Gỡ khó để phát triển công nghiệp
Không chỉ thiếu quỹ đất, việc thu hút đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, một trong bốn ngành kinh tế mũi nhọn trọng điểm của TP, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Ông Lương Việt Quốc, giám đốc Công ty Real-time Robotics, giới thiệu sản phẩm máy bay không người lái do người Việt sản xuất - Ảnh: TỰ TRUNG
|
Đây là thực trạng được nhiều đại biểu phản ảnh tại hội thảo Các ngành công nghiệp TP - vai trò và tiềm năng phát triển, do UBND TP.HCM tổ chức ngày 6-12.
Nhiều hạn chế và rào cản
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chính sự liên kết giữa các cơ quan quản lý đối với lĩnh vực công nghiệp chưa thông suốt, thiếu những thông tin và dữ liệu liên quan đến từng lĩnh vực, loại hình doanh nghiệp cần quan tâm nên công nghiệp lõi của TP chưa phát triển như tiềm năng thực có.
Ông Lương Việt Quốc, giám đốc Công ty Real-time Robotics (Khu công nghệ cao TP.HCM), cho biết sau khi chọn được địa điểm đầu tư, đến nay nhà máy chuyên sản xuất máy bay không người lái phục vụ việc giám sát các hoạt động cứu hộ, tài nguyên rừng... cũng sắp đi vào hoạt động.
"Và tôi thấy mô hình thu hút đầu tư ở Khu công nghệ cao TP.HCM cần được khuyến khích và nhân rộng, trong đó các chính sách ưu đãi cần được Nhà nước xác lập dài hạn, luôn có quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư là điều kiện quan trọng", ông Quốc chia sẻ.
Mô hình doanh nghiệp mà ông Quốc xây dựng chính là mục tiêu mà TP.HCM xây dựng từ nhiều năm qua, kể từ khi 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM được xác định là cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, cao su - nhựa, lương thực - thực phẩm, hiện đóng góp đến 9,86% GDP TP, có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân 9,22%/năm.
Theo ông Nguyễn Phương Đông - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, dù giữ vai trò hết sức quan trọng đối với ngành công nghiệp của TP, nhưng nhiều hạn chế đã kiềm hãm sự phát triển của các ngành công nghiệp chủ lực. Trong đó, quỹ đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng, chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất ngày càng tăng, tính liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, các doanh nghiệp FDI còn hạn chế.
Sẽ có nhiều chính sách mới hấp dẫn
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP - đề nghị các cơ quan quản lý phải làm tốt công tác tham mưu để xác định những ngành công nghiệp nào là trọng tâm nhằm tập trung đầu tư, xây dựng chính sách và ưu tiên phát triển cho phù hợp. Theo ông Phong, TP sẽ ưu tiên xây dựng chính sách mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến chế tạo một cách quyết liệt hơn trong thời gian tới.
"TP cần lập hội đồng phát triển doanh nghiệp ở từng lĩnh vực để đến năm 2025 sẽ có được các tập đoàn kinh tế mạnh. Trong đó, việc chọn lựa các doanh nghiệp đủ lớn, mạnh trong từng lĩnh vực để tiếp cận được ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại sẽ được chú trọng" - ông Phong nhấn mạnh.
Theo ông Lê Hoài Quốc - chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, triển vọng phát triển các ngành công nghiệp VN là rất lớn nếu TP có các chính sách nhất quán, kịp thời và đúng đắn. Do vậy, TP.HCM cần xây dựng các trung tâm hoặc viện công nghệ công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo mô hình của Hàn Quốc.
"Các trung tâm hoặc viện này hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự cân đối kinh phí hoạt động theo hình thức đối tác công tư (PPP), xã hội hóa hoặc ngân sách nhà nước trong vốn đầu tư trung hạn" - ông Quốc nói.
Trong khi đó, TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng TP cần ưu tiên phương thức sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ cao thay cho việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.
"Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ có tác động lan tỏa đến hầu hết các ngành công nghiệp, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao của các ngành kinh tế" - ông Ngân nói.
Phải có quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp
Theo đề xuất của Sở Công thương TP.HCM, cần nhanh chóng rà soát, bố trí quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp. Xây dựng, phát triển thêm các khu công nghiệp và một khu công nghệ cao để hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Bố trí quỹ đất với tỉ lệ nhất định trong các khu công nghiệp, áp khung giá cho thuê phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, cần thu hút các doanh nghiệp lớn sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP tham gia cung ứng.
|
TRẦN VŨ NGHI
Tuổi trẻ