Thứ Tư, 04/12/2019 17:26

Tôi đã chuẩn bị đóng cửa công ty khi nói ra điều này!

Có bộ vừa rồi ban hành sáu quy trình thì ba quy trình copy của Bộ LĐ-TB&XH, ba quy trình còn lại thì sai.

Tôi đã chuẩn bị đóng cửa công ty khi nói ra điều này!
Ông Nguyễn Minh Quân nói người lên tiếng về những bất hợp lý trong các quy định pháp luật là hiếm hoi. Ông xác định tinh thần sẽ đóng cửa doanh nghiệp khi nói ra những bức xúc. Ảnh: CHÂN LUẬN

Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức rất nhiều hội thảo về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong một dự án về cải cách kinh tế kéo dài nhiều năm. Hội thảo “ĐKKD và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động: Một số vấn đề và yêu cầu cải cách” sáng 4-12 những tưởng chỉ là những câu chuyện cũ.

Hội thảo chỉ thực sự nóng lên rồi lại lắng đọng khi ông Nguyễn Minh Quân, Công ty CP Kiểm định KTAT quốc gia ở TP.HCM, phát biểu về những nghịch lý, truân chuyên khi ông vốn là một kiểm định viên dày dạn kinh nghiệm phải đối phó với các ĐKKD vô lý.

Sau khi những báo cáo được trình bày, một số chuyên gia phát biểu, đại diện Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH giải thích một số “nguồn cơn” của những quy định phi lý, ông Quân bắt đầu phát biểu rằng: “Tôi chịu nhiều cái tròng, nhiều khi không chịu đựng được cái tròng nào đó thì đã kêu lên tới cả Thủ tướng. Khiếu nại được giải quyết nhưng vẫn còn rất nhiêu khê, rào cản”.

Ông Quân không phủ định sự cần thiết của kiểm định an toàn lao động nhưng ông nói quản lý nhà nước phải xứng tầm, không gây ra bức xúc cho doanh nghiệp cũng như nhức nhối cho xã hội. Ông Quân nói mình có 20 năm làm trong nhà nước và 10 năm làm tư nhân, bởi vậy những gì ông nói là rất bài bản. Nhìn quanh hội trường, ông cứ mong có đủ đại diện các bộ như Công Thương, Xây dựng, GTVT… nhưng không phải bộ nào cũng có đại diện.

“Vừa rồi tôi bức xúc với Bộ Xây dựng. Có một quy chuẩn về máy đóng cọc, tôi đã làm từ những năm 1995-1996 sau khi đăng ký đề tài và bảo vệ tại ĐHBK TP.HCM rồi áp dụng suốt từ đó tới nay. Vậy mà hơn 20 năm sau, tôi nộp hồ sơ thì các anh ấy bảo: Quy trình của anh không được Nhà nước công nhận. Tôi bức xúc hỏi các chức sắc của bộ rằng các anh dạy được gì cho tôi thì họ nói đó là nguyên tắc” - ông Quân kể.

Không chịu, ông Quân khiếu nại lên cấp cao hơn. Đến khi đó theo lời ông Quân, “người ta mới thỏa thuận” với ông. Nhưng ông băn khoăn không biết bao nhiêu doanh nghiệp phải tốn kém thời gian, tiền bạc như ông. Ông cũng cho biết lúc đầu ông bị coi thường lắm. Ông vẫn nhớ cuối năm 2017, trong một cuộc họp về an toàn và huấn luyện lao động thì các bộ nói những gì Bộ LĐ-TB&XH quản lý, có quy chuẩn rồi thì các bộ khác cũng công nhận. Nhưng đến năm 2018 thì lại khác, các bộ ban hành quy chuẩn riêng cho mình.

“Khi tôi làm công văn hỏi Bộ LĐ-TB&XH thì bộ không trả lời được. Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn rồi thì phải mở lớp đào tạo. Nhưng tôi coi lại quy chuẩn thì họ chỉ sửa “tít” quy trình thôi. Thậm chí trước quy chuẩn của Bộ LĐ-TB&XH sai chính tả chỗ nào thì sau họ (Bộ Xây dựng - PV) cũng sai như vậy” - ông Quân nói.

Chi tiết hơn, ông Quân nói Bộ Xây dựng vừa rồi ban hành sáu quy trình về an toàn vệ sinh lao động thì có tới ba quy trình là copy của Bộ LĐ-TB&XH, còn ba quy trình khác thì sai. Đó là quy trình đối với máy đóng cọc, “cốp pha trượt” và máy đóng bê tông. Về điều này, ông Quân nói: “Tôi thấy sĩ diện quốc gia mình bị sỉ nhục. Tại vì chúng ta đâu chỉ làm trong nước mà còn làm với quốc tế nữa”.

Thậm chí ông Quân còn kể khi ông gửi đơn thư khiếu nại Bộ Xây dựng thì ông cũng nói thẳng với bộ này rằng “Tôi đã chuẩn bị tinh thần đóng cửa doanh nghiệp. Nhà tôi có thể để cho thuê mấy chục triệu/tháng, đủ sống, không sao! Đồng hành với doanh nghiệp phải chăng là “đồng để hành”? Không chịu nổi luôn. Nếu không có biện pháp cải cách thì nguy hiểm vô cùng” - ông Quân nói.

Sau khi trình bày thêm về nhiều bất cập, vô lý giữa các quy định ở các bộ khác liên quan, ông Quân cho rằng người cất lên tiếng nói như vậy là hiếm hoi. Bởi dường như tâm lý người Việt Nam là an toàn, đụng đến ai thì đụng, miễn là không đụng đến mình.

Rồi ông khẳng định lần nữa: “Tôi xác định rồi, khi nói ra những điều này là tôi chuẩn bị tinh thần đóng cửa doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Minh Quân nói người lên tiếng về những bất hợp lý trong các quy định pháp luật là hiếm hoi. Ông xác định tinh thần sẽ đóng cửa doanh nghiệp khi nói ra những bức xúc. Ảnh: CHÂN LUẬN

Nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung có lẽ không lạ lẫm với các câu chuyện như trên. Tuy vậy, ông vẫn chăm chú theo dõi. Lúc ông Quân kết thúc câu chuyện dài của mình, ông Cung bày tỏ sự chia sẻ và nói: “Nghe chia sẻ của ông Quân, thật rất là đau xót. Nếu những con người tâm huyết với nghề như ông Quân mà phải bỏ nghề thì chúng ta phải suy nghĩ”.

Ông Cung cũng động viên ông Quân rằng chắc không ai dám đóng cửa hay gây khó cho ông trong thời buổi mà Chính phủ và Thủ tướng đang thúc đẩy cải cách thế này đâu.

CHÂN LUẬN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Kinh tế tư nhân: Cái khó bó cái khôn (04/12/2019)

>   Viện kiểm sát đề nghị hủy án chia tài sản vụ ly hôn Trung Nguyên để phân chia lại (04/12/2019)

>   Ông Vũ bất ngờ tiết lộ tặng bà Thảo tài sản Trung Nguyên ở Singapore (04/12/2019)

>   Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương lừa đảo tiền tỷ (04/12/2019)

>   Vingroup chuyển giao VinEco và VinCommerce cho Masan: Hai bên cam kết gì? (04/12/2019)

>   Người Việt mua ô tô đắt đến bao giờ? (04/12/2019)

>   Chính phủ đề xuất sửa Luật Đất đai trong năm 2020 (04/12/2019)

>   Nhà đầu tư điện khí Bạc Liêu báo giá rẻ rề, Bộ Công Thương đâm lo (04/12/2019)

>   Seven.am hồi âm báo Tiền Phong về nghi vấn sản phẩm cắt mác TQ, gắn mác VN (03/12/2019)

>   Doanh nghiệp Nhật muốn tham gia cổ phần hoá doanh nghiệp Việt (03/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật