Dự án khu dân cư Cồn Tân Lập - Nha Trang: Tỉnh ưu ái giao 'đất vàng' cho chủ đầu tư
Một phần của dự án chỉnh trang đô thị đã biến thành dự án bất động sản, giao doanh nghiệp mà không thông qua đấu giá. Doanh nghiệp không có năng lực tài chính, trả dự án, sau đó lại được tỉnh ưu ái cho làm chủ đầu tư để rồi liên tục sai phạm.
* Khởi tố, bắt tạm giam nguyên tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà Nha Trang
* Công an đang khám xét trụ sở Công ty Sông Đà Nha Trang
Dự án khu dân cư Cồn Tân Lập vẫn ngổn ngang giữa lòng Nha Trang sau 10 năm được giao cho liên danh Sông Đà Thăng Long - Sông Đà Nha Trang - Ảnh: SỞ LUÂN
|
Chiều 24-12, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Chí Uy (43 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà Nha Trang - chủ đầu tư dự án khu dân cư Cồn Tân Lập, P.Xương Huân, Nha Trang) để điều tra tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đất chỉnh trang đô thị thành đất thương mại
Đó chính là hậu quả để lại của dự án khu dân cư Cồn Tân Lập bởi quá trình triển khai thực hiện dự án cho thấy có nhiều bất thường. Theo tài liệu, cuối năm 2002, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án chỉnh trang đô thị và tái định cư dân hai bên bờ sông Cái, Nha Trang.
Dự án với mục tiêu xây dựng kè, đường hai bên bờ sông để chỉnh trang đô thị, xây dựng 5 khu tái định cư tại chỗ cho dân trong khu vực và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Kế hoạch của Khánh Hòa là xây từng khu tái định cư, dời dân vào ở rồi tiếp tục giải tỏa xây khu tái định cư khác. Dự án được chia thành 3 gói thầu để đấu thầu công khai. Trong đó, khu tái định cư Cồn Tân Lập ở bờ hữu sông Cái, gần cửa sông đổ ra vịnh, sát đường Trần Phú, là gói thầu số 2.
Tỉnh Khánh Hòa giao Ban quản lý dự án các công trình trọng điểm tỉnh làm chủ đầu tư dự án. Tháng 5-2003, Thủ tướng có văn bản đồng ý để Khánh Hòa thực hiện dự án trên với yêu cầu "quỹ đất và khu tái định cư cần đảm bảo yêu cầu ổn định đời sống và sản xuất của các hộ dân tái định cư trước mắt và lâu dài".
Tuy nhiên, cuối năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hòa cho Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm nhà đầu tư dự án khu dân cư Cồn Tân Lập trên diện tích quy hoạch của khu tái định cư Cồn Tân Lập. Chỉ 7 tháng sau đó, tỉnh Khánh Hòa lại thu hồi chủ trương nêu trên vì doanh nghiệp này xin "rút" do gặp khó khăn về vốn.
Bất ngờ là khoảng 1 năm sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa lại tái chấp thuận chủ trương để Công ty CP Sông Đà Thăng Long liên danh cùng Công ty CP Sông Đà Nha Trang (cũng do người của Sông Đà Thăng Long lập và điều hành) được trở lại làm nhà đầu tư dự án khu dân cư Cồn Tân Lập.
Tỉnh chấp thuận để liên danh nhà đầu tư trên triển khai dự án với diện tích hơn 7,9ha, tổng mức đầu tư hơn 2.718 tỉ đồng, đến cuối năm 2013 hoàn thành.
Dự án trên xây dựng khu dân cư hiện đại với 2 lô đất thương mại sát đường Trần Phú, 5 tòa chung cư cao tầng và 4 khu nhà ở biệt thự, liền kề để bán. Tỉnh Khánh Hòa cũng quyết định giải tỏa 831 hộ (686 hộ giải tỏa trắng) để lấy đất giao và cho nhà đầu tư thuê dài hạn theo hình thức thu tiền sử dụng đất mà không tổ chức đấu giá.
"Nếu Nhà nước lấy đất của chúng tôi, là đất vàng ngay trung tâm đô thị, để chỉnh trang vì mục đích công cộng, để dân tái định cư tại chỗ thì dân chấp nhận. Nhưng không thể chịu đựng nổi khi chúng tôi bị thu hồi đất, giá đền bù chỉ 1,7-3 triệu đồng/m2, sau đó giao cho doanh nghiệp làm dự án bất động sản, bán giá cao gấp cả mấy chục lần.
Đất của mình bỗng dưng bị lấy để người khác xây nhà, còn mình bị đẩy về những khu tái định cư xa xôi, khó khăn, không phù hợp với nghề làm biển, ai không uất ức! Dự án đã thay đổi hoàn toàn bản chất với dự án ban đầu và trái hẳn với chỉ đạo của Thủ tướng khi đồng ý để Khánh Hòa làm dự án chỉnh trang đô thị ven sông Cái" - ông Nguyễn Văn Hùng, người dân bị giải tỏa làm dự án, bức xúc.
Gây hậu quả rất lớn
Được UBND tỉnh Khánh Hòa ưu ái giao dự án với những khu "đất vàng" nhưng liên danh nhà đầu tư Công ty CP Sông Đà Thăng Long - Công ty CP Sông Đà Nha Trang (do Sông Đà Nha Trang làm đại diện) không triển khai dự án đúng tiến độ mà tiến hành... cắt bán dần dần.
Cụ thể, năm 2014, nhà đầu tư này chuyển nhượng quyền thuê lô đất TM2 (gần 6.000m2 ở sát cầu Trần Phú, nơi mà dự án ban đầu năm 2003 quy hoạch là công viên cây xanh) để Tập đoàn Mường Thanh xây dựng cao ốc Mường Thanh Khánh Hòa.
Tiếp sau đó, năm 2017, nhà đầu tư này lại chuyển nhượng lô đất TM1 quy hoạch xây dựng công trình thương mại dịch vụ cao 6 tầng cho Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang. Năm 2018, Sông Đà Nha Trang tiếp tục bán 3 lô đất HH1, HH2 và HH3 quy hoạch hỗn hợp - nhà dịch vụ, thương mại, chung cư có tổng diện tích hơn 1,1ha cho một công ty tại TP.HCM. UBND tỉnh Khánh Hòa đều đồng ý cho nhà đầu tư chuyển nhượng các khu đất trên.
Riêng phần diện tích được quy hoạch để xây các khu biệt thự, nhà để bán, từ năm 2014 Công ty CP Sông Đà Thăng Long - Công ty CP Sông Đà Nha Trang đã tự ý phân lô bán nền dưới dạng "hợp đồng góp vốn đầu tư".
"Việc chủ đầu tư huy động vốn khi dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh là trái quy định pháp luật" - một lãnh đạo Sở Xây dựng Khánh Hòa cho hay. Đặc biệt hơn, đã xảy ra một số trường hợp nhà đầu tư bán 1 lô đất cho 2 khách hàng, dẫn đến khiếu kiện liên tục.
Dự án dù được gia hạn nhiều lần và điểm cuối là năm 2020 phải hoàn thành toàn bộ, tuy nhiên đến nay vẫn còn là mảnh đất trống hoang tàn. Trong khi đó, chủ đầu tư lại liên tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 (hiện nay đang thực hiện lần điều chỉnh thứ 9).
Ông Lê Văn Dẽ - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa - cho biết phát hiện trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch lần này có nhiều lô đất bị nhà đầu tư điều chỉnh "bóp nhỏ" lại để tăng số lượng lô đất.
Lại có trường hợp lấy đất quy hoạch cây xanh làm đất ở nên sở này và các cơ quan chức năng liên quan đã trả lại cho Công ty CP Sông Đà Nha Trang để làm lại điều chỉnh quy hoạch, đến nay vẫn chưa thấy nộp lại. Cả tháng qua, những khách hàng mua đất ở tại khu dân cư Cồn Tân Lập liên tục căng băngrôn phản đối việc nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch gây thiệt hại cho họ...
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa xác định những vi phạm của nhà đầu tư "gây hậu quả rất lớn" nên quyết định khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hôm 11-12. Tiếp đó, ngày 24-12 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Chí Uy và đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Không đấu thầu, đấu giá là sai luật, gây thất thoát
Ông Phạm Văn Chi - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho rằng việc UBND tỉnh Khánh Hòa giao nhà đầu tư làm dự án mà không tổ chức đấu thầu, giao "đất vàng" cho nhà đầu tư làm dự án bất động sản mà không đấu giá là trái quy định pháp luật, gây thất thoát cho Nhà nước.
Bà Phạm Thúy Quỳnh - đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa - cũng đề nghị phải xem xét lại năng lực của nhà đầu tư nêu trên khi chỉ bán dự án sai quy định mà không thực hiện đúng tiến độ, chức năng dự án đã được phê duyệt.
|
DUY THANH
Tuổi trẻ