4 nguyên tắc của một nhà lãnh đạo phục vụ
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, hiện nay, quan niệm về lãnh đạo đang dần thay đổi và phát triển theo hướng mà thế hệ cha mẹ hay ông bà chúng ta không thể nào ngờ tới được.
Một vài thập kỷ trước, mọi thứ dường như đơn giản hơn. Nếu bạn làm sếp thì tự động bạn trở thành nhà lãnh đạo trong mắt nhân viên. Ngày nay, mỗi người đều mang nhiều vai trò, những ranh giới ngày càng mờ nhạt, và việc làm sếp không tự nhiên khiến bạn trở thành nhà lãnh đạo nữa. Hai từ “lãnh đạo” không còn dùng để ám chỉ những người ăn trên ngồi trước mà “lãnh đạo” thật sự phải hạ mình để phục vụ những đối tượng khác trong tổ chức.
Với tất cả những gì mà chúng ta hiện có, thật khó để đưa ra bất kỳ lời bào chữa nào cho việc không thể trở thành nhà lãnh đạo tốt. Đó là chưa nói đến việc trở thành lãnh đạo tốt thôi vẫn chưa đủ, bạn phải trở thành nhà lãnh đạo phục vụ. Lãnh đạo phục vụ được định nghĩa là “tư tưởng và hành động thiết thực nhằm cải thiện cuộc sống của mọi người, xây dựng những tổ chức tốt hơn và cuối cùng là tạo ra một thế giới biết yêu thương và công bằng hơn”.
Hơn một năm trước, tôi đã viết xong cuốn sách thứ tư của tôi "The Hero Factor: How Great Leaders Transform Organizations and Create a Winning Culture" (Tạm dịch “Nhân tố anh hùng: Cách thức những nhà lãnh đạo tài ba biến đổi tổ chức và tạo ra văn hóa thắng lợi”). Trong cuốn sách, tôi có đề cập đến việc nên tìm kiếm những người thầy để dẫn dắt bạn vượt qua cuộc hành trình. Để trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc, bạn phải tìm kiếm lời khuyên từ những người đã làm được điều đó trước bạn, những người thực sự có kinh nghiệm thực tiễn. Những nhà lãnh đạo xuất sắc luôn dành thời gian trao đổi với các cố vấn và chuyên gia, những người luôn nhiệt tình với các cơ hội có thể giúp đỡ người khác cũng như bản thân họ, những người nắm bắt thực trạng và có thể giải đáp cho các vấn đề có khả năng phá hoại sự nghiệp của bạn.
Nhà lãnh đạo phục vụ chính là như thế. Điều này không phải nói bạn trở thành một người chuyên làm việc vặt hay quỳ lụy cấp trên mà hãy lãnh đạo bằng cách làm gương và giúp đỡ người khác như bạn từng được giúp đỡ. Trở thành nhà lãnh đạo phục vụ không chỉ liên quan tới những gì bạn có thể làm cho những người bên ngoài tổ chức mà còn liên quan tới việc trở thành người phục vụ cho những giá trị của bạn và tạo ra nền văn hóa phản ánh những giá trị đó. Đồng thời, phải cởi mở trước sự đa dạng, trong đó có đa dạng về tư duy, cũng như tinh thần sẵn sàng chiến đấu cho niềm tin của bạn.
Công ty của bạn có những giá trị gì? Liệu mọi người trong công ty có nhận thức rõ về những gì mà công ty và người lãnh đạo đang đại diện? Theo dữ liệu của công ty Gallup, chỉ 27% nhân viên có niềm tin mạnh mẽ vào các giá trị của công ty mà họ đang làm việc. Nếu bạn muốn trở thành nhà lãnh đạo thành công, bạn cần nâng cao con số này. Và thế nào để làm được điều đó? Dưới đây là 4 bước để giúp bạn trở thành nhà lãnh đạo phục vụ tốt hơn.
1. Khuyến khích sự đa dạng trong tư duy
Sự đa dạng bao gồm nhiều khía cạnh, không chỉ liên quan tới giới tính, chủng tộc, đạo đức, xu hướng tình dục, niềm tin tôn giáo hoặc chính trị mà còn nói đến sự khác biệt trong tư duy. Một đội nhóm đa dạng sẽ tạo nên môi trường mà mọi người muốn tham gia vào. Dựa theo một nghiên cứu của trang web Glassdoor, 67% những người chủ động tìm việc làm nói rằng một môi trường làm việc đa dạng là yếu tố quan trọng khi họ cân nhắc các cơ hội nghề nghiệp, và 57% nhân viên sẵn lòng nỗ lực hơn để ưu tiên cho sự đa dạng.
Người lãnh đạo phục vụ sẽ khuyến khích mọi người thoát khỏi tư duy lối mòn và cân nhắc mọi khía cạnh khi muốn thay đổi cục diện đáng kể. Quyết định cuối cùng chính là thành quả từ việc trao đổi và tích lũy nhiều ý kiến. Quyền lực không bao giờ chỉ nằm trong tay một người mà thuộc về mọi người trong nhóm, những ai đang đóng góp cho kết quả chung cuộc. Bạn có đang trao quyền cho mọi người không? Tại sao lại không nhỉ?
2. Tạo nên nền văn hóa tin tưởng
Niềm tin là một trong những thứ khó khôi phục nhất một khi đổ vỡ. Vậy, một nhà lãnh đạo có thể tạo nên nền văn hóa tin tưởng như thế nào? Bằng cách chia sẻ rõ ràng cho mọi người trong công ty biết nhiệm vụ, những giá trị bạn muốn có được và tầm nhìn chung của bạn. Một dữ liệu toàn cầu của Gallup tiết lộ chỉ 1 trong số 3 nhân viên đồng ý mạnh mẽ rằng họ có niềm tin với lãnh đạo trong tổ chức của họ.
Những người điều hành có thể làm gì để xây dựng niềm tin cao hơn? Bằng cách minh bạch về tất cả mọi thứ. Tất cả mọi cuộc giao tiếp cần xác thực và phơi bày với mọi cấp độ trong tổ chức từ thấp đến cao. Nếu bạn không minh bạch và không lãnh đạo với một lý do rõ ràng, không ai sẵn lòng theo bạn cả. Minh bạch sẽ củng cố niềm tin, và niềm tin ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng làm việc. Hãy ghi nhớ, bạn chỉ có thể lấy được niềm tin, chứ không thể cho đi niềm tin. Vậy, bạn đã lấy được niềm tin của mọi người chưa?
3. Không nên có tư duy vị kỷ
Tất cả không phải là vì bạn, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ như thế, mà là vì tất cả mọi người đã đóng góp làm nên mọi thứ. Hãy tự hỏi: Nếu không có những con ốc để guồng máy được chạy tốt thì bạn sẽ ra sao? Một sai lầm thông thường mà các nhà lãnh đạo hay mắc phải là nhìn nhận lợi ích và con người là hai thực thể tách biệt, trong khi chúng nên đi cùng nhau. Bạn không thể có được cái nào nếu thiếu đi cái còn lại, vậy tại sao lại tách chúng ra? Những người lãnh đạo tài ba giúp đỡ người khác thành công, cho họ cảm nhận được giá trị và sự cống hiến của họ rất quan trọng đối với thành công chung của công ty. Theo Survey Monkey, 43% người được phỏng vấn trả lời khi cảm nhận bản thân có sự đóng góp sẽ khiến họ tự tin hơn. Nhiều hơn thế nữa, 78% cảm thấy hạnh phúc hơn sau khi họ nhận được lời cám ơn.
Các nhà lãnh đạo tài ba có những đường lối dẫn dắt khác nhau nhưng bỏ đi tính vị kỷ chính là yếu tố tối hậu để họ có thể phát triển doanh nghiệp và tạo nên di sản lâu đời.
4. Thúc đẩy tính lãnh đạo ở mỗi người
Những nhà lãnh đạo hiểu được sức mạnh của việc xây dựng đội nhóm mạnh mẽ cũng hiểu được nhu cầu phải bồi dưỡng lớp lãnh đạo tiếp theo. Điều này không chỉ liên quan tới việc cố vấn cho một vài người trong nhóm của bạn, những người có tiềm năng có thể thay thế vị trí của bạn vào một ngày nào đó. Khi thế hệ Baby Boomers (những người sinh từ năm 1950-1969) nghỉ hưu, bồi dưỡng được lớp lãnh đạo tiếp theo là điều cực kỳ quan trọng, nhưng các nhà lãnh đạo hiện đang đối mặt với khó khăn. Một bản cáo bạch về nguồn nhân lực và thế hệ Millennials (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) đề cập rằng 63% thế hệ Millennials cảm thấy họ thiếu được bồi dưỡng về khả năng lãnh đạo. Chúng ta nên lo lắng trước thực trạng này bởi vì ai sẽ kế thừa doanh nghiệp để chúng ta có thể an vui nghỉ hưu? Nếu chúng ta không vun bồi nhân tài thì câu trả lời là sẽ không có ai cả!
Thúc đẩy khả năng lãnh đạo có nhiều cách, trong đó có việc đào tạo, cố vấn và phát triển. Hãy dành thời gian để hướng dẫn cách thức làm việc, nói lời động viên và trả lời thắc mắc của những nhà lãnh đạo trẻ dành cho bạn. Những nhà lãnh đạo tài ba thì cống hiến. Họ có khả năng kết nối những người xuất thân từ những bối cảnh khác nhau. Trên thực tế, những tổ chức đa dạng có khả năng sản sinh ra những nhà lãnh đạo cách tân nhiều hơn 1.7 lần.
Những nhà lãnh đạo phục vụ cống hiến nhiều không phải vì họ buộc phải làm như thế mà vì họ muốn làm như thế. Những nhà lãnh đạo phục vụ thì trung thực, minh bạch và thậm chí dễ bị tổn thương. Nghe có vẻ như khuyết điểm nhưng kỳ thực, điều này sẽ giúp xây dựng nên con người lãnh đạo nơi bạn và để người khác cảm nhận được bạn là một người có tình cảm chứ không chỉ lo ký tá.
Tuệ Nhiên (Theo Entrepreneur)
FILI
|