Thứ Sáu, 17/01/2020 10:04

Công viên nước 200 tỉ xây không phép rồi đập bỏ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Một công viên nước hoành tráng hơn 3ha, đầu tư 200 tỉ đồng nhưng xây không phép ở thủ đô Hà Nội đã bị đập bỏ.

* Huy động hơn 100 người tháo dỡ công viên nước lớn nhất Hà Nội

Công viên nước 200 tỉ xây không phép rồi đập bỏ: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.
Lực lượng chức năng quận Hà Đông phá dỡ công viên nước Thanh Hà vào sáng 16-1, sau gần 1 tháng ra quyết định cưỡng chế - Ảnh: B.N.

Sáng qua 16-1, lực lượng chức năng quận Hà Đông (Hà Nội) tiếp tục phá dỡ phần còn lại của công viên nước Thanh Hà và đến trưa cùng ngày, công viên nước có vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng này chỉ còn lại đống gạch vụn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hùng Võ - cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường - khẳng định với tất cả những công trình xây dựng không phép, sai phép, bất kể quy mô lớn hay nhỏ thì đều cần áp dụng hình thức cưỡng chế kết hợp với hình phạt bổ sung thật nặng để ngăn ngừa sai phạm.

Theo ông, cần xử phạt vi phạm hành chính thật nặng vì mức phạt hành chính trong lĩnh vực vi phạm trật tự xây dựng hiện nay rất thấp, nên chưa có sức răn đe với các chủ dự án có thể thu lợi rất lớn từ các dự án vi phạm.

Ông Võ cho rằng đang có lỗ hổng trong quản lý trật tự xây dựng đô thị khi một công viên nước hoành tráng xây dựng không phép giữa thủ đô, đi vào hoạt động sau 6 tháng mới bị cưỡng chế.

"Người ta vẫn đồ rằng có lợi ích nhóm, có sự chung tay của cán bộ quản lý cấp phường, cấp quận, nhận phong bì rồi không làm gì, để mặc chủ dự án muốn làm gì thì làm" - ông Võ nêu ý kiến.

Theo pháp luật về đất đai, UBND cấp phường trực tiếp phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp trên xử lý.

Về thẩm quyền, quận Hà Đông là cơ quan có trách nhiệm quản lý tất cả dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Theo ông Võ, cần truy trách nhiệm của cán bộ quản lý cấp quận, cấp phường để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Cùng quan điểm, ông Tống Văn Nga - phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - cũng cho rằng nếu không có sự bao che của cán bộ cấp phường, cấp xã thì công viên nước đó không thể tự mọc lên được. Nhưng về cách xử lý đập bỏ đầy lãng phí, theo ông Nga, lẽ ra nên biến nó thành không gian vui chơi cho cộng đồng của khu đô thị Thanh Hà có diện tích rộng khoảng 388ha.

Công viên nước 200 tỉ xây không phép rồi đập bỏ: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 2.
Bên ngoài công viên nước Thanh Hà trước khi bị phá dỡ - Ảnh: B.N.

Còn ông Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị VN, cho rằng trách nhiệm lớn nhất trong xây dựng không phép công viên nước Thanh Hà thuộc về Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 - chủ đầu tư dự án đô thị Thanh Hà.

Bởi khu đô thị Thanh Hà đang được xây dựng, công viên nước Thanh Hà là một hạng mục trong khu đô thị, nếu chủ đầu tư không báo cáo xây những hạng mục nào thì chính quyền địa phương rất khó quản lý, dù trách nhiệm của chính quyền cấp phường, cấp xã là giám sát hoạt động xây dựng trên địa bàn.

Về việc đập bỏ công trình sai phép, theo ông Nghiêm, là thực hiện theo quy định. Đã có một thời nhiều địa phương buông lỏng quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, cho phép áp dụng hình thức phạt cho tồn tại làm phá vỡ quy hoạch đô thị.

Vì vậy, đến nay hầu hết các địa phương đều kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Việc sửa đổi Luật xây dựng hiện nay cũng thực hiện theo tinh thần kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm, chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại.

Công viên nước Thanh Hà rộng hơn 3ha, được Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 xây dựng trên lô đất thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội.

Công viên nước chi phí đầu tư xây dựng khoảng 200 tỉ đồng này được đưa vào kinh doanh từ tháng 6-2019. Công trình bị UBND quận Hà Đông ban hành quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả vào cuối tháng 12-2019 do xây dựng không phép.

B.NGỌC

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Thanh tra Chính phủ đối thoại với người dân Thủ Thiêm giữa tháng 2 (17/01/2020)

>   Thiếu luật, Khánh Hòa xin Thủ tướng tạm dừng làm đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (17/01/2020)

>   Doanh nghiệp địa ốc đau đầu vì bị nhái tên thương hiệu (17/01/2020)

>   Doanh nghiệp địa ốc đau đầu vì bị nhái tên thương hiệu (17/01/2020)

>   Nguồn cung nhà ở Hà Nội, TP HCM: 59 người mới có một căn hộ (16/01/2020)

>   Hoàng Quân Nha Trang giao nhà ở xã hội sau 3 năm trễ hẹn, 10 lần thất hứa (16/01/2020)

>   Một doanh nghiệp bất động sản bị 'tố' lừa đảo (16/01/2020)

>   Người mua nhà 8B Lê Trực đòi nhà để kịp đón tết Canh Tý (15/01/2020)

>   Huy động hơn 100 người tháo dỡ công viên nước lớn nhất Hà Nội (15/01/2020)

>   Công an truy tìm hàng loạt lãnh đạo công ty lừa bán đất nền 'ma' (15/01/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật