80 tỉ USD của 4 ngành hàng chờ khai thác từ CPTPP
Giày dép, dệt may, đồ uống, đồ gỗ là bốn ngành hàng được kỳ vọng tạo ra kỳ tích khi CPTPP thực thi, không chỉ với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mà còn mở ra cơ hội tăng thị phần trong kim ngạch nhập khẩu của đối tác nội khối từ hiệp định.
Đáp ứng nguyên tắc xuất xứ là một trong những điều kiện quan trọng trong CPTPP để hưởng được ưu đãi thuế quan - Ảnh:T.V.N
|
Nhận định trên được bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đưa ra tại hội thảo "Ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ, đồ uống Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ CPTPP", tổ chức vào ngày 5-12.
Theo bà Trang, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo thêm con đường về ưu đãi thuế quan để doanh nghiệp lựa chọn mở rộng cơ hội xuất khẩu.
Các doanh nghiệp của 4 ngành nói trên được dự báo có cơ hội phát triển rất lớn để phát triển sản xuất thông qua việc thực hiện các thay đổi về thể chế, quy tắc nhằm thực thi các cam kết khi CPTPP có hiệu lực, thu hút được nguồn lực đầu tư lớn vào VN trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước trong CPTPP tăng từ 54 tỉ USD lên 80 tỉ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Dữ liệu ghi nhận thị phần kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với ngành giày dép, dệt may, đồ gỗ, đồ uống lần lượt ở mức 12,5%,16,04%, 20% và 23,46% càng cho thấy tiềm năng tăng thị phần trong kim ngạch nhập khẩu của đối tác thuộc khối CPTPP là có cơ sở.
Một dây chuyền sản xuất giày dép - Ảnh: TTO
|
Trong khi dự báo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng, với các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động, CPTPP có thể tạo mức tăng trưởng bình quân từ 4-5%/năm, mức tăng xuất khẩu từ 8,7-9,6%/năm khi đi vào thực thi.
Theo đánh giá của bà Trang, CPTPP tạo cơ hội cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất để tạo ra các giá trị gia tăng thực sự, cắt giảm chi phí sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh.
Trong đó, dễ thấy nhất là cơ hội nhập nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị công nghệ từ các nước CPTPP với chi phí hợp lý, tiếp cận được các dịch vụ phục vụ sản xuất logistics, viễn thông…với chất lượng tốt hơn khi CPTPP mở cửa cạnh tranh với các dịch vụ này.
Đổi lại, việc Việt Nam mở cửa ngược lại cho các thành viên trong CPTPP để cạnh tranh, tuy có, nhưng sẽ không phải là cú sốc lớn đối với các doanh nghiệp bởi về cơ bản, Việt Nam đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại với nhiều thành viên trong CPTPP, nên các doanh nghiệp có thể điều chỉnh để thích nghi.
Mặt khác, nếu các doanh nghiệp trong nước chú trọng giữ vững thị phần tại thị trường nội địa, xác lập chiến lược cạnh tranh ngay trên thị trường của mình một cách tập trung hơn trong bối cảnh các nước ngày càng dòm ngó vào VN càng nhiều, "thì "sân nhà" vẫn là lợi thế không nhỏ cho các doanh nghiệp nội địa khai thác lợi thế của mình", bà Trang nhận định.
TRẦN VŨ NGHI
Tuổi trẻ