Lại nói chuyện nới room ngoại ngân hàng
Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư ngoại chần chừ rót vốn vào các ngân hàng Việt, phần lớn do nhà băng Việt Nam còn “dưới chuẩn” quốc tế khá nhiều.
Mở room cho NĐT nước ngoài giúp nhà băng có thêm lượng tiền mới, giải quyết các vấn đề minh bạch hoá hoạt động kinh doanh
|
Tăng vốn - chuyện cũ vẫn mới
Chỉ còn hơn một tháng nữa là Thông tư 41/2016/TT-NHNN với các yêu cầu về an toàn vốn theo chuẩn Basel 2 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Áp lực tăng vốn đối với những ngân hàng chưa đáp ứng chuẩn này ngày càng nặng nề, nhất là với các ngân hàng quốc doanh. Thế nhưng tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội lại không đưa nội dung về việc tăng vốn điều lệ cho các NHTM có vốn nhà nước vào Nghị quyết kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, không chỉ để đáp ứng chuẩn Basel 2 sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới mà tăng vốn còn là nhu cầu bức thiết khi các ngân hàng Việt buộc phải gia tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, để tăng được vốn là thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn trong nước hạn chế, trông chờ nhiều vào nguồn vốn từ nước ngoài nhưng lại vướng mắc trần room ngoại. Nếu chỉ quanh quẩn tăng vốn từ cổ tức không chia, phát hành trái phiếu hay tăng vốn cho cổ đông hiện hữu thì không bền vững, và cũng không dễ dàng. Chưa kể đối với các NHTM Nhà nước, rất khó thực hiện tăng vốn từ cổ đông hiện hữu do Nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư thêm.
Do nắm giữ khoảng 50% thị phần huy động vốn và tín dụng, nên hiện các NHTM Nhà nước đang đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt trong hệ thống các TCTD. Thậm chí trong chừng mực nào đó, các NHTM Nhà nước còn là công cụ, là cánh tay nối dài để NHNN triển khai chính sách tiền tệ.
Ở thời điểm cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 NHTMNN (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng - tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.
Tuy nhiên, theo NHNN, việc mở rộng tín dụng của các NHTMNN bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và VietinBank. NHNN cũng đang tập trung chỉ đạo Agribank và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về các quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank và đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank. VietinBank hiện đã sử dụng hết các giới hạn về tăng vốn như tỷ lệ sở hữu nhà nước đã giảm tối đa, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được lấp đầy.
Riêng trường hợp của BIDV, nhà băng này trung tuần tháng 11 vừa qua đã chính thức ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược và công bố KEB Hana Bank là cổ đông chiến lược nước ngoài sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV. BIDV phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng - cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được thương vụ lịch sử này cũng không phải chuyện dễ dàng mà nhà băng nào cũng làm được.
Cân nhắc về room ngoại
Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư ngoại chần chừ rót vốn vào các ngân hàng Việt, phần lớn do nhà băng Việt Nam còn “dưới chuẩn” quốc tế khá nhiều. Tuy nhiên, vướng mắc lớn hơn chính là room sở hữu. Với quy định về tỷ lệ sở hữu hiện nay, “tiếng nói” của các nhà đầu tư ngoại là không đủ lớn ở các ngân hàng Việt nên chưa tạo được hứng thú cho họ đầu tư.
“Có thể kể cả trong trường hợp chưa tìm được đối tác phù hợp, nhưng nếu room được nới rộng hơn, bản thân các nhà đầu tư ngoại cũng nhìn thấy cơ hội để có thể tiến xa hơn. Trong khi đó, ngân hàng Việt Nam lại cần ở đối tác ngoại cả về vốn và cách thức quản trị, điều hành”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Nhắc tới việc tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, TS. LS Bùi Quang Tín cùng chung quan điểm rằng, nếu room ngoại được mở hơn, chắc chắn các thương vụ mua bán cổ phần trong lĩnh vực ngân hàng sẽ càng nhộn nhịp hơn.
“Mình chọn người ta, hay người ta chọn mình căn cứ vào điều kiện kinh tế cũng như mục tiêu kinh doanh của các ngân hàng với nhau. Cách đây 5 - 10 năm, người ta chọn mình, lúc đó vị thế ngân hàng của mình khác. Còn hiện nay, trong hợp tác kinh doanh thì hai bên cần lẫn nhau, chứ chúng ta không nên nói tới việc cao hay thấp”, TS.LS Bùi Quang Tín nêu quan điểm.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho rằng, cần sớm có cơ chế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, để tăng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 35%, giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước. Theo lãnh đạo Vietcombank, mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài không những nhà băng có thêm lượng tiền mới, mà còn giải quyết các vấn đề về cho vay, minh bạch hoá hoạt động kinh doanh.
CEO một NHTMCP cũng nhìn nhận, việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD rất cần sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. Thực tế, đa phần các ngân hàng trên toàn cầu đang tuân thủ Basel III, nên khả năng tham gia vào thị trường như Việt Nam không còn quá rộng mở như trước kia, bởi thế càng cần nghiêm túc và khẩn trương xem xét lại tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, ở thời điểm này, Việt Nam nói chung và một số ngân hàng Việt Nam nói riêng cũng đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài khi kinh tế đạt được nhiều kết quả, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.
Qua đó, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã có đánh giá rất tích cực: Fitch Ratings nâng triển vọng của Việt Nam từ mức Ổn định sang Tích cực và tiếp tục duy trì mức xếp hạng BB (tháng 5/2019); S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB (tháng 4/2019).
Mới đây nhất, Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 cũng cho thấy, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã tăng 7 bậc so với năm trước và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Minh Khôi
Thời Báo Ngân Hàng