Không ngạc nhiên khi Moody’s hạ triển vọng ngân hàng Việt!?
Đó là ý kiến của các chuyên gia khi nhận định về việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) thông báo hạ triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng tại Việt Nam vào sáng ngày 20/12/2019.
* 18 ngân hàng Việt bị Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm xuống tiêu cực
* Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm Việt Nam, Bộ Tài chính lên tiếng
Moody’s bắt đầu xem xét đánh giá xếp hạng của 18 ngân hàng từ ngày 10/10/2019, sau khi Moody xem xét hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam vào ngày 09/10/2019.
Danh sách 18 ngân hàng trong danh sách gồm: ABBank, ACB, HDBank (HDB), Vietcombank (VCB), BIDV (BID), LienVietPostBank (LPB), MBBank (MBB), NamABank, OCB, SHB, SeABank, TPBank (TPB), Agribank, VIB, VietinBank (CTG), MSB, VPBank (VPB) và Techcombank (TCB).
Trong đó, 10 ngân hàng được giữ nguyên xếp hạng tiền gửi và nhà phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ dài hạn và thay đổi triển vọng các ngân hàng này sang “tiêu cực”. Trong số này, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín dụng cơ bản (BCA) và BCA dài hạn đối với 4 ngân hàng, cũng như bậc đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CR Assessments) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của 6 ngân hàng.
Đối với 5 trong 18 ngân hàng còn lại, Moody’s giữ xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn và thay đổi triển vọng về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn thành “tiêu cực”.
Đồng thời, Moody’s cũng giữ nguyên Đánh giá Rủi ro Đối tác và Đánh giá Rủi ro Đối tác dài hạn của 3 ngân hàng còn lại.
Đánh giá về việc này, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế cho biết, việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm các ngân hàng Việt Nam là không ngạc nhiên. Do trước đây, Việt Nam đã có giai đoạn bùng nổ nợ xấu gắn liền với bất động sản.
“Vào năm 2012, trong lúc các ngân hàng vẫn báo cáo nợ xấu trong khoảng an toàn dưới 3%. Lúc đó, Fitch đã đưa tỷ lệ nợ xấu 1 số ngân hàng có thể lên đến 14% nhưng một số chuyên gia và ngân hàng trong nước không đồng ý. Tuy nhiên sau đó phải thừa nhận việc này và buộc thành lập công ty VAMC xử lý nợ xấu.
Đến bây giờ, số nợ xấu của giai đoạn 2010-2012 vẫn chưa xử lý ổn thỏa. Nhắc lại để thấy rằng giữa báo cáo ngân hàng và thực tế có thể có chênh lệch, và thường nằm trong giai đoạn đẩy mạnh tín dụng bất động sản. Quan sát tín dụng bất động sản, từ năm 2013-2015 tương đối tốt, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Đến năm 2016-2018, tín dụng tăng rất mạnh, đến 17-18%. Dòng tiền đổ vào bất động sản rất mạnh, giá bất động sản tăng cao ở tất cả các phân khúc.
Đến đầu năm 2019 thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết chặt tín dụng bất động sản, tín dụng chỉ tiêu xuống 12%, các quy định về cho vay bất động sản đều tăng mức độ quản lý rủi ro để khống chế tín dụng bất động sản. Có nghĩa là NHNN thừa nhận rằng các năm gần đây tín dụng bất động sản tăng trưởng quá mạnh, làm gia tăng rủi ro.
Như vậy, với tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng công bố vẫn trong hạn an toàn và việc Moody’s hạ thấp bậc tín nhiệm các ngân hàng Việt Nam cho thấy sự chênh lệch. Và độ chênh lệch đó gắn với tăng trưởng tín dụng mạnh và gắn với bất động sản, sau đó NHNN mới chỉ đạo siết tín dụng bất động sản. Do đó, việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm hoàn toàn không ngạc nhiên”.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV chia sẻ, sau khi Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm Việt Nam, đương nhiên các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có các ngân hàng Việt Nam được Moody’s xếp hạng đều bị hạ triển vọng tín nhiệm. Vì các tổ chức này thông thường gắn với trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Khi trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia bị hạ thì các tổ chức này vẫn sẽ bị hạ theo. Còn hệ thống ngân hàng vẫn rất ổn, thậm chí năm nay còn có xu hướng tốt lên.
Ngày 18/12/2019, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service ("Moody's") thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm và điều chỉnh triển vọng xuống Tiêu cực, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10/2019.
Cơ sở Moody's đưa ra quyết định điều chỉnh giảm triển vọng tín nhiệm của Việt Nam bắt nguồn từ nhận định cho rằng vẫn tiềm ẩn rủi ro, tuy không còn đáng kể, của việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ trong bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh.
|
Cát Lam - Khang Di
FILI
|