Thiếu luật, Khánh Hòa xin Thủ tướng tạm dừng làm đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong
Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến 4 bộ Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp về việc dừng lập quy hoạch đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nhà máy đóng tàu biển Hyundai Vinashine tại khu kinh tế Vân Phong - Ảnh: B.N
|
Đây là một trong 3 đặc khu kinh tế của cả nước theo dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Trong số 3 đặc khu kinh tế dự kiến phát triển Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, đến nay đặc khu Vân Đồn đã chuyển quy hoạch phát triển khu kinh tế Vân Đồn; đặc khu Phú Quốc cũng chuyển quy hoạch phát triển TP Phú Quốc; nhưng tỉnh Khánh Hòa đang trình Thủ tướng cho dừng quy hoạch đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.
Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong) cho đến khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị Thủ tướng cho điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến 2030 theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển khu kinh tế Vân Phong, phù hợp với tình hình thực tế để kêu gọi đầu tư.
Về chủ trương phát triển đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, vào tháng 8-2017, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 8489 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển đặc khu Bắc Vân Phong và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành đặc khu kinh tế.
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai các bước lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đặc khu Bắc Vân Phong, chuẩn bị lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch.
Tuy nhiên, do Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt chưa được Quốc hội dự kiến thời điểm thông qua nên quá trình triển khai lập quy hoạch đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở pháp lý, không xác định được trình tự, thủ tục, nội dung quy hoạch, cơ quan thẩm định.
Theo dự kiến quy hoạch thì đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong gồm: khu phi thuế quan rộng 920ha; các cơ sở, trung tâm công nghiệp ngoài khu phi thuế quan như khu vực sản xuất công nghiệp tập trung Dốc Đá Trắng quy mô 300ha.
Khu phát triển công nghiệp Hòn Khói quy mô 250ha; khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang quy mô 1.200ha được định hướng phát triển du lịch sinh thái biển và đô thị sinh thái biển.
Các khu đô thị chức năng thuộc đặc khu như khu vực Nam Tu Bông đến đèo Cổ Mã quy mô 900ha. Bên cạnh đó, còn khoảng 8.600ha đất tự nhiên đang nghiên cứu định hướng quy hoạch.
Trong khi khu kinh tế Vân Phong nhiều năm qua vẫn phát triển theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh vào năm 2014.
Khu vực Nam Vân Phong hiện có một số dự án lớn đi vào hoạt động hoặc đang được xây dựng như: nhà máy tàu biển Hyundai Vinashine vốn thực hiện 375 triệu USD; nhiệt điện Vân Phong 1 vốn đăng ký đầu tư 2,58 tỷ USD; cảng tổng hợp Vân Phong vốn đầu tư khoảng 48 triệu USD…
Bên cạnh đó, một loạt dự án, khu chức năng lớn đã đăng ký đầu tư vào Nam Vân Phong chưa triển khai như: tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, khu công nghiệp cảng, khu vực phát triển đô thị công nghiệp, trung tâm công nghiệp cảng chuyên dùng.
Theo đề án thành lập đặc khu Bắc Vân Phong, từ nay đến năm 2025 cần 53.000 tỉ đồng để xây dựng 9 tuyến đường trục chính, 5 gói đường nội khu với 49 tuyến, xây dựng khoảng 20km đường sắt từ cảng trung chuyển Vân Phong đến đường sắt Bắc - Nam và 2 nhà ga.
Ngoài ra, cần 46.500 tỉ đồng xây dựng trường học, bệnh viện, sân vận động, cung văn hóa; 15.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, và 80 tỉ đồng làm quy hoạch.
|
BẢO NGỌC
Tuổi trẻ