Thứ Sáu, 29/11/2019 08:53

Giảm lãi suất - Ai lợi, ai thiệt?

Quyết định giảm lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được cho là sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng theo hướng thu hẹp lợi nhuận trong thời gian tới. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng vẫn có những nhà băng trước mắt sẽ được lợi khi chứng kiến biên độ lãi được mở rộng thêm.

* Giảm lãi suất ngắn hạn: Liệu có cuộc đua lãi suất dài hạn?

* Những ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất cho vay

* Giảm lãi suất – Vì sao chọn thời điểm này?

Giảm ngay chi phí vốn đầu vào

Giá cổ phiếu Vietcombank đã giảm hơn 9% chỉ trong vòng 1 tuần sau quyết định giảm lãi suất của NHNN, do ngân hàng này tiên phong giảm lãi suất cho vay 0.5%/năm cho tất cả doanh nghiệp để hưởng ứng chính sách của nhà điều hành, với thời gian hiệu lực ngay từ đầu tháng 11 đến hết năm 2019. Theo ước tính của Vietcombank, quy mô đợt giảm lãi suất này tác động tới 320,000 tỷ đồng dư nợ cho vay của ngân hàng, theo đó con số lợi nhuận bị ảnh hưởng là 260 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải tất cả ngân hàng đều bị ảnh hưởng theo cách tiêu cực như Vietcombank, thậm chí một số nhà băng có thể tận dụng để mở rộng biên độ lãi suất cho vay ra và chi phí vốn đầu vào.

Đầu tiên, chúng ta cần bóc tách giữa 2 quyết định giảm trần lãi suất huy động vốn kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khuyến khích.

Cụ thể, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng đã nằm ở mức 5.5% trong suốt 5 năm qua, từ cuối tháng 10/2014 cho đến giữa tháng 11 vừa qua. Trước khi NHNN giảm về 5% kể từ ngày 19/11/2019, vẫn đang có đến 25 nhà băng niêm yết tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng trên mốc 5%, trong đó có đến 7 ngân hàng giữ ở mức kịch trần 5.5%, 6 ngân hàng ở mức 5.4% và 7 ngân hàng ở 5.3%.

Nay, với việc NHNN quy định trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0.5% so với trước đây, các ngân hàng này buộc phải giảm lãi suất huy động đầu vào xuống theo quy định, do đó có điều kiện giảm chi phí huy động vốn đầu vào ngay lập tức từ thời điểm có hiệu lực của quyết định là vào ngày 19/11.

Chẳng những vậy, nhiều ngân hàng còn tận dụng cơ hội ngàn vàng này để tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6-12 tháng hoặc dài hơn, đặc biệt là trong những ngày gần đây, nhằm giữ chênh lệch lãi suất huy động giữa các kỳ hạn ngắn và dài không quá cách biệt. Ngoài ra, việc NHNN mới đây chính thức ban hành thông tư số 22/2018/TT-NHNN, theo đó nới thêm thời gian đối với quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn so với dự thảo trước đây, cũng phần nào giảm áp lực huy động vốn trung dài hạn cho các ngân hàng.

Quay trở lại câu chuyện Vietcombank, ngân hàng này trước đó niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ ở mức 4.5%, 3 tháng ở 5%, do đó quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi không tác động quá lớn đến chính sách huy động vốn của nhà băng này, cũng như đối với những ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiền gửi thấp tương tự là BIDV, Vietinbank hay Agribank, do đó chi phí vốn đầu vào của các ông lớn này cũng ít thay đổi.

Mở rộng biên độ lợi nhuận

Trong khi đó, ở đầu ra, nhóm NHTM Nhà nước dù đang áp dụng mức lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khuyến khích chỉ 5.5% sau 2 lần chủ động giảm trong 7 tháng đầu năm nay, thấp hơn 1.5% so với quy định cũ và 1% đối với quy định mới, nhưng sau quyết định của NHNN vẫn tiếp tục hưởng ứng bằng cách giảm thêm 0.5% về chỉ còn 5%/năm. Chẳng những vậy, Vietcombank còn quyết định giảm đồng loạt 0.5% cho các doanh nghiệp đang vay vốn tại nhà băng này như đã nói, do đó biên độ lãi suất bị thu hẹp là điều tất yếu.

Nhưng với nhiều ngân hàng khác thì đây mới chỉ là lần đầu tiên trong năm nay giảm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khuyến khích theo quy định của NHNN, nên mức áp dụng hiện tại đúng bằng mức trần mới là 6%/năm. Còn đối với các đối tượng doanh nghiệp khác, hiện vẫn chưa có diễn biến rõ ràng về việc sẽ giảm lãi suất cho vay với các nhóm khách hàng này. Thực tế, các ngân hàng có thể vẫn được quyền giữ nguyên lãi suất cho vay với các đối tượng không nằm trong lĩnh vực ưu tiên, do không có những quy định bắt buộc phải giảm lãi suất.

Như vậy, trong khi chi phí vốn đầu vào giảm ngay lập tức và thậm chí rải đều ở các kỳ hạn, thì lãi suất đầu ra của các nhà băng có sự chọn lọc chặt chẽ, theo đó không phải tất cả khách hàng đều được hưởng chính sách giảm lãi suất mà chỉ một bộ phận đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Điều này trước mắt mang lại lợi ích rất lớn cho các ngân hàng, thậm chí là lâu dài nếu các ngân hàng này không có động lực giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng còn lại.

Hai là, mức độ tác động cũng khác nhau giữa đầu vào và đầu ra do đặc thù cơ cấu kỳ hạn của huy động và cho vay hiện nay.  Đầu tiên là tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng, vốn bắt buộc phải giảm về tối đa ở 5%/năm theo quy định, hiện đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng tiền gửi khách hàng (không tính giấy tờ có giá chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu kỳ hạn dài) của các nhà băng, ít nhất từ 45-50% trở lên.

Ngược lại, đối với dư nợ cho vay các lĩnh vực khuyến khích, cũng bắt buộc phải giảm ngay theo quy định là từ ngày 19/11, tại nhiều ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn do mức lãi suất theo quy định thấp nên không kích thích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trong thời gian qua, thay vào đó các nhà băng tích cực cho vay ở các lĩnh vực có lãi suất hấp dẫn hơn như cho vay tiêu dùng, đầu tư kinh doanh bất động sản,….

Do đó, việc giảm thêm 0.5% ở các lĩnh vực ưu tiên theo quy định mới đây thực tế không tác động quá nhiều đến số dư nợ tín dụng tại các nhà băng. Trong khi đó, với các khách hàng còn lại vốn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng dư nợ cho vay của những ngân hàng này, không có quy định bắt buộc phải giảm lãi suất cho vay như đã nói.

Tóm lại, quyết định giảm trần lãi suất huy động và cho vay các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích vừa qua đang có sự tác động phân hóa lên các ngân hàng, trong đó có những nhà băng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng cũng có nhà băng có thể hưởng lợi, nhất là những tổ chức đang phải niêm yết lãi suất huy động đầu vào cao, đồng thời có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực khuyến khích không đáng kể.

Trong khi chi phí vốn đầu vào giảm ngay lập tức và thậm chí rải đều ở các kỳ hạn, thì lãi suất đầu ra của các nhà băng có sự chọn lọc chặt chẽ, theo đó không phải tất cả khách hàng đều được hưởng chính sách giảm lãi suất mà chỉ một bộ phận đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Điều này trước mắt mang lại lợi ích rất lớn cho các ngân hàng, thậm chí là lâu dài nếu các ngân hàng này không có động lực giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng còn lại.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Khống chế chi phí lãi vay, doanh nghiệp kiệt sức (28/11/2019)

>   Chuyển tiền định cư siêu tốc, nhận voucher 30 triệu (28/11/2019)

>   LienVietPostBank được vinh danh giải thưởng ngân hàng số tiêu biểu năm 2019 (28/11/2019)

>   MB là ngân hàng dẫn đầu tốc độ tăng trưởng doanh số chi tiêu thẻ tín dụng (28/11/2019)

>   Thẻ Sacombank Visa tiếp tục dẫn đầu thị trường Việt Nam năm 2019 (28/11/2019)

>   Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 12.9% so với cuối năm 2018 (27/11/2019)

>   Tối ưu lãi suất tiết kiệm khi gửi tiền tại PVcomBank (28/11/2019)

>   Chương trình Hòa nhạc “Giai điệu Thắp Sáng Niềm Tin” lần IV – khi câu chuyện của niềm tin được kể bằng âm nhạc (27/11/2019)

>   Chặn kịp thời một vụ tin tặc trộm 1,13 triệu USD từ ngân hàng (27/11/2019)

>   Thu hồi 120 tỷ đồng cựu Tổng giám đốc ALC II tham ô (27/11/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật