Mỗi 'công dân toàn cầu' ôm nợ 32.500 USD
Hơn 10 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008, tổng số nợ toàn cầu đã đạt mốc kỷ lục 251.000 tỉ USD, tương đương "công dân toàn cầu" (bất kể nam, phụ, lão, ấu) nợ 32.500 USD/người.
* Gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ: "Quả bom nổ chậm"
Trung Quốc và Mỹ được cho là nguyên nhân khiến nợ toàn cầu tăng cao - Ảnh: EPA
|
Tốt nhất là thoát khỏi nợ dần dần và phù hợp, và đây là giải pháp với nhiều bên song không phải với mọi giai đoạn trong tình trạng nợ nần hiện nay.
Ông MOHAMED EL-ERIAN (cố vấn kinh tế trưởng tại Công ty Allianz SE)
|
Khối nợ khổng lồ này bao gồm nợ công của các chính phủ, nợ doanh nghiệp và nợ của các cá nhân, hộ gia đình. Theo Hãng tin Bloomberg, một phần lớn trong "di sản" nợ nần này có nguồn gốc từ chương trình vay nợ của các nước nhằm vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008.
Nợ, nợ và nợ
Núi nợ đã và đang tăng lên rất nhiều, không chỉ ở châu Á mà còn ở Mỹ và châu Âu. Tờ South China Morning Post (SCMP) nhận xét "các chính phủ đang ngày càng nghiện vay nặng hơn, giống như khối doanh nghiệp và hộ gia đình (nhất là tại Trung Quốc)". Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay, nợ toàn cầu đã tăng thêm 7,5 ngàn tỉ USD, đưa tổng nợ toàn cầu chạm mốc kỷ lục 251 ngàn tỉ USD, theo Viện Tài chính quốc tế (IIF) tại Washington.
"Với việc không có tín hiệu giảm bớt, chúng tôi ước đoán tổng nợ toàn cầu sẽ vượt mốc 255 ngàn tỉ USD trong năm 2019 và động lực đáng kể nhất (dẫn tới tình trạng tăng nợ này - PV) là Mỹ và Trung Quốc" - báo cáo của IIF nêu.
Ở cấp độ quốc gia, các chính phủ cũng là những "con nợ" khủng. Nhật Bản đang có mức nợ công bằng 228% GDP, nợ công của Mỹ và Anh là 100% GDP, mức nợ công này cũng khá cao ở những nước khác như Ấn Độ, Pakistan và Malaysia.
Chính phủ mới đắc cử của Argentina gần đây đã cam kết sẽ tái đàm phán hạn mức tín dụng kỷ lục 56 tỉ USD với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một việc gợi nhớ lại ký ức và tình trạng sụp đổ kinh tế và vỡ nợ của nước này năm 2001. Nhưng không chỉ Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và một số nước khác cũng đang có chung nỗi ám ảnh này.
Về nợ của doanh nghiệp, chỉ riêng các công ty Mỹ đã chiếm khoảng 70% trong tổng số các vụ doanh nghiệp vỡ nợ trong năm nay, ngay cả trong tình hình kinh tế Mỹ đang mở rộng ở mức kỷ lục. Tại Trung Quốc, theo SCMP, tổng nợ vay của khối doanh nghiệp đã bằng 155% GDP nước này, chỉ đứng sau Hong Kong với tỉ lệ 224%.
Ở cấp độ hộ gia đình, Úc và Hàn Quốc là những quốc gia có mức nợ cấp độ này lớn nhất. Nợ gia đình ở Hàn Quốc đang bằng 94% GDP nước này, ở Anh tỉ lệ này là 84%, 74% ở Mỹ, Hong Kong là 74%, Thái Lan là 69% và Malaysia là 68%.
Viễn cảnh khủng hoảng nợ
Việc thoát khỏi những khoản vay, dù là vay với lãi suất thấp, cũng không phải chuyện đơn giản. Tờ SCMP cho rằng có vẻ như các khoản nợ công, nợ doanh nghiệp, nợ gia đình đã trở thành một điều "bình thường mới" trong thực tiễn hiện nay của kinh tế toàn cầu, ít nhất là cho tới khi xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo.
Các khoản nợ kếch sù ở cấp độ công và tư có thể sẽ không gây vấn đề gì miễn là tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục và lãi suất vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên điều này có thể thay đổi nếu một cuộc khủng hoảng tài chính mới lại xảy ra như đã từng trước đây. Mức nợ toàn cầu hiện nay đang chạm mức mà IIF gọi là những mức độ "không thể hình dung", còn UNCTAD - cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách các vấn đề thương mại, đầu tư và phát triển - đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nợ mới.
Mặc dù một sự tăng trưởng kinh tế vững chắc là cách dễ dàng nhất để thoát nợ, song điều này không phải lúc nào cũng sớm diễn ra. Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách luôn phải chèo lái giữa những lựa chọn cân đối, đánh đổi giữa chính sách thắt lưng buộc bụng, kiểm soát tài chính hoặc vỡ nợ hay miễn nợ.
Nếu kinh tế thế giới cứ phát triển đều đều và tịnh tiến thì hẳn nhiều khoản nợ sẽ được trả dần và hết. Nhưng ngặt nỗi lúc này nhiều quốc gia đang phải vật lộn với mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính đến nay. Một loạt các lựa chọn về cách vực dậy nền kinh tế của nhiều nước lúc này đều có một mẫu số chung: tiếp tục vay thêm.
Các thống đốc ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách từ giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde, cho tới IMF đều hối thúc các chính phủ hành động nhiều hơn. Họ cho rằng đây là thời điểm tốt để vay tiền cho các dự án có thể mang lại lợi nhuận kinh tế.
Sinh viên Mỹ nợ 1,5 nghìn tỉ USD
Gánh nặng nợ nần sẽ còn treo lơ lửng trong thế hệ người lao động tiếp theo. Ở Mỹ, tổng số nợ của sinh viên hiện là 1,5 nghìn tỉ USD và phần lớn sinh viên vay nợ vẫn đang chật vật để trả nợ.
|
D.KIM THOA
Tuổi trẻ