TP.HCM đề xuất phương án 'có thêm tiền'
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết việc đề xuất tăng tỷ lệ giữ lại tổng thu ngân sách là để có thêm nguồn vốn đầu tư, qua đó tăng thêm mức đóng góp cho cả nước.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến trao đổi với báo chí bên lề kỳ hop thứ 17 của HĐND TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương
|
Bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM cuối năm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết đang phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương lập đề án tăng tỷ lệ giữ lại tổng thu ngân sách lên 33% vào năm 2030 trình Trung ương.
Hiện TP.HCM đang được giữ lại 18% tổng thu ngân sách hằng năm để đầu tư cơ sở hạ tầng, duy trì hoạt động bộ máy hành chính, đầu tư y tế, giáo dục, an sinh xã hội... Phần 82% còn lại nộp vào ngân sách Trung ương để điều tiết chung cho cả nước.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, cả nước chỉ có 10 tỉnh tự cân đối được ngân sách nên các tỉnh vùng núi, vùng sâu vùng xa cần được sự chia sẻ của thành phố. Tuy nhiên, nếu tính toán được tỷ lệ cho TP.HCM giữ lại cao hơn, và số tiền đó để đầu tư cho TP.HCM phát triển mạnh hơn thì khả năng lo được nhiều hơn.
Nguồn vốn ngân sách cho hạ tầng giao thông ở TP.HCM mới đáp ứng được 35%. Ảnh: Ngọc Dương
|
“Làm thế nào để thành phố có thêm ngân sách đầu tư cho hạ tầng, giao thông phát triển, thì mức lo cho cả nước sẽ còn nhiều hơn, chứ không phải giành giật để giữ lại. Ví dụ như hiện giờ thành phố đóng góp cho cả nước 1.000 tỉ đồng, nếu có thêm nguồn vốn đầu tư thì mức đóng góp sẽ cao hơn, có thể lên đến 1.200 tỉ đồng”, ông Trần Vĩnh Tuyến phân tích.
Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết nguồn vốn cần được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng chạy vốn, đầu tư không hiệu quả, thất thoát ngân sách. Đồng tiền làm ra mà được đầu tư hiệu quả thì ở đâu cũng tốt, miễn là đừng để lãng phí, thất thoát. Cái quan trọng điều tiết để lại được sử dụng hiệu quả.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Ban Kinh tế Trung ương đang hỗ trợ TP.HCM chuyên đề phân tích về vấn đề đầu tư để Trung ương thấy rằng việc tính toán lại ngân sách cho các địa phương, cân đối hài hòa để cùng phát triển. Việc cân đối này để cho TP.HCM phát triển hơn và các địa phương khác cũng tốt hơn.
“TP.HCM đang phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương hoàn thiện đề án trình Trung ương vào cuối năm nay”, ông Tuyến thông tin.
Kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM diễn ra trong 3 ngày, từ 7 đến 9.12. Ảnh: Ngọc Dương
|
Theo tờ trình về xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung tương và ngân sách địa phương, TP.HCM kiến nghị việc tăng tỷ lệ điều tiết theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 2018 - 2020 giữ nguyên tỷ lệ điều tiết đã được Quốc hội quyết định là 18%. Giai đoạn 2021 - 2025 được điểu chỉnh lên 24%, tăng 6% trong 5 năm. Trong các năm 2026 - 2030, tỷ lệ được tiết tăng lên 33%, bằng mức điều tiết của năm 2003.
Năm 2018, tổng thu ngân sách TP.HCM khoảng 380.000 tỉ đồng; dự kiến năm 2019 thu khoảng 400.000 tỉ đồng.
Nguồn: Niên giám thống kê TP.HCM và Báo cáo kinh tế xã hội TP.HCM 2018
|
Sỹ Đông
Thanh niên