Khốn khổ vay tiền qua app
Không những trả lãi gấp nhiều lần số tiền vay, nhiều người vay trực tuyến qua các app (ứng dụng) còn phải sống trong cảnh trốn nợ, cả gia đình, họ hàng đều bị truy đuổi, khủng bố điện thoại hằng ngày.
Tin nhắn đòi nợ gửi cho bạn bè, họ hàng người vay qua app. Ảnh: T.X - Ngọc Thạch
|
Trả gấp 3 lần số vay vẫn chưa hết nợ
Ngày 25.11, ông Minh Le (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay em trai ông không về nhà do vướng vào vay tiền qua các app Tamo, DrDong, Cashwagon… và bị truy đuổi. “Mấy lần vay trước với số tiền ít nên em tôi trả đúng hạn. Sau đó app tăng mức cho vay lên, đến nay khoảng 5 - 5,5 triệu đồng/app thì nó mất khả năng trả nợ, cộng thêm tiền phí phạt mỗi ngày từ 300.000 - 500.000 đồng nên giờ gia đình không biết số nợ vay lên đến bao nhiêu. Bị truy đuổi, nó bỏ đi đâu cũng không liên lạc được”, ông Le lo âu.
Chị Nguyễn Thanh (sống tại TP.HCM) còn khốn khổ hơn vì không còn tiền để trả, hiện phải trốn nợ. Trước khi lâm vào tình trạng này, toàn bộ số tiền 60 triệu đồng chị tích cóp được đã trả cho khoản vay 20 triệu đồng trên app nhưng vẫn còn nợ.
Chị Thanh kể, chị vay qua app vĐồng 3,5 triệu đồng trong 14 ngày, nhưng chỉ nhận được 2,3 triệu đồng, app trừ phí 1,2 triệu đồng, tiền lãi mỗi ngày khoảng 23.000 đồng (tương ứng 1%/ngày). Do bị trễ hạn trả 7 ngày, số tiền mà app thông báo với chị lên 5,95 triệu đồng và sau 1 ngày, số nợ tăng lên 6,2 triệu đồng, gấp 2,7 lần số thực vay ban đầu.
Đây chỉ là một trong những app chị Nguyễn Thanh vay trong 4 tháng qua bên cạnh các app khác như iDong, Uvay, vinvay, vindong, vinhantai, vietdong…
Những app này cho vay từ 3 - 6 triệu đồng nhưng trong thời gian vay rất ngắn, từ 7 - 21 ngày, khiến nhiều người vay không kịp trả nợ đúng hạn, ngay lập tức phí phạt ở mức cao ngất ngưởng.
Chẳng hạn vay 4 triệu đồng của iDong, trễ hạn 1 ngày, phạt 220.000 đồng; vay 6 triệu đồng trễ hạn 1 ngày phạt 280.000 đồng; vay Uvay trễ hạn 1 ngày phạt 300.000 đồng...
Kinh hoàng hơn, theo chị Nguyễn Thanh, toàn bộ danh bạ điện thoại của chị đều bị sao chép, bị định vị khi tải app về, cả tin nhắn cũng bị đọc lén. Để trốn sự truy đuổi của app, chị gỡ SIM thì những người cho vay điện về ba mẹ, người thân, họ hàng ở quê với thông báo chị trốn nợ và ngày nào nhân viên app cũng gọi điện thoại quấy nhiễu.
Gần đây nhất, những người bạn trong danh bạ Zalo của chị Thanh nhận được tin nhắn “Nghi ngờ đối tượng trốn nợ” cùng với hình ảnh, CMND của chị và những từ ngữ mạt sát chị. Chị Thanh cay đắng, vay tiền qua app dù đã trả nợ gấp 3 lần số đã vay mà vẫn còn nợ, lại thêm mất cả bạn bè, danh dự gia đình.
Tín dụng đen trực tuyến nở rộ
Tìm hiểu app vĐồng do Công ty TNHH Vietnam Trusting Ai quản lý, người đại diện pháp luật là Wang Yuntao. Chiều ngày 25.11, chúng tôi đến địa chỉ theo thông tin của công ty trên website ở tầng 2 một tòa nhà trên đường Võ Văn Tần, P.6, Q.3, TP.HCM (thông tin đăng ký với cơ quan thuế là một tòa nhà khác trên đường Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3), qua 2 lớp cửa kính có khóa, vài nhân viên khá trẻ làm việc với máy tính bên trong. Công ty TNHH Vietnam Trusting Ai đăng ký giấy phép kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM với ngành nghề kinh doanh gồm dịch vụ tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận, sản xuất phần mềm, lập trình máy vi tính; không có ngành nghề cho vay qua app như đơn vị này đang triển khai.
Các app khác như Cashwagon (ở Tôn Thất Tùng, Q.1), Uvay (do Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Kim Cát quản lý), Tamo (Công ty TNHH MTV TM DV Digital Credit có trụ sở trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM quản lý), iDong (Công ty TNHH thương mại 360 Việt Nam quản lý, trụ sở tại Hà Nội)… đều đăng ký doanh nghiệp với ngành nghề liên quan đến máy tính, công nghệ thông tin…; hoàn toàn không có hoạt động cho vay.
Trước đó, đầu tháng 11, Bộ Công an đã triệt phá một nhóm người Trung Quốc và đồng bọn “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành thông qua các app. Nhóm này thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật công ty rồi tạo ra ứng dụng app cho vay tiền trực tuyến như Vaytocdo, Moreloan, VD online với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm.
Qua ứng dụng Moreloan và VD online, người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1,5 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ nhận 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1,5 triệu đồng, nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2 - 5%/ngày. Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4.2019 đến thời điểm bị phát hiện, nhóm này đã cho vay 100 tỉ đồng qua 3 ứng dụng trên, với khoảng 60.000 giao dịch.
Bộ Công an nhận định đây là hoạt động tín dụng đen sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến, với lãi suất rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người vay. Thế nhưng thực tế, vẫn có nhiều người sập bẫy.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ, đây là hình thức tín dụng đen trực tuyến mà người dân cần tránh trước những lời mời vay mượn một cách dễ dàng, cần kiểm tra xem đơn vị cho vay là ai, quá trình hoạt động như thế nào, cũng như đọc kỹ những thông tin trước khi vay.
|
Thanh Xuân
Thanh niên