Góc nhìn đầu tư 2020: Ngành cấp nước
Ngành này hiện đang được coi là “vịnh tránh bão” cho giới đầu tư Việt Nam. Doanh thu ổn định, tỷ suất lợi nhuận gộp biên cao và cổ tức tiền mặt đều đặn đã tạo nên sức hút to lớn cho ngành này.
Nhà máy nước Hồ Đá Đen. Nguồn: BWS
Triển vọng kinh tế Việt Nam
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng diễn biến phức tạp khi mà Mỹ liên tục áp thuế và đưa ra các chính sách bất lợi với Trung Quốc. Điều này làm cho các tập đoàn lớn lo lắng và nhanh chóng tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng của họ theo hướng giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của các tập đoàn đa quốc gia. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 11 tháng đầu năm 2019 ước tính tăng 9.3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 10.6%.
Việt Nam có 327 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên đạt xấp xỉ 96.1 nghìn ha; trong đó đất công nghiệp có diện tích 65.7 nghìn ha và chiếm 68.4%. Với 256 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, nhu cầu đối với việc sử dụng nước sạch là rất lớn. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động đạt gần 75%.
Ngành cấp nước có lợi thế gì?
Nhu cầu nước sạch đang gia tăng trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh. Ngành cấp nước là ngành tiện ích thiết yếu, cung cấp nước sạch cho người dân và các doanh nghiệp chính vì vậy có tính ổn định cao.
Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn chỉ đạt 75%. Đây là những cơ hội lớn cũng như dư địa lớn cho việc tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành cấp nước.
Hoạt động kinh doanh của các công ty cấp nước khá ổn định, các chỉ số sinh lợi tốt và cổ tức đều đặn hàng năm. Điều này giúp cổ phiếu của chúng không chỉ thu hút các nhà đầu tư tổ chức mà còn hấp dẫn một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư cá nhân.
Các công ty tốt nhất đang tập trung ở đâu?
Một đặc điểm dễ nhận thấy là những mã cổ phiếu có cấu trúc tài chính an toàn, vốn hóa lớn và sinh lời tốt tập trung hầu hết ở Bình Dương (TDM, BWE) và Bà Rịa - Vũng Tàu (BWS).
Nguồn: VietstockFinance
Lưu ý: Những doanh nghiệp được thể hiện bằng bong bóng màu cam như BWE, BWS, TDM và PMW là những doanh nghiệp có tỷ lệ thất thoát nước dưới 10%. Các doanh nghiệp còn lại được thể hiện bằng bong bóng màu xanh.
VCW - Tai tiếng làm nên tên tuổi
Ngoài những triển vọng tốt của ngành nước, những “con sâu làm rầu nồi canh” luôn tạo ra những tai tiếng không đáng có và gây ảnh hưởng lên ngành này. VCW là ví dụ tiêu biểu cho điều này.
CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (UPCoM: VCW) hiện là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm ba quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và một số đơn vị nằm dọc hệ thống truyền tải nước Đại lộ Thăng Long. VCW có lợi thế rất lớn bởi đường nước mặt Sông Đà được đánh giá là ổn định và dễ khai thác hơn so với nhiều sông khác. Trong khi đó, khu vực cung cấp nước đều là những nơi đông người với nhu cầu gia tăng liên tục qua các năm.
Nhưng trái ngược với những lợi thế đang nhận được, doanh nghiệp này lại có lịch sử đầy những tai tiếng. Cụ thể, giai đoạn 2012-2017, VCW lao đao khi đường ống nước sông Đà vỡ tới 21 lần, ảnh hưởng cuộc sống của rất nhiều hộ dân ở Hà Nội khiến ban lãnh đạo của VCW và một số lãnh đạo trực thuộc các công ty của Vinaconex bị truy tố.
Ngày 8/10/2019, hàng tấn dầu thải bị phát hiện đổ trộm vào đầu nguồn nước Nhà máy nước sông Đà của VCW tại Hòa Bình. Ban lãnh đạo VCW không thông báo cho chính quyền ngay khi sự cố xảy ra và cũng không có thông tin tới người dân mà tiếp tục cấp nước khi biết rằng nước có thể nhiễm hóa chất. Đây chính là yếu tố gây bức xúc cho người dân trong thời gian qua. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp. Sự phẫn nộ của xã hội là yếu tố khiến cho VCW phần nào trở nên kém hấp dẫn trong con mắt của giới đầu tư bất chấp các con số trên báo cáo tài chính là khá ấn tượng. Theo quan điểm của người viết nhà đầu tư nên bỏ qua VCW.
Công nhân khắc phục sự cố đường ống nước sạch sông Đà bị rò rỉ. Nguồn: Thanh Niên
TDM - Nước lên thuyền lên
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tình Bình Dương tăng 9.3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó mảng cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải tăng 9.84%. Trong vòng 10 tháng đầu năm, Bình Dương đã thu hút 2,044 triệu USD, tăng 67.3% so với cùng kỳ.
Nhờ vào các chính sách mở cửa thúc đẩy phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, Bình Dương trở thành một địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Hiện nay, Bình Dương có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 10,000 ha với khoảng 1,500 doanh nghiệp đang hoạt động. Bình Dương hiện cũng nằm trong top 2 các địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước (chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh).
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương
CTCP Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM) được hưởng lợi lớn từ sự phát triển chung của tình Bình Dương. TDM đã phát hành 14.5 triệu cổ phiếu để tăng vốn trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó có 9.5 triệu cổ phiếu chào bán công khai ra công chúng qua hình thức đấu giá và 5 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư.
Tổng số tiền huy động được dự kiến 265 tỷ đồng dùng để nâng công suất sản xuất nước sạch của Nhà máy Dĩ An từ 100.000m3/ngày đêm lên 200.000m3/ngày đêm và bổ sung vốn lưu động. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho TDM trong tương lai.
Vùng giá 23,000-25,500 sẽ là khá hấp dẫn để mua vào tích lũy cho mục tiêu đầu tư dài hạn.
Nguồn: TDM và UBND Tỉnh Bình Dương
BWS - ROE cao nhất trong ngành
Nếu so với các tỉnh thành trong cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương hội tụ đầy đủ nhất những thế mạnh của ngành kinh tế biển. Ngoài vai trò là trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu còn là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Nam Bộ với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải hiện đại nhất hiện nay.
Theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, trong 10 tháng năm 2019, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 544 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), trong đó, khối lượng hàng hóa container đạt gần 16 triệu TEUs. So với cùng kỳ năm 2018, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng 12%, lượng container thực hiện tăng khoảng 6%. Đây cũng là một động lực đáng kể thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trừ dầu khí năm 2019 dự kiến tăng khoảng 7.65% so với năm 2018. Trong đó, sản xuất công nghiệp là ngành góp phần quyết định chính vào tăng trưởng GRDP.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 10/15 khu công nghiệp của tỉnh này đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 75%, tăng gần 20% so với thời điểm đầu năm 2018.
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
CTCP Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu (UPCoM: BWS) hiện đang quản lý 6 nhà máy sản xuất nước lớn nhỏ với tổng công suất 180,000m3/ngày cung cấp cho hơn 166,000 khách hàng trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện BWS sở hữu nhà máy nước Hồ Đá Đen có quy mô lớn nhất tỉnh và dự kiến sẽ nâng công suất nhà máy này lên 225,000m3/ngày.
BWS là công ty dẫn đầu về ROE trong ngành cấp nước. Tiềm năng phát triển của BWS được đánh giá cao khi Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, mục tiêu của chương trình phát triển đô thị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đến năm 2020 toàn tỉnh có 12 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh dự kiến khoảng 60%. Đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có 14 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa dự kiến khoảng 70%. Điều này giúp cho khả năng tăng trưởng ngành cấp nước của tỉnh càng được củng cố.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của BWS trong giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng rất tốt. So với ROE trung bình ngành cấp nước là 17.46% thì ROE của BWS cao hơn 1.5 lần. Vì vậy, đây là cổ phiếu đáng để chú ý. Việc bắt đáy khi giá rơi xuống dưới mức 30,000 được giới phân tích ủng hộ mạnh mẽ.
Nguồn: VietstockFinance
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|