khai thác nguồn lực đất đai, thực hiện các đề án lớn như điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố, xây dựng chính quyền đô thị, phát triển thành phố thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sau khi có hướng dẫn phương án sử dụng đất, kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép thành phố thực hiện cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất.
Đồng thời, thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án, đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh các bất cập, không đồng bộ giữa quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, nâng cao chất lượng quy hoạch về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, rà soát quy hoạch xây dựng, cải tạo chỉnh trang phát triển đô thị.
Những định hướng nêu trên hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển các lĩnh vực, ngành nghề của thành phố; trong đó, có lĩnh vực kinh doanh bất động sản - vốn là ngành đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của thành phố.
Khi tỷ lệ ngân sách thành phố giữ lại càng cao thì thành phố sẽ càng có điều kiện chi đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, xây dựng hệ thống thông tin minh bạch gắn với cải cách mạnh mẽ nền hành chính, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp, tạo ra cơ hội đầu tư các dự án nhà ở cũng như tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng vốn dĩ tiêu tốn không ít thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
“Tuyệt đối không để việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng trong thời gian qua làm ảnh hưởng đến tiến độ và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm việc cầm chừng, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cam kết.
Việc này một lần nữa “thắp lên” hy vọng về việc xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, tạo không khí kinh doanh bất động sản sôi động trở lại.
Để thị trường bất động sản thành phố phát triển bền vững, minh bạch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện HoREA kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, có doanh nghiệp bất động sản.
Đi vào một số nội dung cụ thể, đại diện HoREA kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện hoán đổi phần đất thuộc Nhà nước quản lý để lấy đất đã có hạ tầng của dự án theo tỷ lệ do Nhà nước quy định; kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố sớm hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất để rút ngắn thời gian làm thủ tục và đảm bảo kết quả tính tiền sử dụng đất hợp lý, không làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
HoREA kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước và được tiếp tục triển khai dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân./.
Trần Xuân Tình
Vietnam+
|