Giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc ảnh hưởng thế nào đến các nhà băng?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây bất ngờ giảm 0.4% lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc (DTBB) bằng VNĐ, đánh đầu lần điều chỉnh đầu tiên trong vòng 14 năm qua. Động thái này có ý nghĩa gì và sẽ ảnh hưởng thế nào lên hoạt động của các ngân hàng?
Động thái trái kỳ vọng
Theo Quyết định 1716/QĐ-NHNN ban hành vào năm 2005, lãi suất đối với tiền gửi DTBB bằng VNĐ ở mức 1.2%/năm. Mức này đã tồn tại suốt 14 năm qua, trước khi NHNN ban hành quyết định 2497/QĐ-NHNN vào ngày 29/11 vừa qua giảm xuống chỉ còn 0.8%/năm.
Đây được xem là động thái bất ngờ vì trong bối cảnh nhiều người đang kỳ vọng nhà điều hành có thể xem xét giảm tỷ lệ DTBB như là động thái tiếp theo trong lộ trình nới lỏng tiền tệ, thì tỷ lệ DTBB không những không giảm mà ngược lại lãi suất trả cho lượng tiền dự trữ này lại đột ngột bị giảm xuống.
Về cơ bản, khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, theo quy định ngân hàng phải giữ một tỷ lệ tiền mặt bắt buộc trên tổng tiền gửi tại ngân hàng trung ương (NHTƯ) để đảm bảo thanh khoản. Hiện tại tỷ lệ DTBB VNĐ đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3%, tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1%, trong khi ngoại tệ tương ứng là 8% và 6%. Bằng cách thay đổi tỷ lệ DTBB, NHTƯ có thể thay đổi số nhân tiền để điều tiết cung tiền, theo đó nếu giảm nghĩa là có khuynh hướng nới lỏng, ngược lại tăng sẽ là thắt chặt.
Với lượng tiền gửi DTBB để tại NHNN, các TCTD cũng được trả lãi suất theo quy định, với mức 0.8% là theo quy định mới nhất như đã nói. Đối với lượng tiền vượt DTBB, trong khi một số quốc gia có thể vẫn trả lãi, thì tại Việt Nam lãi suất cho mức vượt này là 0%. Cần biết rằng trái với tỷ lệ DTBB, nếu lãi suất cho tiền gửi DTBB giảm đồng nghĩa với lượng tiền lãi các NHTM nhận được cũng sẽ giảm, do đó đây được cho là động thái có khuynh hướng thắt chặt.
Để dễ hình dung, giả sử một ngân hàng có số dư huy động vốn là 100 đồng bằng VNĐ và có kỳ hạn dưới 12 tháng, ngân hàng này phải để 3 đồng tại NHNN (theo tỷ lệ quy định 3%). Nếu trước đây ngân hàng nhận được tiền lãi là 0.036 đồng, thì nay chỉ còn được trả lãi 0.024 đồng (bằng 0.8% x 3 đồng), tức lượng tiền rót trở lại cho ngân hàng đã giảm 0.012 đồng, do đó cũng làm giảm nguồn lực cho hoạt động kinh doanh dù không thật sự đáng kể. Trong trường hợp ngân hàng thừa vốn nên để 5 đồng tại NHNN thì vẫn chỉ nhận được tiền lãi 0.024 đồng tính trên 3 đồng DTBB, 2 đồng còn lại được áp dụng lãi suất 0%.
Nhìn rộng ra cho toàn hệ thống, với số dư tiền gửi của toàn ngành tính đến cuối tháng 9 là hơn 8.4 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn tại các nhà băng hiện nay ở khoảng 70%, trung dài hạn là 30%, thì lượng tiền gửi DTBB nằm tại NHNN xấp xỉ 200 ngàn tỷ đồng. Với mức giảm 0.4% của lãi suất tiền gửi DTBB vừa qua, các ngân hàng sẽ bị thiệt hại 800 tỷ đồng/năm, đồng nghĩa với việc hệ thống đã mất đi 800 tỷ để có thể đem cho vay ra nền kinh tế.
Quyết định mâu thuẫn?
Như đã nói, trong khi thị trường chờ đợi một động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế, nhất là nhìn vào hàng loạt động thái nới lỏng gần đây của NHNN, từ giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi và cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất OMO, thì việc giảm lãi suất tiền gửi DTBB dường như đi ngược lại với các chính sách nới lỏng thời gian qua, theo đó một số ý kiến cho rằng nhà điều hành dường như đang có những hành động mâu thuẫn.
Cần lưu ý rằng mức giảm 0.4% lãi suất tiền gửi DTBB cũng gần bằng với mức giảm 0.5% trần lãi suất tiền gửi, trong khi mức quy định mới ở 0.8% là bằng với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn theo quy định trần lãi suất mới đây. |
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách đơn giản, có thể hiểu rằng việc giảm lãi suất tiền gửi DTBB là nhằm để nhất quán với quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi vừa qua. Cụ thể, khi lãi suất tiền gửi của các ngân hàng giảm trong đợt vừa rồi, giúp chi phí vốn giảm xuống, thì việc giảm lãi suất DTBB được xem là để giảm lãi suất đầu ra tương ứng của các ngân hàng. Cần lưu ý rằng mức giảm 0.4% lãi suất tiền gửi DTBB cũng gần bằng với mức giảm 0.5% trần lãi suất tiền gửi, trong khi mức quy định mới ở 0.8% là bằng với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn theo quy định trần lãi suất mới đây.
Ngoài ra, với trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng đang ở mức 5%, kỳ hạn từ 6-12 tháng tại các ngân hàng phổ biến từ trên 5% đến 7%, từ 12 tháng trở lên ở mức 7% - 8%, thì rõ ràng với lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc giảm từ 1.2% xuống 0.8%, các ngân hàng sẽ tăng mức lỗ đối với lượng tiền gửi DTBB. Trong khi đó, với những ngân hàng nào có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao, đồng thời lãi suất không kỳ hạn thấp hơn mức 0.8% thì có thể “gỡ gạc” lại phần nào.
Từ góc nhìn này, không loại trừ khả năng việc giảm lãi suất tiền gửi DTBB còn nhằm khuyến khích các ngân hàng phải tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn, theo đó không chỉ tìm kiếm thêm các nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp, mà còn có thể giảm thêm lãi suất tiền gửi đầu vào để hạn chế thiệt hại từ việc giảm lãi suất tiền gửi DTBB. Biết đâu đấy sẽ có những ngân hàng lấy lý do lãi suất tiền gửi DTBB mới giảm để giảm thêm lãi suất tiền gửi đầu vào, nhằm hạn chế mức lỗ đối với lượng tiền gửi DTBB.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có quyền kỳ vọng kịch bản giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể theo sau động thái giảm lãi suất tiền gửi DTBB, nhất là khi tỷ lệ này đã được giữ yên trong suốt hơn 10 năm qua, từ ngày 01/3/2009 cho đến nay. Trong khi đó, Trung Quốc gần đây cũng liên tiếp giảm tỷ lệ DTBB với 3 lần giảm trong năm nay và lên đến 7 lần trong 2 năm qua, do đó Việt Nam cũng có thể hành động tương tự để tăng cường chính sách nới lỏng, hỗ trợ nền kinh tế và giá trị tiền đồng theo hướng kích thích xuất khẩu. Thực tế NHTƯ của một số quốc gia như các nước thuộc Anh, Thụy Sĩ,... đã không còn áp dụng quy định tỷ lệ dữ trữ bắt buộc nữa.
Phan Thụy
FILI
|