BVS: Lợi nhuận tăng trưởng nhanh đưa P/E 2020 về mức hấp dẫn
Trong báo cáo Chiến lược 2020 mới công bố gần đây, CTCK Bảo Việt (BVS) dự báo VN-Index sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2020, đóng cửa ở mức 1,070 - 1,110 điểm.
Theo BVS, bối cảnh vĩ mô quốc tế, môi trường lãi suất thấp là yếu tố chính tác động tới thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, các sự kiện quan trọng như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, diễn biến tiếp theo của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn có nhiều diễn biết khó lường và tạo ra rủi ro với thị trường chứng khoán nếu cuộc chiến này leo thang trở lại.
Trong khi đó, bối cảnh vĩ mô trong nước năm 2020 tiếp tục diễn biến thuận lợi, là cơ sở tốt để thị trường chứng khoán tăng trưởng. Tăng trưởng GDP giảm tốc nhẹ, nhưng vẫn là điểm sáng trong bối cảnh tăng trưởng chậm trên toàn thế giới, mặt bằng lãi suất ổn định, biến động tỷ giá trong tầm kiểm soát.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng góp lớn vào lợi nhuận toàn thị trường
Đối với tăng trưởng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, BVS ước tính, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2020 tăng nhanh hơn so với năm 2019, vào khoảng 13.9%, cao hơn mức dự kiến 9.5% của 2019.
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các nhóm DN năm 2020. Nguồn: BVS
|
Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp lớn vào tỷ trọng lợi nhuận toàn thị trường. Nhóm ngành này dự báo có lợi nhuận tăng trưởng trên 20% trong năm 2020 với sự đóng góp lớn của VCB.
Một số nhóm ngành phi tài chính khác như thép (HPG), bản lẻ (MWG), công nghệ thông tin (FPT) cũng sẽ có lợi nhuận sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình của thị trường trong năm 2020.
Lợi nhuận tăng trưởng nhanh đưa P/E 2020 về mức hấp dẫn
Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết tăng 13.9% trong năm 2020 giúp EPS tăng trưởng khoảng 10.5% trong năm 2020. BVS dự báo P/E 2020 sẽ ở mức 14.5 lần, thấp hơn so với mức PE hiện nay và đây là một điểm nhấn tạo ra sự hấp dẫn cho thị trường trong năm 2020.
Với bối cảnh 2020 được dự báo tương đương năm 2019, BVS mức P/E hiện nay là hợp lý, điều này là cơ sở để kỳ vọng VN-Index có thể tăng được 10% trong năm 2020. Dự báo VN-Index năm 2020 đóng cửa ở mức 1,070-1,110.
P/E thị trường Việt Nam đang về vùng hợp lý. Nguồn: BVS
|
GDP, vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng trưởng cao khiến Việt Nam sẽ là lựa chọn không thể thiếu của các nhà đầu tư, nhà quản lý quỹ ETF
Bên cạnh đó, thị trường còn có khả năng đón nhận được dòng vốn ngoại mới, dòng vốn này chảy vào thị trường thông qua các quỹ ETF, quỹ đầu tư bám theo chỉ số MSCI Frontier. Nếu được MSCI đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng, FTSE chính thức nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có đợt tăng điểm mạnh nhờ vào kỳ vọng dòng vốn mới.
Tốc độ tăng trưởng vốn hóa của Việt Nam đạt gần 250% sau 3 năm, tốc độ tăng trưởng GDP luôn duy trì ở mức cao, tỷ lệ vốn hóa/GDP của thị trường cổ phiếu vẫn ở mức dưới 80%, tiềm năng tăng trưởng về quy mô của thị trường cổ phiếu còn nhiều.
Với việc đầu tư vào quỹ ETFs đang trở thành xu hướng, và 1 trong những tiêu chí để phân phối tài sản của các quỹ này là vốn hóa thị trường, với việc vốn hóa của TTCK Việt Nam tăng nhanh trong thời gian vừa qua, khiến thị trường cổ phiếu Việt Nam dần trở nên quan trọng và hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà quản lý quỹ.
Bên cạnh đó việc nâng hạng, và có thêm các chỉ số mới sẽ là kênh dẫn vốn vào thị trường Việt Nam trong các năm tới.
Trong năm 2019, các quỹ ETF rót vốn ròng vào thị trường Việt Nam. Năm 2020, với việc HOSE ban hành thêm các chỉ số mới là cơ hội tốt để có thêm các quỹ ETF ra đời và hút vốn cho thị trường. Việc lựa chọn các cổ phiếu được hưởng lợi từ dòng tiền ETF cũng là một hướng đầu tư tốt trong năm 2020.
Một số rủi ro tiềm ẩn được BVS đưa ra cho thị trường năm 2020 như: rủi ro về khả năng Chính phủ Mĩ rà soát danh sách các quốc gia thuộc diện có khả năng thao túng tiền tệ, trong đó có Việt Nam; rủi ro lạm phát tăng cao do dịch tả lợn Châu Phi; rủi ro về sự phát triển quá nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tạo ra khả năng xuất hiện những sản phẩm trái phiếu không có chất lượng vẫn được bán đến nhà đầu tư; rủi ro tiềm ẩn đến từ hoạt động cho vay margin của các công ty chứng khoán khi quy mô cho vay margin ngày càng lớn.
Chí Kiên
FILI
|