'Ủy ban châu Âu đánh giá cao, khẳng định Việt Nam có nhiều tiến bộ'
Khi kiểm tra thực tiễn tại Kiên Giang, Ủy ban châu Âu cho rằng quy trình của Việt Nam đang đi đúng hướng cho việc kiểm soát đội tàu khai thác đánh bắt xa bờ.
* Diễn biến mới nhất về 'thẻ vàng' với thủy sản Việt Nam
* Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản: Gian nan khắc phục cảnh báo
* Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC về “thẻ vàng”
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế thông tin - Ảnh: Q.TH.
|
'EC tiếp tục thực hiện cơ chế đối thoại và 6 tháng tới sẽ quay lại để tiếp tục kiểm tra đối với hải sản khai thác ở Việt Nam. Đây là tín hiệu rất vui vì EC đã nghi nhận những việc mà Việt Nam đã làm trong thời gian qua…'.
Thông tin trên được lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết tối 26-12.
Ủy ban châu Âu (EC) quan tâm những gì?
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế - cho biết ngày 19-12 Ủy ban châu Âu thông báo ý kiến đối với các nội dung đã làm việc tại Việt Nam.
Đoàn thanh tra ghi nhận, đánh giá cao tinh thần, sự hợp tác, minh bạch của Việt Nam trong cung cấp thông tin giữa hai bên trong thời gian đoàn làm việc.
Những vấn đề mà EC tập trung kiểm tra gồm tàu cá Việt Nam vi phạm như thế nào, truy xuất nguồn gốc thủy sản xuất sang châu Âu xem nguồn gốc có hợp pháp không, quá trình xử phạt vi phạm hành chính trong ngành thủy sản ra sao…
Đoàn thanh tra của EC đã đánh giá cao, khẳng định Việt Nam có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5-2018), đồng thời đi đúng hướng, như khung pháp lý đáp ứng được nghĩa vụ quốc tế. Hay tăng cường công tác kiểm soát tàu cá qua việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Khi kiểm tra thực tiễn tại Kiên Giang, EC cho rằng quy trình của Việt Nam đang đi đúng hướng cho việc kiểm soát đội tàu. EC cũng đánh giá cao trong công tác quản lý khai thác, bằng việc Việt Nam đã ban hành quyết định cụ thể đối với tàu đánh bắt xa bờ.
Sự nỗ lực rất cao từ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản… là nền tảng cơ sở để thực hiện những bức tiếp theo trong việc gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác ở Việt Nam.
Chủ tàu vi phạm sẽ đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt!
"EC thông báo sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế đối thoại với Việt Nam, và 6 tháng tới sẽ quay lại để tiếp tục kiểm tra khung pháp lý, kiểm tra tàu cá, kiểm soát đội tàu khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài, và quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi trong vùng biển của Việt Nam được phát triển bền vững.
Nếu một tàu cá còn vi phạm, EC sẽ không gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam" - bà Nguyễn Thị Trang Nhung cho hay.
Đại diện Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế cho biết thêm mục tiêu trong những năm tới không chỉ là câu chuyện gỡ "thẻ vàng", mà còn là sự định hướng phát triển bền vững ngành nghề đánh bắt thủy sản.
Theo kế hoạch, năm 2020 sẽ có quy hoạch khai thác nguồn lợi thủy sản. Tàu cá trong danh sách khai thác bất hợp pháp sẽ bị xử lý ngay. Chủ tàu có tàu vi phạm tại nước ngoài sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt.
Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm tra tàu cá ra bến, cập bến và kiên quyết xử lý quyết liệt tụ điểm đi khai thác trái phép ở nước ngoài. Thực hiện công tác truy xét nguồn gốc, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình….
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Q.TH.
|
Trước đó, cũng tại trụ sở Tổng cục Thủy sản chiều cùng ngày, phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch 2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: "Năm nay thực thi luật thủy sản, hạ tầng nghề cá có chuyển biến tích cực. Đội ngũ được hình thành, từng bước được cũng cố, hệ thống chính trị vào cuộc nên phát triển rất tích cực.
Ngoài ra biến đổi thời tiết rất khó lường như xâm nhập mặn xảy ra lâu, hạn hán, dịch bệnh trong nuôi trồng, thất thoát sau thu hoạch rất lớn, hiệu quả đầu tư chưa cao. Đối với hải sản khai thác đội tàu phải cơ cấu lại một cách quyết liệt, nhìn vào xu thế, khai thác bền vững lâu dài để phát triển đột phá".
Q. TH.
Tuổi trẻ