Startup 2019: Cái chết của những mô hình 'ba xạo'
Nếu có một từ bị lạm dụng nhiều nhất trong năm qua, xin chọn từ startup. Startup được dùng để chỉ sự khởi nghiệp của một doanh nghiệp công nghệ xây dựng mô hình phát triển cực nhanh xoay quanh một ứng dụng (app) nào đó.
Nếu chỉ dừng ngay đó, startup rõ ràng là điều tốt cho nền kinh tế, bởi nó kích thích tinh thần kinh doanh ở giới trẻ, kích thích giấc mơ phá vỡ lề thói kinh doanh cũ, đồng thời giúp họ trở thành triệu phú trong một thời gian ngắn. Nhưng...
Thực tế lại cho thấy thế giới startup không hẳn đi theo con đường khởi nghiệp thông thường. Rất nhiều startup chỉ chăm chăm mở rộng thị phần bằng mọi giá, bỏ qua các nguyên tắc kinh doanh sơ đẳng, bất chấp các khoản lỗ kỷ lục miễn sao thu hút được dòng vốn đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp được định giá cao ngất ngưởng, nhà sáng lập ngủ một đêm dậy thành tỉ phú...
Từ suy nghĩ này, các startup tìm mọi cách xây dựng app cho bất kỳ hoạt động nào, từ giao thức ăn đến chăm sóc cây cối, từ giữ trẻ đến dắt chó đi dạo. Mục đích là "công nghệ hóa" doanh nghiệp.
Sau đó tìm cách tăng quy mô bằng tiền của nhà đầu tư, tức cung cấp dịch vụ giá rẻ hơn những người cung cấp cùng dịch vụ truyền thống. Thứ nữa, họ sử dụng "nhà thầu phụ", tức biến mọi nhân viên cung cấp dịch vụ cho mình thành "đối tác" làm công ăn phần trăm.
Giấc mơ "tập đoàn dắt chó"
Hãy lấy mô hình kinh doanh dịch vụ dắt chó của Wag để xem thử cách phá bỏ cái cũ, khởi đầu một cách làm mới có đáng hay không. Wag soạn một ứng dụng giúp kết nối nhà có chó nhưng chủ luôn bận rộn với người chuyên dắt chó làm thuê.
Họ đứng giữa ăn hoa hồng. Về lý thuyết, chi phí cho hoạt động kết nối của họ thấp, người dắt chó không phải là nhân viên nên không cần lo chuyện lương và bảo hiểm, tiền thu từ chủ nhà họ khấu trừ một tỉ lệ lớn rồi trao phần còn lại cho người dắt chó.
Nghe qua rất dễ thấy tiềm năng to lớn của startup này, cứ mở rộng khắp cả nước, vươn ra khắp thế giới, sẽ trở thành một "tập đoàn dắt chó" chứ không đùa.
Nhưng nhìn từ góc độ cộng đồng thì mới thấy mọi chuyện không "dễ ăn". Trước đây, nhu cầu nhờ người dắt chó thuê là có, chuyện thuê người chỉ gói gọn trong một cộng đồng nhỏ, ai cũng biết rõ ai. Không ai nghĩ sẽ làm giàu bằng nghề này, mà chỉ là một cách kiếm thêm thu nhập như giữ trẻ hay cắt cỏ thuê.
Bỗng nhiên người dắt chó thuê phải gia nhập đội ngũ "đối tác" của Wag, phải chia bớt thu nhập; chủ nhà có thể không mất công tìm người quen nhờ dắt chó vì chỉ cần mở ứng dụng lên rồi bấm nút, nhưng đổi lại chịu rủi ro mời kẻ xấu vào nhà, để chó chạy mất hay bị kiện vì chó cắn người đến dắt. "Disrupt" (phá hủy cái cũ) theo kiểu như thế không đem lại lợi ích gì cho xã hội cả.
Điều phi lý là thế giới startup sẽ bơm phồng các thành công bước đầu của doanh nghiệp kiểu Wag, nhà đầu tư mạo hiểm rót tiền vào, đỉnh điểm là SoftBank rót 300 triệu đôla cho Wag vào đầu năm 2018, nâng giá trị của công ty này lên 650 triệu đôla; người sáng lập kiếm một khoản tiền không nhỏ, thuê người điều hành nhận lương cả triệu đôla cho một công ty môi giới chuyện dắt chó!
Doanh nghiệp sẽ thuê một bộ máy đủ ban bệ, có cả phòng PR cổ xúy cho công nghệ dắt chó bằng các từ kêu rổn rảng như "dữ liệu lớn" trong ứng dụng dắt chó, "trí tuệ nhân tạo" giúp kết nối "đúng người hợp chó"…
Rất nhiều startup đi theo con đường này. Một doanh nghiệp trong tay không có một khách sạn nào, bỏ công đi dẫn dụ các khách sạn làm đối tác, soạn một ứng dụng đặt phòng, khuyến dụ các đối tác trang trí khách sạn theo một phong cách nào đó để nổi bật lên như một chuỗi khách sạn toàn cầu.
Dĩ nhiên giai đoạn đầu họ sẽ bành trướng mạnh nhờ tiền của các quỹ đầu tư mạo hiểm, sẽ giảm giá phòng, quảng cáo rầm rộ nên thu hút khách, dẫn dụ thêm nhiều khách sạn khác tham gia. Thế nhưng, thử nghĩ cung cầu trong thị trường không đổi, làm sao họ có thể giảm giá mãi được. Ở đây, hệ thống khách sạn vẫn như cũ, không có một giá trị mới nào được làm ra cho cộng đồng.
Mô hình "ba xạo"
Báo chí chỉ ầm ĩ quanh thất bại của những startup đình đám như WeWork, Theranos…, chứ thật ra hàng loạt startup khác đã sập tiệm vào năm 2019. Trong kinh doanh, khởi nghiệp thất bại là chuyện thường thấy, tỉ lệ thất bại có lúc lên đến 80-90%. Vấn đề muốn nói ở đây là năm 2019, giới đầu tư mạo hiểm dần ý thức được không thể kiếm tiền dựa trên các mô hình "ba xạo".
Chẳng hạn, mô hình ứng dụng cắt cỏ cũng kết nối giữa chủ nhà có sân cỏ cần người cắt và dân cắt cỏ thuê. Cũng như dịch vụ dắt chó nói trên, người nghĩ ra ý tưởng kinh doanh này nửa cái máy cắt cỏ cũng không có, nhưng cứ ngồi tưởng tượng cảnh ăn hoa hồng khi kết nối rồi thuyết phục giới đầu tư mạo hiểm rót tiền cho họ bành trướng.
Thử hỏi, họ phải bóc lột bao nhiêu thợ cắt cỏ có đồng lương chết đói để biện minh cho thu nhập hàng triệu đôla của mình?
Thực tế, sự bừng tỉnh của giới đầu tư Wall Street khi không chấp nhận các startup kiểu WeWork lên sàn với giá cao trên trời vào năm 2019 chỉ đến khi họ không thể tìm ra người khác chịu bỏ tiền mua các cổ phần họ từng thổi giá lên quá cao những năm trước.
Chẳng hạn, Blue Apron - một startup trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu cho người dùng mua về tự nấu ăn - từng được định giá đến 2 tỉ đôla trong lần gọi vốn trước khi lên sàn chứng khoán. Hai năm sau, giá trị của công ty này chỉ còn 110 triệu đôla.
Sự bừng tỉnh đó có lẽ sẽ dẫn tới một thay đổi lớn trong năm 2020: sự thành bại của một startup không còn dựa vào tốc độ phát triển chóng mặt như trước nữa, nay các tiêu chí truyền thống như khả năng sinh lời sẽ hồi sinh.
Có thể từ đó, giá các chuyến đi xe công nghệ sẽ cao hơn, chi phí mua hàng qua mạng giao tận nhà sẽ nhiều hơn, phần trăm cho người giao thức ăn sẽ lớn hơn. Nhưng đó là con đường cạnh tranh bình thường của thế giới kinh doanh, không phải là bức tranh méo mó mà các startup tạo ra cho nền kinh tế suốt một thời gian qua.
Bài học WeWork
Vụ đổ vỡ WeWork, một startup đình đám trong lĩnh vực không gian làm việc chung, là bước ngoặt trong nhận thức của giới đầu tư về các mô hình startup hoạt động bất kể lỗ lã.
Trước ngày doanh nghiệp này nộp hồ sơ xin phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào giữa tháng 8-2019, mọi chuyện vẫn rất tốt đẹp, WeWork được định giá đến 47 tỉ đôla. Thế nhưng, IPO có nghĩa là mọi thông tin tài chính phải công khai cho bàn dân thiên hạ truy xét.
Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người bật ngửa trước thực tế của WeWork, báo chí liên tục phanh phui các phi vụ mờ ám của người sáng lập, Adam Neumann. Chẳng hạn năm 2017, WeWork có doanh thu 886 triệu đôla, nhưng lỗ đến 883 triệu đôla, có nghĩa cứ làm ra 1 đồng lại lỗ 1 đồng. Năm 2018, doanh thu 1,8 tỉ đôla, nhưng lỗ lên quá 1,9 tỉ đôla!
WeWork chuyên đi ký hợp đồng thuê các tòa nhà cao ốc dài hạn, thường lên đến 15 năm nhưng sửa sang, trang bị không gian làm việc chung gì đi nữa, họ vẫn chỉ ký được hợp đồng cho thuê ngắn hạn, có khách chỉ thuê vài tháng rồi biến mất.
Hồ sơ IPO cho biết nghĩa vụ dài hạn của WeWork lên đến 47 tỉ đôla, trong khi các khách thuê mới cam kết 4 tỉ đôla - đồng nghĩa lỗ sẽ kéo dài chưa biết bao giờ dứt.
Tệ hại nhất, hồ sơ IPO cho thấy WeWork phải trả cho chính người sáng lập của mình 5,9 triệu đôla tiền bản quyền sử dụng từ "We" sau khi công ty này đổi tên vào đầu năm 2019. Hóa ra, anh chàng Neumann thành lập một công ty, đi đăng ký bản quyền chữ "We", rồi bán lại cho chính mình.
Bị chỉ trích dữ dội, Neumann phải trả lại tiền. Chưa hết, anh ta còn đứng ra thuê nhiều tòa nhà và sau đó… cho WeWork thuê lại. Báo chí cũng đã phanh phui các vụ tiệc tùng, hút cần sa, quấy rối phụ nữ của nhân vật đầy tai tiếng này.
Một tháng sau, Neumann phải từ chức, vụ IPO thì hoãn vô thời hạn, giá trị WeWork nay chỉ còn 10 tỉ đôla.
Góp phần thổi giá một doanh nghiệp như WeWork phải kể đến các tay đầu tư mạo hiểm. Masayoshi Son, chủ Tập đoàn SoftBank, gặp Neumann chỉ 30 phút hồi năm 2016 là đã đồng ý rót chừng 10 tỉ đôla cho WeWork.
Chính lần rót vốn sau cùng của SoftBank đầu năm 2019 đã nâng giá trị doanh nghiệp này lên chót vót ở mức 47 tỉ đôla. Kiểu rót vốn vô tội vạ như thế cũng là một cách kinh doanh, nhằm đẩy giá các startup lên cao, sau đó đưa lên sàn chứng khoán hay tìm nhà đầu tư đến sau để bán lại kiếm lời.
Các ngân hàng đầu tư cũng góp một tay. JPMorgan Chase và Goldman Sachs từng phân tích rồi tuyên bố rùm beng rằng "giá trị thật" của WeWork có thể lên đến 63 hay 96 tỉ đôla.
Vụ WeWork cho thấy không có gì đáng ngạc nhiên khi một startup trong tay không có tài sản gì đáng kể mà vẫn được định giá hàng tỉ đôla: Chúng chỉ là đòn phép của giới đầu tư khôn khéo rót tiền nhử người khác.
Nếu rút ra kịp, họ sẽ thành nhà đầu tư sáng suốt và tài ba; còn nếu không kịp xoay xở, họ sẽ trở thành bài học cho các nhà đầu tư khác để học cách bịt những rủi ro tương tự trong tương lai!
|
NGUYỄN VŨ
Tuổi trẻ