Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức họp khẩn về ô nhiễm không khí
Bộ TN-MT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan mời họp tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh những tháng cuối năm giảm mạnh, đặc biệt trong tháng 9 và tháng 12. Ảnh Lê Quân
|
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Thời gian quan, tình hình diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống, sức khỏe cộng đồng.
Đề có giải pháp cấp bách, dài hạn, Bộ TN-MT đã có văn bản mời Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ: Công thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục - Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Nội vụ, Thông tin - Tuyên truyền, Y tế và UBND TP.Hà Nội, UBND TP.Hồ Chí Minh cùng Sở Tài nguyên - Môi trường của 2 thành phố này tham dự cuộc họp bàn về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí.
Cuộc họp sẽ diễn ra vào chiều 19.12, do Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chủ trì. Dự kiến, cuộc họp sẽ trao đổi, thảo luận về tình hình thực hiện Quyết định số 985/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đồng thời, phối hợp xác định nguyên nhân và đưa ra các biện pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn.
Trước đó, như Thanh Niên đưa tin, những tháng cuối năm, chất lượng không khí nhiều nơi trong cả nước có xu hướng giảm, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Những tháng cuối năm 2019, tình trạng ô nhiễm không khí liên tục được Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ TN-MT) và Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội quan trắc, đưa kết quả cảnh báo. Một số ứng dụng do đơn vị, tổ chức phi chính phủ đầu tư hệ thống quan trắc như PAM Air, Air Visual, Đại sứ quán Mỹ… cũng thường xuyên đưa kết quả chất lượng không khí ở mức xấu, kém, cực kỳ không tốt cho sức khỏe thậm chí là mức nâu - nguy hiểm.
Nhiều lần, ứng dụng Air Visual (Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới) xếp hạng 2 thành phố lớn nhất Việt Nam: TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đứng nhóm chất lượng không khí xấu nhất. Đặc biệt là thủ đô Hà Nội, không ít lần bị xếp hạng “đội sổ” chất lượng không khí thế giới.
Nguyên nhân, tại TP.Hồ Chí Minh, tác nhân chính được xác định là xe máy. Còn ở Hà Nội, nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí được xác định khá rộng: hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp, đốt rơm rạ… thường xuyên tạo ra lượng phát thải mang tính liên tục. Trong đó, hoạt động giao thông, xây dựng là những tác nhân tạo ra lượng bụi mịn lớn.
Cơ quan chức năng lý giải, nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhiều năm qua vẫn “thường xuyên liên tục”. Tuy nhiên, vào thời điểm giao mùa, đầu đông không khí khô hơn, cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm tích tụ, gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt lúc sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.
Một nguyên nhân khác được chỉ ra là lượng mưa những tháng cuối năm nay ít hơn các năm trước nên góp phần đưa Hà Nội “vươn lên” đứng đầu danh sách thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí không chỉ nằm trong ngành môi trường mà cần toàn xã hội chung tay, trong đó, vai trò các cơ quan chức năng, chính quyền là tối quan trọng.
Lê Quân
Thanh niên