‘Vượt trên trạng thái bình thường mới, Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020’
Đó là nội dung chủ yếu được các chuyên gia nhận định tại diễn đàn “Kinh tế vĩ mô” diễn ra vào ngày 06/01/2020 tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.
Diễn đàn Kinh tế vĩ mô diễn ra vào ngày 06/01/2020 tại Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM
|
Nói về khái niệm bình thường mới, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết: “Cách đây 3 năm, khi nói về những cụm từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, lãi suất âm, đường cong lợi tức đảo chiều, thương mại toàn cầu suy giảm… là đầy cảm xúc. Nhưng đến bây giờ, cảm xúc ấy không còn nữa vì nó diễn ra lặp đi lặp lại trong suốt 3 năm qua. Và về mặt lý thuyết, những điều bất thường diễn ra quá đều đặn thường xuyên sẽ trở thành những điều bình thường, hiển nhiên. Đó chính là khái niệm bình thường mới – new normal”.
Tóm tắt nền kinh tế thế giới về 3 vấn đề “bình thường mới”, PGS. TS. Nguyễn Đức Trung trình bày, vấn đề thứ nhất đó là lãi suất dài hạn thấp hơn lãi suất ngắn hạn đang trở thành một điều bình thường. Trước đây lãi suất dài hạn đương nhiên phải cao hơn lãi suất ngắn hạn, lãi suất 12 tháng cao hơn lãi suất 3 tháng là điều đương nhiên, nếu ngược lại thì đó là chỉ báo cho khủng hoảng, và chỉ báo khủng hoảng cho 2008 và 2009 chính là lãi suất dài hạn thấp hơn lãi suất ngắn hạn. Tuy nhiên, sau 10 năm đến bây giờ là điều hết sức bình thường. Nó bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các nhà đầu tư đi tìm cơ hội ở những kênh an toàn và trái phiếu là một lựa chọn tối ưu. Khi trái phiếu được mua nhiều, về mặt kinh tế, cái gì mua nhiều thì đương nhiên giá cả tăng, dẫn đến lãi suất trái phiếu sụt giảm. Lãi suất dài hạn sụt giảm đến mức thấp hơn lãi suất ngắn hạn, làm đảo chiều đường cong lợi tức đã trở thành điều bình thường.
Thứ hai, khi lãi suất giảm sẽ đảm bảo kích được đầu tư và lạm phát tăng. Tuy nhiên, lãi suất giảm, lạm phát thấp đang trở thành một điều bình thường trong những năm trở lại đây. Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Nhật Bản đưa ra cả khái niệm lãi suất bằng 0 và lãi suất âm vẫn không thể kích thích được tăng trưởng kinh tế và kích thích được lạm phát. Chính Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã nói rằng, 10 năm nới lỏng tiền tệ của họ cũng không đảm bảo được mục tiêu lạm phát 2%. Năm 1990 trở về trước, lãi suất của Mỹ chỉ cần ở mức 3% thì lạm phát của Mỹ là 4-5%. Nhưng bây giờ, sau hồi tăng năm 2018, và 2 đợt giảm lãi suất trong năm 2019, đưa lãi suất về 1% thì lạm phát của Mỹ vẫn không thể đạt được mục tiêu 2%. Và như vậy lại là một điều bình thường mới.
Thứ ba, chính sách nới lỏng tiền tệ cũng không thúc đẩy được lạm phát và cũng ít nhạy cảm với tài chính kinh tế. Câu chuyện nới lỏng tiền tệ nhằm mục đích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy lạm phát, nhưng lạm phát gần như rất ít nhạy cảm với vấn đề này. Một số quốc gia quy chụp nguyên nhân dẫn đến dư địa của chính sách nới lỏng tiền tệ ít ý nghĩa với tăng trưởng kinh tế bắt nguồn từ 4.0. Công nghệ 4.0 dẫn đến robot, công nghệ tiên tiến, năng suất quá cao khiến mất cân bằng giữa hàng hóa và tiền tệ.
Năm 2019, kinh tế thế giới là bình thường mới nhưng Việt Nam đã từng chuyển sang trạng thái mới. FDI vào Việt Nam vẫn rất tốt và đã góp phần giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần, rõ ràng trong một xu thế toàn cầu giảm tăng trưởng, nhưng Việt Nam vẫn giữ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 là 7.02%, chính thức là năm thứ 3 xác lập mặt bằng tăng trưởng mới, cao hơn hẳn mặt bằng tăng trưởng trước đây. Với việc lặp đi lặp lại tăng trưởng tốt như vậy sẽ trở thành điều bình thường, đây được xem là trạng thái mới, bình thường mới. Hơn nữa, năm 2019 là năm thứ năm Việt Nam đã xóa bỏ được chu kỳ lạm phát 2 năm cao, 1 năm thấp, lạm phát được giữ ổn định trong suốt 5 năm qua. Tăng trưởng tín dụng năm vừa qua được đánh giá ở mức ổn định, xóa bỏ tư tưởng cứ phải tăng trưởng tín dụng thật mạnh mới giúp tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nhìn về tương lai 2020, vẫn có những điểm nghẽn trong quá trình Việt Nam phát triển vượt bẫy thu nhập trung bình. Trong các điểm nghẽn này, đầu tư cơ sở hạ tầng là vấn đề lớn nhất cần phải được tháo gỡ. Trong suốt giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam không hề có một dự án, công trình lớn nào về cơ sở hạ tầng được triển khai, trong khi hai đại dự án từng được kỳ vọng như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông của Hà Nội và Metro TP.Hồ Chí Minh tiếp tục đội vốn và trì hoãn chưa rõ ngày hoàn thành . Không chỉ bế tắc trong việc huy động vốn, sự yếu kém trong công tác thẩm định, chuẩn bị và thực thi dự án cũng cần phải được khắc phục.
Dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, nhân tố tích cực cho tăng trưởng đến từ triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới, tăng trưởng tích cực của tiêu dùng và tăng trưởng ổn định của sản xuất công nghiệp.
Trong đó, các dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực năm 2020 đều giảm so với 2019. Tuy nhiên, phản ứng chính sách của các NHTW thế giới được kỳ vọng sẽ giữ nhịp cho tăng trưởng toàn cầu. Đồng thời, với vai trò cốt yếu của hoạt động kinh tế, sự ổn định của khu vực tư nhân sẽ tiếp tục là động lực quan trọng duy trì tăng trưởng nền kinh tế. Hoạt động sản xuất công nghiệp mặc dù đã không thể tạo được những bước nhảy vọt mạnh mẽ như những năm trước đó mà đã vào nhịp ổn định. Sự ổn định này là nền tảng quan trọng duy trì tăng trưởng nền kinh tế.
Khang Di
FILI
|