Vietbank: Hành trình từ “lùm xùm” đại án… đến sàn chứng khoán
Cùng với Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX:ACB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) cũng là nhà băng có “dây mơ rễ má” với bầu Kiên. Dần dứt mối thâm tình với gia đình bầu Kiên, Vietbank đang tìm lối đi riêng cho mình, khi chính thức niêm yết trên sàn UPCoM vào ngày 30/07/2019 vừa qua.
Từ “mạng nhện” vốn ảo trở thành cổ đông lớn của Vietbank
Là một ngân hàng còn khá non trẻ, với 12 năm tuổi đời, Vietbank vốn “xuất thân” từ Ngân hàng TMCP Nông thôn Phú Tâm có trụ sở chính tại Sóc Trăng, với những cổ đông sáng lập liên quan đến ngân hàng ACB, CTCP xe máy ô tô Hoa Lâm và Công ty Diệu Hiền.
Tại Vietbank, ACB giữ tư cách là cổ đông sáng lập nhưng không công bố cụ thể tỷ lệ sở hữu. Từ mối quan hệ “mạng nhện” giữa ACB và bầu Kiên, đến năm 2012, khi đại án bầu Kiên bị phanh phui, bấy giờ thông tin về mối quan hệ khép kín giữa Vietbank và gia đình bầu Kiên mới dần được hé lộ.
Điều này sẽ thấy rõ khi gợi nhắc về quá khứ, trong các năm 2006 và 2008, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) thành lập và điều hành 3 công ty, gồm: CTCP Đầu tư thương mại B&B (Công ty B&B), CTCP Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Ngày 30/11/2010, bầu Kiên sử dụng pháp nhân Công ty B&B vay của ACB số tiền 1,000 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành và bán trái phiếu cho ACB trong thời hạn 120 tháng. Khi vay được số tiền trên, bầu Kiên và 8 người thân trong gia đình đã sử dụng 975 tỷ đồng để mua 33% cổ phần của Vietbank, nâng tỷ lệ sở hữu của ông và gia đình lên 41% tại Vietbank. Sau đó, bầu Kiên dùng số cổ phần mua mới của Vietbank làm tài sản thế chấp cho khoản vay 1,000 tỷ đồng tại ACB.
Cũng nằm trong tình tiết đại án, dưới sự chỉ đạo của bầu Kiên, để có tiền đầu tư cổ phiếu ACB, ngân hàng ACB cho Vietbank vay liên ngân hàng gần 1,700 tỷ đồng với lãi suất từ 9.8% đến 11.7%/năm để ngân hàng này cho hai công ty của bầu Kiên vay lại dưới hình thức mua trái phiếu lãi suất 11.05% - 14.6%/năm. Khi sai phạm bị phát hiện, hai công ty của bầu Kiên còn nợ Vietbank gần 1,200 tỷ đồng, đây cũng là số tiền Vietbank nợ của ACB.
Mối quan hệ chồng chéo giữa 2 nhà băng của bầu Kiên, tức ACB và Vietbank càng được làm rõ hơn khi đầu năm 2014, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 35 triệu cp ACB từ Vietbank sang Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư An Phát, với mức giá 15,800 đồng/cp, việc chuyển quyền sở hữu trên đã giúp Vietbank thu về khoản tiền 553 tỷ đồng.
Vietbank “lao dốc” khi đại án bị phanh phui?
Khi mọi chuyện về bầu Kiên bị phơi bày, hoạt động kinh doanh của Vietbank cũng lao dốc theo. Khoảng thời gian đó, Vietbank ghi nhận lãi ròng đạt gần 17 tỷ đồng trong năm 2012, chỉ bằng 5% so với con số 364 tỷ đồng của năm 2011. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức khiêm tốn hơn 4 tỷ đồng.
Ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận năm 2012 của Vietbank chính là việc ghi nhận lỗ hơn 238 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2012, Vietbank ghi nhận nợ xấu đã giảm từ 465 tỷ đồng xuống còn 213 tỷ đồng.
Giai đoạn 2013 -2015 là thời kỳ đỉnh điểm của vụ án liên quan đến bầu Kiên cũng là thời gian kết quả kinh doanh của Vietbank hoàn toàn được giữ kín. Mãi đến năm 2016, một phần bức tranh kinh doanh năm 2015 của nhà băng này mới được “phác họa”. Cụ thể, Vietbank chịu lỗ hơn 126 tỷ đồng năm 2015, đồng thời lỗ lũy kế tính đến cuối 2015 là hơn 329 tỷ đồng. Điều này cho thấy khả năng rất lớn trong 2 năm 2013 và 2014, Vietbank thua lỗ khoảng 200 tỷ đồng.
Từ năm 2016, hoạt động kinh doanh của Vietbank có sự tăng trưởng đáng kể, với thu nhập lãi thuần từ 461 tỷ đồng trong năm 2016 tăng lên 773 tỷ đồng vào năm 2017. Và năm 2018 vượt hẳn lên con số 1,045 tỷ đồng, cao gấp 2.3 lần so với năm 2016.
Theo đó, lãi ròng của nhà băng này đã tăng từ 67 tỷ đồng lên 322 tỷ đồng từ năm 2016-2018, dù vẫn thấp hơn mức mà Vietbank đã từng đạt được vào năm 2011, nhưng đây được xem là sự trở lại của Vietbank sau thời gian “chìm trong đại án”.
Nguồn: VietstockFinance
|
Năm 2016, Vietbank không công bố thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán nên không có thông tin về nợ xấu. Mãi đến năm 2017, nhà băng “kín tiếng” này mới hé lộ tổng nợ xấu giảm từ gần 446 tỷ đồng xuống còn hơn 387 tỷ đồng. Bước sang năm 2018, nợ xấu của Vietbank tăng 15% so với năm 2017, với con số 444 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Vietbank có thu nhập lãi thuần tăng 15%, đạt gần 910 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi thuần từ dịch vụ và hoạt động khác cao gấp 2 lần và 2.5 lần cùng kỳ năm 2018, đạt hơn 22 tỷ đồng và gần 105 tỷ đồng.
Trái lại, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư sụt giảm 52% và 19%, xuống còn gần 10 tỷ đồng và hơn 133 tỷ đồng.
Nhờ giảm 54% trích lập dự phòng về mức gần 37 tỷ đồng, Vietbank đã thu về gần 430 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và hơn 341 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42% và 38% so với cùng kỳ 2018. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, Vietbank đã thực hiện được 87% kế hoạch 492 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của cả năm 2019.
Kết thúc quý 3/2019, tổng nợ xấu của Vietbank tăng 8% so với đầu năm chủ yếu là nợ dưới tiêu chuẩn cao gấp 2.5 lần. Riêng nợ nghi ngờ giảm 41% và nợ có khả năng mất vốn giảm 3% so với đầu kỳ.
Mặt khác, cho vay khách hàng tăng 10% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên cho vay khách hàng của Vietbank giảm nhẹ từ 1.25% về mức 1.23%.
Số dư trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành mà Vietbank nắm giữ đã giảm 3% với gần 236 tỷ đồng, trong đó dự phòng giảm giá với gần 78 tỷ đồng.
Bầu Kiên rút lui, ai sở hữu Vietbank?
Khi Vietbank bắt đầu “trưởng thành” hơn, cũng là lúc bầu Kiên và gia đình quyết định “rời đi”. Từng nhiều lần đăng ký bán cổ phần tại Vietbank nhưng không thành công, cuối cùng gia đình bầu Kiên cũng chính thức “dứt tình” với Vietbank khi đã hoàn tất bán 6.6 triệu cp còn lại vào 06/01/2019.
Cùng thời gian này, bố và mẹ ruột của bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) đã bán tổng cộng 6.5 triệu cp Vietbank. Sau khi giao dịch, bố mẹ bà Lan còn sở hữu 1 triệu cp, tương đương 0.244% vốn điều lệ tại Vietbank.
Trước đó vào cuối tháng 7/2018, gia đình em gái ruột của bầu Kiên đã bán tổng cộng 19.3 triệu cổ phần Vietbank. Tổng số cổ phần sang tay cho chủ mới của 3 người này tương đương hơn 6% vốn.
Giai đoạn từ 24 - 27/07/2018, bà Đặng Ngọc Lan cũng đã đăng ký bán gần 14.97 triệu cổ phần (4.61% vốn) nhưng không thành công.
Đồng thời, tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 18/01/2019, cổ đông Vietbank đã chính thức thông qua đơn từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT của bà Đặng Ngọc Lan.
Việc rời đi của nhóm bầu Kiên đã đặt ra câu hỏi: “Ai sẽ thay thế chỗ trống này tại Vietbank?”, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Nhiều khả năng cho rằng, vốn của nhà băng này sẽ lại tập trung vào tay một nhóm cổ đông mà không ai khác đó là nhóm cổ đông của Tập đoàn Hoa Lâm.
CTCP Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm), trước đây là CTCP Ô tô - Xe máy do Chủ tịch Vietbank Dương Ngọc Hòa sáng lập. Ông Hòa từng là Giám đốc Hoa Lâm, hiện nay vợ ông - bà Trần Thị Lâm là người đứng đầu Tập đoàn.
Theo bản cáo bạch lên sàn được công bố tháng 7/2019, ông Hòa sở hữu hơn 19 triệu cp Vietbank, tương ứng tỷ lệ 4.552% vốn. Tổng số cổ phần ông Hòa cùng vợ và 3 người con sở hữu tại Vietbank là hơn 56.3 triệu cp, tương ứng 13.443% vốn.
Tính đến ngày 30/6/2019, có 271 cổ đông nắm giữ cổ phần của Vietbank. Trong đó bao gồm 8 cổ đông là tổ chức trong nước nắm giữ 31.34% vốn, còn lại là cổ đông cá nhân nắm giữ 68.66% vốn. Đáng chú là nhà băng này đã không còn sự xuất hiện của cổ đông lớn.
Vietbank chọn lối đi mới
Dù tự đánh giá bản thân thuộc nhóm các ngân hàng có quy mô không lớn, năng lực tài chính chưa đủ mạnh, mạng lưới hạn chế và số lượng lao động thấp, song, với hoạt động kinh doanh có nhiều cải thiện, Vietbank khá “mạnh dạn” khi quyết định đánh dấu lối đi mới cho mình bằng việc trở thành ngân hàng đầu tiên trong năm 2019 đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM.
Theo đó, hơn 419 triệu cp VBB của Vietbank đã chính thức chào sàn UPCoM vào ngày 30/07/2019 vừa qua với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15,000 đồng/cp. Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM, cổ phiếu VBB tăng mạnh 40%, lên 21,000 đồng với tổng khối lượng giao dịch đạt 714,800 cp.
Nguồn: VietstockFinance
|
Sau gần 3 tháng kể từ khi lên sàn UPCoM, thị trường ghi nhận giá cổ phiếu VBB đã vơi đi 24%, rơi về mức 16,000 đồng/cp vào cuối phiên 21/10, với khối lượng giao dịch trung bình 1 ngày khoảng 27,100 cp.
Ái Minh
FILI
|