Tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone xuống thấp kỷ lục, lạm phát cải thiện
Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn bộ khối Eurozone trong tháng 10/2019 đã giảm xuống 7,5% từ mức 7,6% của tháng Chín và tình hình lạm phát của khu vực này cũng được cải thiện trong tháng 11/2019.
Công nhân làm việc tại nhà máy ở Rousset, miền nam nước Pháp, ngày 25/6/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trên toàn 19 quốc gia thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 10/2019 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2008, và tình hình lạm phát của khu vực này cũng được cải thiện trong tháng 11/2019.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn bộ khối Eurozone trong tháng 10/2019 đã giảm xuống 7,5% từ mức 7,6% của tháng Chín. Trong tháng trước, số người thất nghiệp giảm 31.000 người xuống còn hơn 12 triệu người.
Số liệu của Eurostat cho thấy sự chênh lệch giữa các quốc gia vẫn còn, mặc dù chúng không lớn như ở giai đoạn giữa cuộc khủng hoảng nợ của khu vực.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Đức vẫn ở mức siêu thấp là 3,1%, Tây Ban Nha và Hy Lạp đều ghi nhận tỷ lệ này giảm mạnh trong vài năm qua. Cả hai nước đã từng vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp trên 25%. Hiện giờ, con số này của Tây Ban Nha và Hy Lạp lần lượt ở mức 14,2% và 16,7%.
Cũng trong ngày 29/11, Eurostat đã công bố số liệu về lạm phát của Eurozone. Theo đó, lạm phát giá tiêu dùng của khu vực này trong tháng 11/2019 đã tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn so với mức 0,7% của tháng trước và vượt mức dự báo của thị trường là 0,9%.
Eurostat cho rằng sự gia tăng này phần lớn là do chi phí thực phẩm, rượu và thuốc lá cao hơn. Loại trừ các mặt hàng trên cùng chi phí năng lượng, mức lạm phát lõi cũng tăng từ 1,1% lên 1,3% trong tháng này. Sự cải thiện trên có thể là minh chứng cho thấy việc lương tăng đã đẩy giá cả đi lên.
Các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hy vọng rằng tình trạng thất nghiệp tiếp tục giảm sẽ thúc đẩy tiền lương tăng, qua đó đẩy lạm phát đi lên. Nhưng điều này chưa thành hiện thực khi lạm phát tại Eurozone vẫn nằm dưới mức mục tiêu 2% của ECB trong phần lớn thời gian của những năm qua.
Do đó, ECB đã phải ban hành một loạt các biện pháp kích thích tiền tệ, bao gồm cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống mức âm. Gần đây, ngân hàng này đã công bố gói biện pháp kích thích bao gồm chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trị giá 20 tỷ euro (22 tỉ USD) mỗi tháng, một biện pháp “bơm tiền” vào hệ thống tài chính để kích thích cho vay, tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát.
Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại rằng tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm tốc gần đây sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại và lạm phát quay đầu giảm một lần nữa. Trong quý 3/2019, nền kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng 0,2% so với quý trước đó. Điều này khiến giới chuyên gia tin rằng ECB cần tiến hành thêm nhiều biện pháp khác để thực sự vực dậy nền kinh tế Eurozone.
H.Thủy
Vietnam+
|