Dầu tăng nhẹ sau tín hiệu lạc quan về thương mại
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng nhẹ vào ngày thứ Năm (12/12), gần như phục hồi tất cả đà suy giảm từ phiên trước đó, sau khi một dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng Mỹ đang tiến rất gần đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, MarketWatch đưa tin.
“Đang rất gần tới một thỏa thuận lớn với Trung Quốc. Họ muốn nó, và chúng ta cũng vậy!”, ông Trump tweet trong ngày thứ Năm, qua đó thúc đẩy giá dầu khởi sắc chỉ vài phút sau dòng tweet này. Một thỏa thuận có thể xoa dịu lo ngại về sự suy yếu nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex tiến 42 xu (tương đương 0.7%) lên 59.18 USD/thùng, sau khi dao động tại mức cao 59.72 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn cộng 48 xu (tương đương 0.8%) lên 64.20 USD/thùng.
Vào chiều ngày thứ Năm, Bloomberg News đưa tin các nhà đàm phán Mỹ đã đạt được những điều khoản của thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc, thỏa thuận này đang chờ sự chấp thuận của ông Trump.
Giá dầu cũng tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sẵn sàng giữ lãi suất thấp và duy trì kích thích kinh tế trong tương lai gần, điều này có thể thúc đẩy kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu thô.
Hôm thứ Tư (11/12), Fed cho biết quyết định giữ lãi suất không đổi ở mức 1.5% - 1.75% ít nhất một phần là do lo ngại về khả năng ảnh hưởng xấu từ xung đột thương mại Mỹ - Trung. Ngoài Fed, vào ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thông báo quyết định giữ lãi suất tiền gửi ở mức -0.5%, trong khi duy trì tỷ lệ mua tài sản ở mức 20 tỷ Euro mỗi tháng, như dự báo của các nhà phân tích.
Các chuyên gia cho biết sự lạc quan về sự đón nhận đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Ả-rập Xê-út trong ngày giao dịch thứ 2 cũng cung cấp hỗ trợ cho thị trường dầu.
Các nhà đầu tư chủ yếu xem việc bán cổ phiếu là một dấu hiệu lạc quan của triển vọng dầu thô.
Dầu đã chứng kiến những động thái trái chiều sau cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh hồi tuần trước ở Vienna, tại đó Tổ chức này đã đạt được đồng thuận sẽ cắt giảm sản lượng thêm 500,000 thùng/ngày.
Dầu đã chịu sức ép trong ngày thứ Tư (11/12) sau khi báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa tăng 800,000 thùng trong tuần kết thúc ngày 06/12/2019, thấp hơn dự báo vọt 1.4 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API), nhưng trái ngược hoàn toàn với dự báo sụt 2.8 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Trong một báo cáo công bố vào ngày thứ Năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vẫn dự báo dự trữ dầu thô toàn cầu tăng 700,000 thùng/ngày trong 3 tháng đầu năm 2020, bất chấp những nỗ lực của OPEC+ để cân bằng thị trường, mặc dù Cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung dầu của các nhà sản xuất ngoài OPEC trong năm 2020 thêm 200,000 thùng/ngày xuống 2.1 triệu thùng/ngày.
Trong báo cáo định kỳ hàng tháng vào ngày thứ Tư (11/12), OPEC đã dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới không thay đổi so với báo cáo trước đó, ở mức 0.98 triệu thùng/ngày trong năm 2019 và 1.08 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Báo cáo cũng dự báo tăng trưởng nguồn cung dầu của các nước ngoài OPEC sẽ đạt 1.82 triệu thùng/ngày, cũng không đổi so với báo cáo hồi tháng trước.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 1 nhích 0.1% lên 1.6283 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 1 tiến 1.1% lên 1.9508 USD/gallon.
Các hợp đồng khí thiên nhiên tăng mạnh trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên giảm 73 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 06/12/2019, gần khớp với dự báo sụt 74 tỷ feet khối từ cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1 vọt 3.8% lên 2.328 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|