Thứ Ba, 24/12/2019 06:07

Tranh luận vai trò bị cáo Nguyễn Bắc Son trong vụ án AVG

Đối đáp trước tòa, đại diện Viện KSND cho rằng bị cáo Nguyễn Bắc Son là 'người đứng đầu', trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Tranh luận vai trò bị cáo Nguyễn Bắc Son trong vụ án AVG
Các bị cáo tại phiên tòa
Ảnh: Sơn Vũ

Bị cáo cũng đã có đơn thỉnh nguyện xin nhận trách nhiệm chính trong việc để xảy ra sai phạm.

Ngày 23.12, phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án liên quan MobiFone mua 95% cổ phần AVG tiếp tục với phần tranh luận về hành vi của các bị cáo. Do hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội nên đại diện Viện KSND (VKS) TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa cho biết chỉ nêu ý kiến tranh luận lại đối với một số trường hợp bị cáo không đồng tình với vai trò của mình trong vụ án, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son.

Theo đại diện VKS, trong 6 ngày xét xử công khai, bị cáo Son thừa nhận cáo trạng “truy tố đúng” cả 2 tội danh “vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ”. VKS đề nghị các luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Son nghiên cứu thêm cáo trạng cũng như bản luận tội nếu vẫn cho rằng cơ quan công tố đánh giá vai trò của bị cáo Son chưa đúng; bị cáo không phải là người chủ mưu, cầm đầu.

“Cáo trạng, luận tội chưa bao giờ quy kết bị cáo Nguyễn Bắc Son giữ vai trò chủ mưu cầm đầu mà chỉ đánh giá vai trò của bị cáo Son là “người định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt trong quá trình thực hiện dự án. Sáng nay (23.12), VKS nhận được đơn thỉnh cầu của bị cáo Son, trong đó có nội dung bị cáo đã nhận là “người đứng đầu”, trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối dự án. Bị cáo xin nhận trách nhiệm chính về việc đã xảy ra sai phạm này. Do đó, VKS không tranh luận thêm về vấn đề này”, đại diện VKS nêu rõ.

Đối đáp lại, LS Phạm Công Hùng, bào chữa cho bị cáo Son cho rằng đơn của cựu Bộ trưởng TT-TT nhận trách nhiệm người đứng đầu, xuyên suốt không có gì mới, vì ngay từ đầu, bị cáo cũng đã nhận tội, nhưng khẳng định không phải chủ mưu. Dù vậy, đại diện VKS vẫn bảo lưu quan điểm, không tranh luận thêm.

Gia đình bị cáo Son không hợp tác khắc phục hậu quả?

Trong quá trình bào chữa cho bị cáo Son, các LS cho rằng vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng, bưng bít thông tin khi CQĐT không thông tin bức thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son không được gửi về cho vợ mà đưa vào hồ sơ dẫn đến khó khăn cho bị cáo trong việc khắc phục hậu quả. Đối đáp về nội dung này, đại diện VKS cho biết, bức thư bị cáo Son gửi vợ không phải bức thư tình mà là “tình tiết của vụ án” nên được thu thập, đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật”.

Đại diện Viện KSND giữ quyền công tố khẳng định bị cáo Nguyễn Bắc Son có vai trò chỉ đạo xuyên suốt dự án MobiFone mua AVG

Theo đại diện cơ quan công tố, bị cáo Son có ý thức việc khắc phục hậu quả của vụ án nhưng gia đình không hợp tác là đúng. Cụ thể, ngày 14.3.2019, bị cáo Son viết bản tự khai nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, sau đó gửi thư cho vợ là bà Lê Thị Lý với nội dung: “Anh đã khai báo với CQĐT Bộ Công an, sau khi mua bán dự án hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang cho anh 3 triệu USD. Số tiền này anh đã gửi cho Huyền (con gái) mang vào TP.HCM giữ cho anh; anh không nói nguồn gốc số tiền trên. Em nói với Huyền thu xếp nộp lại cho nhà nước”, VKS trích một phần bức thư.

Tiếp đó, ngày 20.3.2019, Cơ quan CSĐT đã mời Nguyễn Thị Thu Huyền ra làm việc thông báo nội dung lá thư. Tại bản đối chất giữa bị cáo Son và con gái, có sự tham gia của VKS thể hiện nội dung: “Nguyễn Thị Thu Huyền có ý kiến ngày 20.3, bố tôi có gửi một bức thư cho vợ là mẹ tôi là bà Lý. Tuy nhiên, mẹ tôi sức khỏe yếu nên CQĐT đã chuyển bức thư trên cho tôi đọc, đồng thời chuyển tải nội dung cho mẹ tôi biết”.

Cũng theo VKS, trong tất cả các buổi hỏi cung, bị cáo Son đều muốn khắc phục số tiền đã nhận hối lộ nhưng gia đình bị cáo vẫn không nộp.

Đến 2.8.2019, điều tra viên đã cho bị cáo Son gặp gia đình cùng vợ và con trai tại trại tạm giam (T16) Bộ Công an. Tại buổi làm việc này, điều tra viên tiếp tục đề nghị gia đình khắc phục 3 triệu USD và thông báo cho con gái ông Son nộp lại khoản tiền nhận từ bố.

Tuy nhiên vợ bị cáo Son cho rằng mình có 2 tỉ đồng trong tài khoản cá nhân, không liên quan đến bị cáo Son; việc bị cáo Son yêu cầu khắc phục 3 triệu USD, gia đình không có khả năng thực hiện.

“Thậm chí, trong quá trình điều tra, bị cáo Son còn đề nghị điều tra viên, kiểm sát viên kê biên diện tích đất mang tên quyền sở hữu đất của bị cáo ở H.Chương Mỹ (TP.Hà Nội). Tuy nhiên, CQĐT thấy rằng đây là đất hương hỏa cha ông của bị cáo Son để lại nên không kê biên”, đại diện VKS nêu rõ, đồng thời khẳng định LS nói bưng bít thông tin là không có cơ sở.

Luật không rõ thì 100% DNNN sẽ bị khởi tố

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Phạm Đình Trọng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ TT-TT, đề nghị HĐXX đánh giá thêm về tình tiết pháp luật quy định không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa nhiều cơ quan, dẫn đến hệ lụy cho bản thân bị cáo cũng như nhiều người khác trong vụ án.

Theo cáo trạng của VKS, dự án MobiFone mua AVG có tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỉ đồng thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng. Trong khi Thủ tướng chưa phê duyệt nhưng Bộ TT-TT đã ban hành quyết định đầu tư là trái quy định của luật Đầu tư (luật 67). Bên cạnh đó, dự án thuộc nhóm A nhưng chưa được Bộ TT-TT phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm là vi phạm điều 19, luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (luật 69).

Chiếu theo luật 69, dự án này cũng vi phạm về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng và trình tự thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp. Theo bị cáo Trọng, quá trình thực hiện gặp nhiều lúng túng trong cách hiểu về dự án nên đã có nhiều văn bản hỏi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính...

“Bộ KH-ĐT, theo luật số 67, là cơ quan chủ trì thẩm định, phải trình Thủ tướng để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, nhưng lại không đứng ra thẩm định, không có bất cứ yêu cầu nào. Bộ này lại đưa ra ý kiến tham mưu cho Thủ tướng chấp thuận chủ trương khiến Bộ TT-TT hiểu nhầm và làm sai”, bị cáo nói, đồng thời khẳng định thời điểm đó cả 2 đơn vị đều có văn bản trả lời việc thực hiện là đúng. “Nếu không xác định rõ thì 100% DNNN khi tiến hành hoạt động mua bán cổ phần, cổ phiếu sẽ bị khởi tố như tôi đứng ở đây, bởi các thương vụ mua cổ phần tương đương dự án nhóm B sẽ phải do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định. Ví dụ, MobiFone mua AVG là nhóm B do Bộ TT-TT quyết định, vậy tất cả DNNN khi mua cổ phần không được Bộ, ủy ban tỉnh phê duyệt từ trước nay sẽ bị khởi tố hết”, bị cáo Trọng nói.

Luật sư đề nghị giảm trách nhiệm hình sự tối đa cho cựu Chủ tịch AVG

Bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ, các LS cho biết bị cáo này không có ý kiến về tội danh đưa hối lộ mà chỉ đề nghị HĐXX xem xét chứng cứ khách quan trong vụ án, khi bị cáo Vũ và các bị cáo trong vụ án không có sự hứa hẹn, thỏa thuận về việc biếu tiền hay quà.
Việc đưa tiền cho các bị cáo diễn ra vào dịp lễ, tết. Mặt khác, kết luận thanh tra và đến nay cả kết luận điều tra, cáo trạng đều không một chữ nào nói bị cáo Vũ có bất cứ sai phạm gì trong giao dịch chuyển nhượng này và cũng không một chữ nào kiến nghị xử lý hay khắc phục gì nhưng bị cáo Vũ đã chủ động gánh trách nhiệm, khi gom hết tiền gia đình, vay mượn thêm để khắc phục toàn bộ thiệt hại trong vụ án.
Các LS đã nêu 10 tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo Vũ đủ điều kiện, quyền được hưởng để đề nghị HĐXX xem xét giảm trách nhiệm hình, giảm hình phạt; thậm chí đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. 
 

Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son khắc phục 21 tỉ đồng

Cuối phiên xét xử chiều qua, HĐXX cho biết gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp các chứng từ với tổng số tiền 21 tỉ đồng, là tiền khắc phục hậu quả của hành vi nhận hối lộ.
Bị cáo Son bị cáo buộc nhận 3 triệu USD (tương đương 66 tỉ đồng) từ Phạm Nhật Vũ và bị VKS đề nghị mức án tử hình với tình tiết chưa ăn năn hối cải và khắc phục hậu quả. Trước khi phiên tòa này diễn ra, do gia đình không hợp tác nên CQĐT đã kê biên một số tài sản của bị cáo, gồm: khoảng 500 triệu đồng trong tài khoản và 1 căn nhà tại phố Lý Nam Đế, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. 
 

Anh Vũ

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Trình Thủ tướng quyết định chủ trương lập hãng bay Vietravel Airlines (23/12/2019)

>   Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp lại 21 tỉ đồng (23/12/2019)

>   Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 ước đạt 41,3 tỷ USD (23/12/2019)

>   Công bố bức thư ông Nguyễn Bắc Son gửi gia đình về việc được hối lộ 3 triệu USD (23/12/2019)

>   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Tôi nhận nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên nhũng nhiễu lắm' (23/12/2019)

>   Xuất khẩu vào thị trường Mỹ: Doanh nghiệp lo nhất điều gì? (23/12/2019)

>   Thị trường bán lẻ điện máy: Kẻ ngậm ngùi giải thể, người chế ngự ngôi vương (23/12/2019)

>   Tư duy 'làm ăn chộp giật' cản trở sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (23/12/2019)

>   Luật sư đưa 10 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Phạm Nhật Vũ (23/12/2019)

>   Không thể có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu (23/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật