Chủ tịch Lê Viết Hải (HBC): 7 giải pháp để phát triển ngành xây dựng Việt Nam
Trong chương trình kỷ niệm 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ ngày 26/12, ông Lê Viết Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) đã có những lời chia sẻ tâm huyết về phát triển ngành xây dựng Việt Nam với mong muốn để ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Hơn 30 năm nhìn lại, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vuợt bật mang tính đột phá. Sự phát triển thần kỳ đó đã xảy ra trong một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt mà chúng ta không thể tìm thấy ở một quốc gia nào khác.
Theo Chủ tịch Lê Viết Hải, ngành xây dựng Việt Nam đã phát triển bùng nổ khi đất nước bước sang thời kỳ “Đổi Mới”. Bù đắp cho sự thiếu hụt trầm trọng các công trình kiến trúc và cơ sở hạ tầng trong thời gian quá dài lên đến 40 năm là hàng ngàn dự án hiện đại được xây mới với tốc độ chóng mặt bởi rất nhiều nhà thầu quốc tế mà đối tác là những nhà thầu nội. Ngành xây dựng Việt Nam nói chung và Tập đoàn xây dựng Hòa Bình nói riêng qua đó đã được học hỏi từ những chuyên gia, những nhà thầu hàng đầu đến từ nhiều châu lục bao gồm cả Á, Âu, Mỹ, Úc. Từ vai thầu phụ chuyển sang đối tác liên danh và nay đã rất thành công trong vị trí tổng thầu nhiều công trình qui mô lớn có yêu cầu kỹ mỹ thuật cao.
Và chỉ trong một thời gian ngắn, ngành xây dựng đã tạo nên một năng lực cạnh tranh vượt trội.
Chủ tịch Lê Viết Hải tin rằng việc phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn là phương cách hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, đảm bảo có được cơ hội để tiếp thu và tích hợp kịp thời tinh hoa của cả thế giới. Đây là một yếu tố quan trọng mang tính chiến lược giúp Việt Nam luôn đủ mạnh để bảo vệ được thị trường nội địa.
“Chúng ta vẫn còn nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua: Những dự án quy mô lớn đòi hỏi kỹ-mỹ thuật cao như nhà cao tầng, cầu dây văng, hầm đường bộ, nhà ga sân bay quốc tế... vài năm trước đây là thị trường của nhà thầu ngoại. Nếu bây giờ doanh nghiệp xây dựng chúng ta không tích cực và chủ động ra ngoài học hỏi để luôn có sự tiến bộ kịp với thế giới thì tình trạng ‘Dự án siêu sao chê nhà thầu nội’ có thể sẽ lặp lại trong tương lai”, ông Hải nhấn mạnh.
Phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn giúp cung cấp việc làm ổn định hơn cho lực lượng lao động trong ngành xây dựng khi thị trường trong nước bão hoà hoặc có biến động.
Theo Học viện Cán bộ và Quản lý thuộc Bộ Xây dựng thì tính trên đầu người, nhân lực trong ngành xây dựng của Việt Nam là cao nhất trên thế giới. Riêng số lượng kỹ sư, chuyên gia cao gấp 4 lần so với mức bình quân của các nước phát triển khác. “Đây là một lợi thế nếu chú ý khai thác nhưng cũng là rủi ro nếu chậm trễ trong kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế để đảm bảo việc làm cho nguồn nhân lực lớn này về lâu dài”.
Hòa Bình nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp xây dựng trong việc thực hiện chiến lược này và sẽ mang mọi nỗ lực để cùng Chính phủ, cùng các đồng nghiệp và kêu gọi các chuỗi cung ứng nhanh chóng đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, góp phần giúp đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình trước khi giai đoạn dân số vàng qua đi (dự báo vào khoảng năm 2030). Như vậy chúng ta chỉ có 10 năm cho sự bứt phá này. Quả là một thử thách rất lớn đòi hỏi sự quyết tâm và hợp lực của tất cả chúng ta.
“Tôi xin nhấn mạnh mục tiêu của chúng ta là xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp tức là tổng thầu xây dựng chứ không phải là xuất khẩu lao động xây dựng. Cạnh tranh không chỉ về giá mà còn về sự vượt trội trong ứng dụng những thành tựu mới nhất trong công nghệ và quản trị”, Chủ tịch Lê Viết Hải nói thêm.
Và để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ngành xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Lê Viết Hải đưa ra bảy giải pháp bằng văn bản để Chính phủ nghiên cứu và sớm ban hành qui định về một số cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp xây dựng phát triển ra thị trường quốc tế.
Thứ nhất, đối với những dự án quy mô lớn (như dự án đường cao tốc và đường sắt Bắc - Nam, dự án tàu điện ngầm thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dự án sân bay quốc tế Long Thành...) nên chia nhiều giai đoạn với các gói thầu không quá lớn.
Điều kiện đấu thầu quốc tế nên có quy định nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước theo tỷ lệ tham gia của nhà thầu trong nước tối thiểu là 35% và hình thức liên danh là bình đẳng, cùng quản lý điều phối toàn dự án chứ không theo mô hình phân chia hạng mục công việc, hạng mục công trình, hoặc thầu chính - thầu phụ. Lợi ích đạt được là Chính phủ giảm được gánh nặng về vốn khi thực hiện một gói thầu quá lớn, công trình không bị lãng phí khi chưa đủ điều kiện khai thác hết công suất của dự án trong khi đó chúng ta có cơ hội cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ để áp dụng cho các giai đoạn dự án về sau.
Và quan trọng nhất là doanh nghiệp xây dựng trong nước có cơ hội học hỏi để có thể làm chủ công nghệ ngay sau khi được cùng quản lý điều phối dự án với nhà thầu nước ngoài ở gói thầu đầu tiên. Từ đó, nhà thầu trong nước có đủ khả năng làm tổng thầu để triển khai tiếp các gói thầu còn lại mà không phụ thuộc vào nhà thầu ngoại với cái giá phải trả nhiều khi lên đến gấp đôi gấp ba.
Thứ hai, giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoặc một cơ quan chuyên trách ở trong nước kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (các tòa đại sứ, tổng lãnh sự, các tham tán kinh tế, tham tán thương mại, đại diện các tổ chức phi chính phủ...) để thu thập thông tin về thị trường xây dựng ở những nước có tiềm năng và điều kiện thuận lợi, qua đó cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng trong nước nhanh chóng tiếp cận các thị trường này.
Thứ ba, khi đàm phán hoặc tái ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, Chính phủ nên quan tâm đưa vào điều khoản của hiệp định cho phép doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước ngoài khác cũng như bình đẳng với doanh nghiệp xây dựng ở nước sở tại. Đồng thời, hiệp định cũng nên có điều khoản công nhận bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành được cấp bởi các tổ chức giáo dục đào tạo chính quy của Việt Nam. Song song đó chương trình đào tạo của chúng ta cần đảm bảo phù hợp với chuẩn quốc tế.
Một điều khoản nên quan tâm nữa đó là doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu lao động, vật tư và phương tiện thi công khi đưa vào nước sở tại. Hiệp định cũng cần có điều khoản tránh đánh thuế hai lần đối với doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.
Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam về các thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước thục hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài của Nhà nước như toà đại sứ, toà tổng lãnh sự... Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân giao dự án đầu tư ở nước ngoài cho doanh nghiệp xây dựng trong nước. Sớm thành lập hiệp hội nhà thầu Việt Nam ở Hải ngoại để tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Song song đó khuyến khích thành lập hiệp hội những nhà xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ của các chuỗi cung ứng để tăng cường mối quan hệ hợp tác với nhau.
Thứ năm, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển bằng nhiều hình thức như cho doanh nghiệp xây dựng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, áp dụng các chế độ ưu đãi cho ngành xây dựng như các ngành công nghệ cao khác. Bên cạnh đó, nên có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký bằng sáng chế ở trong nước cũng như quốc tế, rút ngắn qui trình cấp bằng sáng chế cho những phát minh kỹ thuật công nghệ mới trong xây dựng để mở rộng ứng dụng và bảo vệ tài sản trí tuệ của chúng ta, đảm bảo năng lực cạnh tranh lâu dài, bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam.
Thứ sáu, có chính sách phù hợp để tạo thêm động lực cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển theo hướng chuyên môn hoá cao về từng loại công trình, từng hạng mục công tác để tạo nên những doanh nghiệp xây dựng có đẳng cấp quốc tế trong từng loại công trình, từng hạng mục công tác chuyên môn. Như vậy, chắc chắn nguồn lực chuyên môn sẽ được tập trung đúng chỗ và năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ được nâng lên khi chúng ta hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuối cùng, xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển ngành xây dựng Việt Nam và truyền thông rộng rãi về chính sách khuyến khích phát triển toàn diện ngành xây dựng cùng các chuỗi cung ứng với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Không chỉ những người chủ doanh nghiệp các ngành sản xuất công nghiệp mà cả chủ doanh nghiệp xây dựng cũng nên có tư duy toàn cầu. Thúc đẩy sự phấn đấu tự hoàn thiện doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, xem việc chiếm lĩnh thị trường thế giới là mục tiêu của mỗi công ty xây dựng.
Phương Châu
FILI
|