Chứng khoán Việt dẫn đầu Đông Nam Á nhưng các quỹ đầu tư chủ động chẳng mấy vui
Các quỹ đầu tư chủ động có quy mô lớn đều bị VN-Index bỏ xa trong năm 2019, nhưng họ vẫn tin rằng chu kỳ lợi nhuận lớn đang chờ ở phía trước.
Một năm 2019 đầy biến động của VN-Index
|
Sau màn khởi đầu ấn tượng thì dấu ấn mà VN-Index để lại trong năm 2019 lại là những đợt trồi sụt chứ không phải là các mức tăng điểm. Tính đến kết phiên ngày 27/12/2019, VN-Index dừng ở mức 963.51 điểm, tăng 7.95% hoàn toàn nhờ vào con sóng trong 3 tháng đầu năm.
Nhà đầu tư có lẽ còn phiền lòng hơn khi biết rằng thị trường chứng khoán của Việt Nam - đất nước đang nổi lên là ngôi sao sáng toàn cầu khi giữ được đà tăng trưởng kinh tế ở mức 7% - lại có thành tích kém xa so với những thị trường chứng khoán như Trung Quốc hay Nhật Bản, những quốc gia mà viễn cảnh kinh tế kém tươi sáng hơn khá nhiều. “Danh hiệu” thị trường chứng khoán dẫn đầu Đông Nam Á có lẽ đã bớt đi ý nghĩa.
Thành tích của VN-Index trong năm 2019
So sánh với chỉ số của những thị trường chứng khoán quốc tế
Dữ liệu chốt ngày 23/12/2019. Nguồn dữ liệu: Indexq
|
Không làm vui lòng nhà đầu tư về mặt điểm số nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua cũng đạt được những dấu mốc đáng kể, được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho những bước phát triển xa hơn. Chẳng hạn như việc ra mắt sản phẩm chứng quyền có đảm bảo trong tháng 6, hay những tin vui ngày cuối năm khi Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi vào cuối tháng 11.
Động thái khơi thông dòng vốn ngoại cũng được chú ý bởi các nhà quản lý khi Sở GDCK TP HCM (HOSE) đã thành lập 3 bộ chỉ số mới chứa nhiều cổ phiếu đã hết “room” nước ngoài. Đây là bước đệm trong lúc chờ đợi các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).
Trong năm 2019, thị trường Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging Market) của FTSE Russell, nhưng điều này không làm bất ngờ giới quan sát.
Hầu hết các quỹ đầu tư lớn có một năm đáng quên khi bị bỏ xa bởi VN-Index, theo dữ liệu tính đến ngày 23/12/2019. VOF, quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital, thậm chí còn làm mất tiền của nhà đầu tư trong năm vừa qua. Cơ cấu danh mục đầu tư của VOFcũng đang dần chuyển dịch theo hướng “rời xa” thị trường chứng khoán, khi mà các khoản đầu tư vào cổ phiếu niêm yết giảm tỷ trọng từ mức 69.5% vào cuối tháng 1 xuống còn 61.9% vào cuối tháng11 (đấy là còn chưa tính đến yếu tố tăng nắm giữ tiền mặt của quỹ này).
Nguồn dữ liệu: VOF
|
Thành tích một số quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam
So sánh với VN-Index trong năm 2019 tính đến ngày 23/12
(*): 12/12/2019; (**): 20/12/2019; (***): 30/11/2019. Nguồn: Vietstock tổng hợp
|
Trong nhóm quỹ xét đến chỉ có 2 quỹ đầu tư có thành tích vượt VN-Index là Eastspring Investments và VFMVF1. Điểm đáng chú ý là quỹ Eastspring Investments là đơn vị luôn duy trì lượng tiền và tương đương tiền lớn trong cơ cấu tài sản (thường trên 30%, đỉnh cao nhất trong năm 2019 lên đến 47.9% vào thời điểm cuối quý 3). Tính đến cuối tháng 11/2019, quỹ này có tổng giá trị tài sản ròng xấp xỉ 148 tỷ đồng.
Về phần VFMVF1, đây là quỹ đầu tư ưa thích ngành ngân hàng (VCB, MBB, BID,…) và bất động sản (VHM, VIC,…), hai ngành này lần lượt chiếm 25% và 16.7% tài sản của quỹ vào thời điểm cuối tháng 11/2019. Cũng cần lưu ý là khoản nắm giữ lớn tiếp theo của VFMVF1 lại chính là tiền và chứng khoán nợ với 15.6% tài sản.
Dù đạt thành tích không mấy sáng sủa trong năm qua, các quỹ đầu tư lớn như PYN Elite, VOF - VinaCapital hay Vietnam Holding vẫn như mọi khi bày tỏ niềm tin vào tương lai sinh lời trong dài hạn, nhờ kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc theo sau những bước tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và triển vọng của khối doanh nghiệp niêm yết nói riêng.Bên cạnh đó, quá trình hiện đại hóa thị trường chứng khoán cũng là yếu tố được các nhà đầu tư chuyên nghiệp này quan tâm.
Thừa Vân
FILI
|