VOF: “Lạm phát của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng đến đầu năm 2020”
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp mà VinaCapital nắm giữ, Quỹ đã đón kết quả tháng 10 tăng trưởng. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố biến động trong vĩ mô như tăng lạm phát CPI, sụt giảm PMI, lãi suất tiết kiệm tăng, tăng trưởng dòng vốn FDI, và những yếu tố khác cần được chú ý trong thời gian tới.
Tháng 10: Kết quả lợi nhuận quý 3 tích cực giúp thị trường vượt mức cản tâm lý
Trong tháng 10/2019, NAV/ccq (giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ) của VOF (VinaCapital Vietnam Opportunity Fund, do VinaCapital quản lý) tăng 2.2%, trong khi VN-Index chỉ tăng 0.2% và cách ngưỡng quan trọng 1,000 điểm vào thời điểm kết thúc tháng. Đến đầu tháng 11, thị trường đã vượt qua và ổn định trên ngưỡng tâm lý 1,000 điểm.
Quỹ cho rằng đây là kết quả từ việc thông báo mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ bởi những doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index như VHM và VRE cũng như kết quả kinh doanh quý 3 tích cực từ hầu hết nhóm ngành, đặc biệt là nhóm ngân hàng với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 45% so với cùng kỳ.
Tổng hợp chung, kết quả kinh doanh quý 3 từ các doanh nghiệp đã ra báo cáo đạt mức tăng trưởng 19% lãi ròng so với cùng kỳ, tăng đáng kể so với mức 4% trong nửa đầu năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi ròng của các doanh nghiệp này tăng 11% so với cùng kỳ.
Danh sách 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục VOF
Nguồn: VOF
|
Các khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của VOF gồm có CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH), Tổng Công ty Cảng hàng không việt Nam (UPCoM: ACV), CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM)….
Trong đó, KDH tăng giá 2.7% so với tháng trước với lợi nhuận ròng quý 3/2019 đạt 17.1 triệu USD, tăng 76% so với cùng kỳ và vượt qua kỳ vọng của thị trường. Kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của KDH tăng 26% so với cùng kỳ tương đương với 22 triệu USD, thực hiện 57% mục tiêu đề ra nhờ vào dự án ở TP.HCM với biên lợi nhuận gộp rất cao lên tới 68%.
ACV tăng giá 3.9% so với tháng trước; Lợi nhuận ròng quý 3 đạt 94 triệu USD (tăng 18% so với cùng kỳ). Sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã thu về 254 triệu USD lợi nhuận, tương đương mức tăng 19% so với cùng kỳ và thực hiện 90% chỉ tiêu kế hoạch.
Cổ phiếu PNJ, tăng 3.6% so với tháng trước với kết quả kinh doanh quý 3 tích cực khi lợi nhuận đạt 8.8 triệu USD (tăng 17% so với cùng kỳ). Sau 9 tháng đầu năm, PNJ đạt lợi nhuận 34.5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ và thực hiện 68% kế hoạch đề ra. PNJ tự tin trong việc đạt mục tiêu 2019 là mở thêm 40 cửa hàng (sau 9 tháng: đã mở 23 cửa hàng) và lợi nhuận tăng trưởng 23%.
VNM có mức,tăng 0.2% so với tháng trước với báo cáo lợi nhuận quý 3 đạt 115 triệu USD (tăng 5% so với cùng kỳ). Sau 9 tháng, lợi nhuận của VNM đạt 360 triệu USD (tăng 6% so với cùng kỳ), tương đương 80% kế hoạch. Tăng trưởng doanh thu nội địa và xuất khẩu trong quý đều chậm lại, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ trong khi biên lợi nhuận giảm 100 điểm cơ bản còn 47% do ảnh hưởng từ giá bột sữa cao.
Riêng cổ phiếu HPG giảm 0.7% so với tháng trước với báo cáo kết quả lợi nhuận quý 3 đạt 75 triệu USD (giảm 27% so với cùng kỳ), đây cũng là tình hình chung của ngành khi mà quý 3 là mùa thấp điểm đối với các hoạt động xây dựng. Sau 9 tháng đầu năm, HPG đạt mức lợi nhuận 241 triệu USD (giảm 18% so với cùng kỳ), thực hiện 84% kế hoạch năm.
Nhiều biến động trong vĩ mô
Về lạm phát của Việt Nam, tháng 10 tăng 2.2% so với cùng kỳ năm trước trong khi mức tăng của tháng 9 là 2%, chủ yếu đến từ mức tăng của giá thực phẩm khi giá bán lẻ thịt heo vọt khoảng 8% do sự bùng phát dịch tả lợn Châu Phi ở Việt Nam.Như đã đề cập trong những báo cáo các tháng trước, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở Việt Nam chậm hơn so với Trung Quốc khoảng 6 tháng. Trước đó, Trung Quốc cũng tăng giá thực phẩm khoảng 11% từ việc giá thịt heo tăng 100% so với cùng kỳ. Từ đó, VOF tin rằng mức lạm phát của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng đến đầu năm 2020.
Trong tháng 9, tăng trưởng bán lẻ của Việt Nam tăng 9.2% so với cùng kỳ, và tăng lên mức 9.4% trong tháng 10, chủ yếu đến từ lượng khách Trung Quốc tăng mạnh 55% so với cùng kỳ. Khoảng ⅓ tổng du khách đến Việt Nam là người Trung Quốc, và VOF ước tính rằng số du khách này đem lại hơn 10% tổng doanh thu bán lẻ cho Việt Nam.
Một yếu tố quan trọng khác trong sự tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2019 là lĩnh vực sản xuất (chiếm 20%/GDP) tăng 10.8% vào cuối tháng 10/2019, giảm nhẹ so với mức 12.7% hồi tháng 10/2018. Điều này một phần do doanh thu thị trường điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu giảm 5% và chiếm khoảng 10% sản lượng sản xuất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc nền kinh tế chung toàn cầu giảm tốc dẫn đến việc chỉ số PMI của Việt Nam từ 50.5 điểm trong tháng 9 về mức 50 điểm trong tháng 10, phá vỡ sự duy trì ở mức trên 50 điểm trong suốt gần 4 năm qua.
Dù vậy, lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam tiếp tục được hỗ trợ từ việc giải ngân FDI tăng 7% so với cùng kỳ đạt mức 16 tỷ USD trong tháng 10. Trong đó vốn đăng ký mới giảm 15% so với cùng kỳ còn 29.1 tỉ USD, là kết quả của mức tăng bất thường 10.4 tỉ USD vào tháng 6/2018. Trái ngược với sự suy giảm này, FDI đăng ký từ Trung Quốc tăng mạnh 200% đạt mức 3.2 tỉ USD sau 10 tháng, chủ yếu từ việc các doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng tránh hàng rào thuế quan của Mỹ. Một kết quả khác từ chiến tranh thương mại là xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng 27% so với cùng kỳ và thặng dư thương mại giữa Việt Nam với Mỹ đạt 38 tỉ USD. Sự tăng trưởng này góp phần vào mức tăng 8.3% xuất khẩu sau 10 tháng trong khi thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 9 tỉ USD cùng thời điểm.
Trong tháng, giá trị của VNĐ không thay đổi, nhưng vẫn tăng 0.3% kể từ đầu năm đến nay. Tỷ giá ổn định được hậu thuẫn từ nền kinh tế vĩ mô ổn định cùng với thông báo tăng dự trữ ngoại hối lên 73 tỉ USD (tương đương hơn 3 tháng giá trị kim ngạch nhập khẩu) của Ngân hàng Nhà nước.
Cuối cùng, lãi suất liên ngân hàng trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam nằm trên mức 2% trong hầu hết tháng qua, điều này giúp lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 40 điểm cơ bản còn 3.7%. Dù vậy, lãi suất gửi tiền tại các ngân hàng thương mại nhỏ tăng khoảng 20 điểm cơ bản trong tháng với mức hơn 8% cho tiền gửi kỳ hạn 1 năm, tương đương 5% lãi suất thực (sau điều chỉnh lạm phát). Đây cũng là một lựa chọn của nhà đầu tư trong hình thức tiết kiệm thay vì rót tiền vào thị trường chứng khoán, điều này một phần giải thích vì sao VN-Index gần như không biến động trong tháng.
Như Xuân
FILI
|