Thứ Ba, 07/01/2020 09:08

Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển trong năm 2020

Ngày 06/01/2020, hội thảo “Cơ hội tăng tốc & bứt phá” đã được tổ chức nhằm đưa ra góc nhìn toàn cảnh cho thị trường Việt Nam 2019 - 2020. Qua đó chỉ ra rằng mặc dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ có nhiều điểm sáng hơn trong năm sau.

Hai từ khóa của 2019... là “gian nan” và “dũng cảm”

Năm 2019, GDP xác nhận mức tăng 7.02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6.6% - 6.8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ 2011. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD cùng với số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục 138.1 ngàn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12.5 tỷ đồng, cao nhất trong những năm trở lại đây.

Tuy nhiên, để đạt được những gam màu tươi sáng trên, Việt Nam đã trải qua một năm không ít gian nan. Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhận định, Việt Nam đã chịu bất ổn về môi trường cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả khách quan lẫn nội tại, mặc dù vậy Việt Nam vẫn dũng cảm vượt lên thông qua những chỉ số kinh tế vĩ mô.

Bức tranh của Việt Nam sẽ có nhiều điểm sáng trong năm 2020

Bước sang năm 2020, ông Lộc cho hay thị trường sẽ tiếp tục gian nan, thậm chí là khó khăn hơn với doanh nghiệp vì xu thế chung của thế giới là giảm tốc, nhiều thách thức vẫn tồn đọng.

Cụ thể, nguồn thu từ doanh nghiệp là nguồn thu bền vững nhất cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Trong khi đó, 60% các doanh nghiệp làm ăn không có lãi trong năm 2019 dẫn đến nguồn thu không đạt dù đã hạ chỉ tiêu. Ngoài ra, 30% GDP của Việt Nam thuộc khu vực hộ kinh tế gia đình, nhóm lĩnh vực kinh tế còn hoang sơ. Cùng với 25 điểm chồng chéo về chính sách giữa các luật, các nghị định, các thông tư vẫn chưa được Chính phủ tháo gỡ đang gây áp lực không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

Bên cạnh đó, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam cho rằng dù Việt Nam đang ở vị trí khá tốt, tuy nhiên vẫn chưa tranh thủ được cơ hội.

"Năm 2019, dường như Việt Nam khá thuận lợi giữa những rủi ro của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, tôi cho rằng sang năm 2020 thì nguy cơ sẽ nhiều hơn. Do đó, những gì đã làm được trong năm 2019 cần phải được củng cố và phát triển thì mới đủ năng lực để chống lại những rủi ro và tiếp tục đi lên trong năm 2020 này", ông Vinh nói thêm.

Các chuyên gia đưa ra nhận định của mình về bức tranh toàn cảnh của Việt Nam trong năm 2020

Với quan điểm tích cực hơn, ông Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ sáng sủa hơn và mở ra một thời kỳ mới. “Theo tôi kinh tế Việt Nam thời điểm này so với 5 năm trước đã tốt hơn, những yếu tố từng gây bất ổn kinh tế vĩ mô như ngân hàng từng bị coi là "quả bom nổ chậm" hiện nay đã cực kỳ ổn định”.

Cùng với đó, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng chia sẻ: "Từ góc độ thể chế, năm 2020 có cơ sở để hy vọng, mà đây là hy vọng không phải của tôi mà của các doanh nghiệp Mỹ mà tôi có liên quan. Theo dõi động thái của Đảng, Chính phủ trong vài năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ có cơ sở tin rằng năm 2020 sẽ nhiều tin vui hơn tin buồn".

Ngoài ra, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cũng kỳ vọng trong năm 2020, những điểm tắc nghẽn về đầu tư công trong năm 2019 sẽ được giải quyết, qua đó vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn.

Nhìn chung, mặc dù Việt Nam vẫn còn những vấn đề phải đối mặt, nhưng hầu hết các chuyên gia đều đồng tình rằng những gam màu sáng vẫn sẽ chiếm ưu thế trong năm sau. “Việc mà chúng ta cần làm là chung tay đoàn kết, gan dạ, dũng cảm và có trách nhiệm để vượt qua những khó khăn” - bà Bùi Kim Thuỳ - Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ cái nhìn tổng quan về bức tranh của năm 2020.

2020 và các nhóm ngành

Bên cạnh đó, năm 2020 được coi là năm bản lề của kinh tế - xã hội Việt Nam, mốc thời gian có ý nghĩa lớn với hệ thống ngân hàng, và cũng là năm quan trọng của thị trường chứng khoán.

Cụ thể, năm 2020 được xem là mốc thời gian có ý nghĩa lớn đối với ngành ngân hàng khi hệ thống ngân hàng phải kết thúc giai đoạn tái cơ cấu xử lý nợ xấu, 100% ngân hàng thương mại cổ phần phải hoàn thành thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán để chuẩn bị vào cuộc đua mới, những mục tiêu xa hơn.

Năm 2020 cũng là năm quan trọng của thị trường chứng khoán, đánh dấu mốc 2 năm hoạt động theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu quy mô thị trường chứng khoán phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và quốc tế thông qua một loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập.

Đối với một số lĩnh vực đang được coi là mới nổi, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân như hàng không, du lịch, năng lượng tái tạo và giáo dục, đào tạo thì năm 2020 là năm bước vào giai đoạn mới, cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi những bước đi vững chắc nhưng cũng không kém phần mạo hiểm.

Như Xuân

FILI

Các tin tức khác

>   Điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 2 – 2,5% (06/01/2020)

>   3 kịch bản lạm phát năm 2020: Tác động mạnh bởi giá thịt lợn (03/01/2020)

>   Lời giải cho bài toán tam nông là ở phát triển đô thị (03/01/2020)

>   Nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 (02/01/2020)

>   Những giải pháp nào để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020? (02/01/2020)

>   Hàng loạt chính sách mới quan trọng có hiệu lực ngay đầu 2020 (01/01/2020)

>   10 điểm nhấn phát triển kinh tế - xã hội nổi bật năm 2019 (01/01/2020)

>   Năm 2019, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục hơn 138.000 (01/01/2020)

>   Nợ công chính thức giảm còn 56,1% (01/01/2020)

>   Công bố 10 sự kiện nổi bật ngành tài chính năm 2019 (31/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật