Nhịp đập Thị trường 30/12: Xanh hoàn toàn nhờ Large Cap
Nếu nhìn vào mức tăng giữa VN-Index và VN30-Index, độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 306 mã giảm và 297 mã tăng thì có thể nhận định chỉ số xanh hoàn toàn nhờ vào Large Cap.
Chỉ số VN-Index kết phiên tăng 1.52 điểm và đạt 965.03 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.43% và đạt 102.16 điểm.
VRE bắt đầu chạy từ phiên chiều và kết phiên ấn tượng với sắc xanh hơn 3%, trong đó hơn 80% khối lượng thuộc vào lực mua đến từ khối ngoại. Đây cũng là phiên mua ròng thứ 9 liên tiếp của khối này. Theo góc nhìn kỹ thuật, dự kiến đà tăng hiện tại của giá sẽ bị chững lại tại vùng 34,800-35,800.
Rổ VN30 dừng với 17 mã tăng, 11 mã giảm và 2 mã đứng giá, đồng thời VN30-Index đứng lại tại mức tăng gần 4 điểm. Có tới 8 mã tăng hơn 1% và EIB dẫn đầu nhờ vào đà bứt phá hơn 5% sau phiên ATC, theo sau là VRE, REE, CTG, FPT. Ở chiều ngược lại, DPM, CTD, VNM giảm hơn 1% và ROS sàn.
Sắc đỏ lớn dần ở nhóm ngân hàng khi cả nhóm đã có tới 5 mã giảm là HDB, STB, VIB, LPB và đặc biệt là BID. Mã này đã đánh mất mốc tham chiếu từ 14h và theo góc nhìn kỹ thuật, cây nến Shooting Star đã xuất hiện và cho tín hiệu tiêu cực báo hiệu sự kết thúc của nhịp tăng hiện tại, đồng thời rủi ro điều chỉnh trở lại khá lớn.
FIT gần như là mã duy nhất ở nhóm cổ phiếu đầu cơ đã tăng nóng trong thời gian qua thoát được cảnh nằm sàn, đồng thời tăng hơn 2% trở lại nhờ vào lực cầu trong phiên ATC. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây chỉ là vài nỗ lực kéo giá cuối cùng ở cổ phiếu này và việc tham gia giải ngân vẫn vô cùng rủi ro trong bối cảnh hàng loạt các mã khác vẫn đang sàn như DAH, HVH, CLG,….
Nhóm cao su đỏ lửa trở lại trong chiều nay, dẫn đầu là TRC và PHR với sắc đỏ gần 5%. Phiên này cũng đánh dấu sự trở lại của nhịp giảm trên PHR theo góc nhìn kỹ thuật, và GVR cũng là một trường hợp tương tự khi rớt gần 3%.
POW tiếp tục bị khối ngoại xả hàng mạnh với mức bán ròng gần 900 ngàn đơn vị và giảm hơn 2%. Với diễn biến hiện tại thì khả năng cao giá sẽ tiếp tục điều chỉnh về hỗ trợ ở vùng 10,700-11,000. Tuy nhiên, diễn biến nhóm phát diện lại đang phân hóa với GEG, VSH, BTP hiện sắc xanh, còn PPC SJD điều chỉnh.
Dịch vụ lưu trú, ăn uống giải trí hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.34%. Ngược lại, chế biến thủy sản hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 21.14%.
Khối ngoại mua ròng hơn 70 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 1 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở cổ phiếu CTG, VRE, VCB trên sàn HOSE. PVS, NTP là các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
14h00: Diễn biến trái chiều ở hai chỉ số thị trường
Trong khi Large Cap giúp VN-Index tăng 0.27%, HNX-Index lại đang lao dốc dưới ảnh hưởng đến từ 1 mã duy nhất - VCS. Độ rộng thị trường thuộc về bên bán với 229 mã tăng và 299 mã giảm (tính tới 14h00).
VN30-Index đi ngang và duy trì mức tăng hơn 4 điểm, với cả rổ có 18 mã tăng, 10 mã giảm và 2 mã đứng giá. Trong đó, 8 mã đạt sắc xanh hơn 1% gồm VHM, TCB, REE, MSN, CTG, VRE, FPT và VCB, trong đó VRE, FPT và VCB bứt phá hơn 2% và được khối ngoại mua ròng. Khối này cũng đang mua mạnh CTG (hơn 1 triệu đơn vị) và MSN (gần 300 ngàn đơn vị).
VN-Index tăng gần 3 điểm nhờ vào 2 trụ chính là VCB và VHM, theo sau là các mã BID, VRE, CTG. Tuy nhiên theo góc nhìn kỹ thuật, các mã đều đã tiến gần các kháng cự cũ nên khả năng xuất hiện nhịp rung lắc trong các phiên tới đang hiện hữu. Ở chiều ngược lại, VIC, VNM và SAB là những mã có tác động tiêu cực nhất tới chỉ số.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục chịu trận nằm sàn trong phiên hôm nay khi lần lượt FIT, CLG, DAH, DCL, HVH nằm sàn. Song điểm tích cực là lực cầu bắt đáy đã trở lại với FIT, DCL trong khi dòng tiền tại DAH, HVH tiếp tục được giữ vững, qua đó giúp các nhà đầu tư dễ dàng “thoát hàng” hơn. Tuy nhiên, tin vui lại không đến với các nhà đầu cơ VRC khi tình trạng thiếu hụt thanh khoản vẫn đang là vấn đề của mã này. Mã này từ sáng đến giờ chỉ khớp hơn 5000 ngàn cổ phiếu, trong khi dư bán tới hơn 1.9 triệu đơn vị.
Dù CDN, IDC, PHP đã thu hẹp sắc đỏ song HNX-Index lại rớt mạnh gần 0.6 điểm, dẫu cũng do VCS bất ngờ hiện sắc xanh dương và trong tình trạng trống bên mua.
GAB là trường hợp lạ lùng của nhóm cổ phiếu họ FLC khi đã trần 4 phiên liên tiếp và hiện đạt dư mua hơn 47 ngàn đơn vị, trong khi HAI, ROS, KLF nằm liệt sàn, FLC và AMD rớt hơn 4%.
Công nghệ thông tin hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.39%. Ngược lại, chế biến thủy sản hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 21.13%.
Phiên sáng: Áp lực bán gia tăng trên nhóm Mid và Small Cap
Chỉ số VN-Index kết phiên sáng tăng 0.25% và đạt 965.88 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.16% và đạt 102.44 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng khá cân bằng với 241 mã tăng và 236 mã giảm.
Rổ VN30 vẫn giữ được 19 mã tăng, 8 mã giảm và 3 mã đứng giá, đồng thời duy trì sắc xanh gần 4 điểm. Song VN-Index lại rớt điểm dần và chỉ còn tăng hơn 2 điểm chứng tỏ lực cung đang được đẩy mạnh ở nhóm Mid và Small Cap. Bộ đôi VCB và TCB tiếp tục giữ vững vị trí đầu rổ về đà tăng ở mức hơn 2%, theo sau là MSN, REE và CTG. Ở chiều ngược lại, rổ xuất hiện 2 mã điều chỉnh hơn 1% là VNM và CTD.
Lực đỡ thị trường chủ yếu đến từ nhóm Large Cap, chứ xét về góc độ nhóm ngành thì đa số cũng chỉ phân hóa, trong đó có vài ngành xuất hiện sự nở rộ của sắc xanh như vận tải kho bãi, bất động sản dân dụng, thép, dệt may. Vài điểm nhấn nổi bật ở từng ngành này là SKG, VSC, HAH và TCL (nhóm vận tải kho bãi), STK và VGT (nhóm dệt may), NDN, IJC và LDG (nhóm bất động sản dân dụng), HSG và TLH (nhóm thép). Song đa phần sắc xanh ở các mã này đều đã bị thu hẹp nếu so với giai đoạn giữa phiên sáng.
SKG hiện là một hiện tượng tại nhóm vận tải kho bãi khi đã tăng trưởng hơn 10% trong hơn 2 tuần qua, đồng thời phát các tín hiệu kỹ thuật tích cực. Mã đã cho tín hiệu mua từ ngày 17/12/2019 và dự kiến sẽ tiến đến test lại vùng 13,400-13,800. Không rõ thông tin CTCP Du lịch Hòa Bình Việt Nam thoái vốn tại SKG có liên quan đến đà tăng của cổ phiếu hay không.
Nhóm dầu khí phân hóa bất chấp những thông tin tích cực từ giá dầu thế giới. PVD, PVS tăng hơn 1%, còn BSR, POW lại rớt hơn 1%. Mới đây PVS đã có ước tính về lãi năm 2019 đạt 654 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018, song theo góc nhìn kỹ thuật thì triển vọng của cổ phiếu không mấy khả quan.
Diễn biến chỉ số HNX-Index có phần kém khả quan khi từ 11h trở đi, chỉ số đã rơi khỏi tham chiếu với tác nhân chính đến từ sắc đỏ trên CDN, PHP, IDC và DGC.
Khai khoáng hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.25%. Ngược lại, chế biến thủy sản hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 21.13%.
Khối ngoại mua ròng hơn 40 tỷ đồng trên sàn HOSE và 0.19 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở cổ phiếu CTG, MSN, VCB trên sàn HOSE. SHB, SHS là các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h40: Nhóm ngân hàng bứt phá, thị trường liên tục leo dốc
VN-Index tới 10h30 tăng hơn 3 điểm với công lớn hoàn toàn phụ thuộc vào nhóm Large Cap, cụ thể hơn là nhóm ngân hàng.
Độ rộng thị trường đang nghiêng về bên mua với 234 mã tăng và 208 mã giảm điểm.
Nhóm ngân hàng đang có 9 mã xanh, trong đó KLB trần nhờ vào 30 lô cổ phiếu được khớp. Điểm nhấn tại nhóm hiện nằm ở bộ dôi VCB và TCB khi đều bật tăng từ đầu phiên và dẫn đầu nhóm ở mức gần 3%, song chỉ có VCB được khối ngoại mua ròng. Theo sau bộ đôi này là VBB, BID, MBB ở mức gần 2%. BID hiện trong trạng thái dò đỉnh và theo góc nhìn kỹ thuật, giá có thể tạo đỉnh ngắn hạn tại vùng quanh mốc 47,500 điểm.
Sắc xanh tại nhóm ngân hàng đã một phần giúp rổ VN30 tràn ngập màu xanh với 20 mã tăng, 8 mã giảm và 2 mã đứng giá. Dẫn đầu nhóm này là 4 mã ngân hàng, kế tiếp có thể kể đến là REE, SSI, SSI với mức tăng hơn 1%. Ở chiều ngược lại, ngoại trừ ROS nằm sàn ra thì biên độ dao động của sắc đỏ đều chỉ dưới 1%.
Diễn biến nhóm thép đầy khả quan với sự bứt phá đến từ NKG và TLH ở mức hơn 2%, song thanh khoản ở 2 mã này không thể hiện sự đồng thuận. Theo góc nhìn kỹ thuật thì cả hai đều đang trong xu hướng tăng ngắn hạn và đang kiểm định lại đỉnh cũ trước đó.
Ông lớn ngành xây dựng là HBC bất nhờ nhảy vọt gần 3% trong phiên sáng nay, song triển vọng tốt nhất ở cổ phiếu hiện vẫn chỉ là sideway, chứ sự trở lại của xu hướng tăng vẫn chưa được xác nhận. DTD, TDC, CII cũng là những điểm sáng khác ở nhóm này, song khối lượng ở các mã lại không mấy khởi sắc. C69 tiếp tục nằm sàn nhưng điểm khác biệt nằm ở khối lượng bởi gần 600 ngàn cổ phiếu đã dược khớp ở mã này. Sự trở lại của dòng tiền trong hơn 1 tuần qua đang là dấu hiệu mở ra kỳ vọng tăng trưởng mới ở cổ phiếu.
Ngân hàng hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.15%. Ngược lại, chế biến thủy sản hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 20.99%.
Mở cửa: ROS lại giảm sàn
Sau phiên ATO, cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index có diễn biến trái chiều khi VN-Index xuất hiện sắc xanh còn HNX-Index thì đứng yên.
Độ rộng thị trường tính tới 9h30 đang nghiêng về bên mua với 170 mã tăng và 124 mã giảm điểm. Số mã tăng, giảm trong rổ VN30 đang nghiêng về sắc xanh khi cả rổ có 14 mã tăng, 9 mã giảm và 7 mã đứng giá.
Bộ ba ngân hàng là VCB, BID và TCB là những mã có tác động tích cực và mang lại sắc xanh cho thị trường. Ở phía bên kia chiến tuyến, màu đỏ VIC, POW, VNM và màu “sàn” của ROS là những mã kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Sau phiên ATO, sắc xanh đang dần lan tỏa trong nhóm ngân hàng. Cụ thể, TCB bứt phá hơn 2%, VCB cùng với BID đồng thuận tăng quanh mốc 1%. Ở phía bên kia chiến tuyến, VIB và HDB cùng nhau lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu.
Sự phân hóa đang diễn ra ở nhóm bất động sản dân dụng. Cụ thể, HAR có cú tăng vọt gần 2%, theo sau là VRE và NDN cùng nhau nhích nhẹ trên mốc tham chiếu. Ở chiều ngược lại, HDC giảm gần 1%, VIC và NLG giảm quanh mốc 0.5%.
Sắc xanh đang xâm chiếm trong ngành công nghệ thông tin. Bộ đôi nhà Viettel là VGI và CTR có mức tăng lần lượt 1.6% và 1%.
Khai khoáng hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.86%. Ngược lại, chế biến thủy sản hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 21.83%.
Lý Hỏa
FILI
|