Góc nhìn 02/01: Tiếp tục giằng co?
Các CTCK có góc nhìn thận trọng đối với thị trường trong phiên giao dịch đầu năm 2020.
Chịu áp lực rung lắc
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Chỉ số VN-Index đảo chiều như kỳ vọng tuy nhiên lực cầu giá thấp được củng cố đã thu hẹp phần nào đà giảm điểm. Chỉ số có thể tiếp tục chịu áp lực rung lắc trong phiên kế tiếp tuy nhiên KBSV cho rằng khả năng điều chỉnh mạnh ngay trước mắt chưa cao.
NĐT được khuyến nghị có thể mở lại 1 phần vị thế ngắn hạn tại nhịp điều chỉnh trong các phiên cuối tuần.
Tiếp tục giằng co
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường kết năm trong không khí buồn tẻ khi VN-Index giảm về gần ngưỡng 960 điểm. Thanh khoản khớp lệnh chỉ còn gần 2,500 tỷ đồng trên cả hai sàn cho thấy một bộ phần nhà đầu tư đã nghỉ lễ và đứng ngoài thị trường. Việc VN-Index giảm về gần ngưỡng trung bình 960 điểm của khoảng biến động 950-970 điểm tiếp tục cho thấy xu hướng hiện tại không có gì thay đổi và có thể tiếp tục diễn ra.
Dự báo, trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2020, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 950-970 điểm như diễn biến của bốn tuần trước đó.
Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và giải ngân thêm nếu như thị trường có những nhịp test lại ngưỡng hỗ trợ quanh 940 điểm (đáy tháng 6/2019). Nhà đầu tư ngắn hạn có thể áp dụng chiến lược mua thấp bán cao (buy low sell high) với ngưỡng hỗ trợ và kháng cự gần nhất quanh 950 điểm và 970 điểm.
Chu kỳ tăng tốt rơi vào quý 1
CTCK MB (MBS): Khép lại năm 2019, chứng khoán Việt Nam có mức tăng 7.67% và đứng đầu Đông Nam Á, tuy vậy phần lớn mức tăng trong năm nay hoàn toàn nhờ vào con sóng trong 3 tháng đầu năm, ¾ thời gian còn lại thị trường chỉ dao động trong vùng từ 940 điểm đến khu vực 1,000 điểm, lệch pha so với các thị trường lớn trên thế giới trong quý 4.
Về triển vọng TTCK trong năm 2020, đã có một số tổ chức trong và ngoài nước nhận định tích cực, điều đó là hoàn toàn có cơ sở khi nền tảng vĩ mô vẫn được đánh giá sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường, bên cạnh đó rủi ro bên ngoài cũng giảm đi so với năm vừa qua và dòng vốn đầu tư quốc tế có thể quay trở lại đối với các thị trường mới nổi cũng như Việt Nam. Trong ngắn hạn, chu kỳ tăng tốt của thị trường thường rơi vào quý 1, sau đó thị trường sẽ có xu hướng rõ hơn khi có thêm các thông tin mới.
Phương Châu
FILI
|