MML - Sẽ trở thành “Vinamilk của ngành thịt”?
Với thị trường thịt lợn trị giá khoảng 10 tỷ USD, CTCP Masan MeatLife (UPCoM: MML) có triển vọng phát triển rất lớn. Kết quả định giá cho thấy mức 80,000 không phải là quá đắt so với tiềm năng của doanh nghiệp.
TGĐ Phạm Trung Lâm của MML nhận giải thưởng Tin và Dùng năm 2019. Nguồn: FILI
MML là một thành viên của Tập đoàn Masan (HOSE: MSN). Công ty này được thành lập năm 2011 với tên gọi Công ty TNHH MTV Hoa Kim Ngân. Tháng 4/2015, MSN thực hiện mua lại đơn vị này và đổi tên thành Masan Nutri-Science. Mới đây vào 7/2019, Công ty này đổi tên thành Masan MEATLife và đặt trọng tâm vào ngành thịt.
Nhiều nhà đầu tư cảm thấy khá bối rối trước mức giá tham chiếu 80,000 đồng/cp của MML khi giao dịch lần đầu trên sàn UPCoM. So sánh một cách cảm tính thì mức này có vẻ cao hơn khá nhiều so với các cổ phiếu cùng lĩnh vực như CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC), CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (UPCoM: VSN)… Câu hỏi đặt ra là mức giá trên có thực sự cao khi xét đến triển vọng tăng trưởng to lớn của doanh nghiệp trong tương lai hay không?
Tham vọng trở thành “Vinamilk của ngành thịt”
Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, dân số thành thị ở Việt Nam sẽ vượt mức 35 triệu vào năm 2020. Dân số thành thị dự kiến đạt khoảng 56 triệu người và chiếm gần 50% tổng dân số vào năm 2050.
Lối sống của cư dân đô thị hiện đại và bận rộn hơn trước sẽ thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm tươi sống có chất lượng và an toàn với giá cả hợp lý.
Nguồn: Liên Hiệp Quốc và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD - Organization for Economic Co-operation and Development) cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có lượng thịt lợn tiêu thụ trên đầu người cao hàng đầu thế giới. Thị trường thịt lợn sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 20% trong giai đoạn 2019-2025.
Dù thị trường thịt đang tăng trưởng nhanh nhưng lại tồn tại rất nhiều nghịch lý. Ông Phạm Trung Lâm, Tổng Giám đốc của MML cho biết: “Thị trường thịt heo của chúng ta hiện nay rất giống với thị trường sữa cách đây 20 năm, khi cùng tồn tại những nghịch lý lớn là không có tiêu chuẩn, hầu hết sản phẩm không có thương hiệu, không có người dẫn đầu thay đổi thị trường. Trong vòng 20 năm, thị trường sữa đã tăng trưởng gần 4 lần, một doanh nghiệp nội địa vươn lên chiếm hơn 50% thị phần. Còn thị trường thịt hiện nay có giá trị hơn 10 tỷ USD, lớn gấp 2.5 lần thị trường sữa, nhưng tới 99% sản phẩm không có thương hiệu. Chúng tôi nhận định đây là thời cơ rất lớn để mở rộng quy mô, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm thịt chất lượng cao, giá cả hợp lý, đồng thời đón đầu xu hướng tiêu dùng để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần vô cùng tiềm năng".
Nguồn: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)
Cách làm của MML giúp giảm được chi phí trung gian so với chuỗi giá trị truyền thống do không qua khâu thương lái lợn sống và thương lái thịt lợn. Qua đó có thể cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng với mức giá cả hợp lý nhất.
Mặt khác, mô hình 3F (Feed - Farm - Food) cũng góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm trong những năm gần đây cùng với ô nhiễm môi trường, kẹt xe…
Nguồn: MML và Hội Chăn Nuôi Việt Nam
Thương vụ VinEco và VinCommerce tạo đà tăng trưởng cho MML
Sự thực thì MSN và MML đã tiến hành M&A hoặc góp vốn vào rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, thương vụ mua lại VinEco và VinCommerce (sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+) từ Tập đoàn VINGROUP - CTCP (HOSE: VIC) công bố vào đầu tháng 12/2019 có sức nặng lớn nhất. Việc VIC chuyển hướng, nhường lại mảng bán lẻ và sản xuất nông nghiệp sạch cho MSN là một điều tất yếu. Đây là cách để VIC tránh đầu tư dàn trải và tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi của mình.
Mặt khác, so với đối thủ chính là Bách Hoá Xanh thì VinMart và VinMart+ đang có phần kém hơn ở mảng cung cấp ngành hàng tươi sống. Tuy nhiên, khi MSN tham gia vào thì cuộc chơi sẽ khác hoàn toàn do tập đoàn này hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng ở Việt Nam.
Đối với MSN, thương vụ này giúp gia tăng sức mạnh và củng cố vị thế của tập đoàn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Theo giới phân tích, đây sẽ là cú hích tăng trưởng cho MSN nói chung và MML nói riêng trong những năm tới.
Về mục tiêu trong 5 năm tới, MML định hướng trở thành doanh nghiệp đứng đầu về sản phẩm thịt mát đóng gói có thương hiệu tại Việt Nam, chiếm 10% thị phần thịt lợn toàn quốc, phát triển trên 5,000 điểm bán. Nếu là thời điểm trước đây thì người viết sẽ cho rằng mục tiêu này không thực tế. Tuy nhiên, với thương vụ mua lại VinEco và VinCommerce từ VIC thì mục tiêu đầy tham vọng mà ban lãnh đạo MSN đặt ra cho MML đang trở nên khả thi.
Một góc của siêu thị VinMart.
Định giá cổ phiếu và chiến lược đầu tư
MML đang nằm ở top đầu trong lĩnh vực chế biến thịt ở Việt Nam. Vì vậy, nếu chỉ sử dụng các cổ phiếu nội địa đang giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM làm mẫu so sánh ngang để định giá MML sẽ không được hợp lý và toàn diện.
Người viết sử dụng thêm các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới có mức vốn hóa thị trường bằng hoặc lớn hơn MML để làm cơ sở tính giá trị hợp lý của cổ phiếu. Để đảm bảo tính phù hợp, các doanh nghiệp được chọn từ các quốc gia nằm trong khu vực Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan…).
Nguồn: Investing.com, TradingView và VietstockFinance
Mức định giá lý thuyết của MML là 97,689 đồng. Kết quả định giá cao hơn so với mức giá tham chiếu 80,000 của MML. Tuy nhiên, người viết cho rắng các nhà đầu tư cũng không cần phải vội vã mua ngay.
Bài học từ những cổ phiếu đầu ngành niêm yết trong những năm gần đây như CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HOSE: TCB), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW)… cho cộng đồng đầu tư Việt Nam những kinh nghiệm quý giá.
Việc chờ đợi khoảng vài tháng để giá cổ phiếu có thời gian “làm quen” với thị trường là cần thiết. Khi đó, nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn và có thể tránh được nguy cơ bị “mua hớ” như các trường hợp tương tự trong quá khứ.
Nếu giá cổ phiếu MML rơi xuống dưới mức 70,000 (chiết khấu khoảng 30% so với mức định giá lý thuyết) thì sẽ là cơ hội rất hấp dẫn để đầu tư dài hạn.
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|