Tín hiệu đáng sợ 'chớp nháy' khắp Trung Quốc, 586 ngân hàng nằm trong nhóm rủi ro cao
Từ các đợt rút tiền đột ngột tại các ngân hàng ở nông thôn cho đến sự gia tăng nợ tiêu dùng và tình trạng tái cơ cấu nợ chưa từng thấy trước đây, hàng loạt dấu hiệu căng thẳng tài chính ở Trung Quốc đang đẩy các nhà quyết sách nước này vào tình thế khó khăn.
Chính quyền của Tập Cận Bình đối mặt với tình huống cực kỳ khó khăn: Họ đang cố gắng hỗ trợ cho nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhưng không được ra rủi ro đạo đức và không cần phải chi tiêu liều lĩnh. Cho tới nay, các cơ quan chức trách tỏ ra do dự khi ứng cứu những công ty đi vay đang gặp khó khăn và khi tung ra gói kích thích cho nền kinh tế, nhưng chi phí để duy trì lập trường này đang ngày càng gia tăng khi số vụ vỡ nợ tăng và kinh tế rơi vào vòng xoáy giảm tốc chưa có hồi kết.
Các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng làm “điều cần thiết (ở mức tối thiểu) để giữ nền kinh tế đi đúng định hướng”, Andrew Tilton, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Goldman Sachs Group, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV.
Nằm trong số thách thức đáng ngại nhất của Trung Quốc là tình trạng sức khỏe ngày càng tệ dần của các công ty vay nợ có quy mô nhỏ và các công ty Nhà nước. Mối liên kết tài chính của các công ty này có nguy cơ tạo ra vòng xoáy suy giảm nếu không có sự hỗ trợ từ Bắc Kinh. Đề xuất tái cơ cấu nợ của Tập đoàn Tewoo – một công ty bán hàng hóa thuộc sở hữu Nhà nước Trung Quốc – đã làm dấy lên nỗi lo về tình trạng biến động tài chính dữ dội ở Thiên Tân, nơi công ty đặt trụ sở.
Nỗi lo tương tự cũng xuất hiện trên khắp Trung Quốc trong vài tháng gần đây, thường tập trung xoay quanh các ngân hàng quy mô nhỏ. Niềm tin vào những định chế tài chính này đã suy giảm kể từ tháng 5/2019, khi các cơ quan điều hành chiếm lấy quyền kiểm soát một ngân hàng ở Nội Mông và buộc một số chủ nợ phải ghi nhận lỗ. Kể từ đó, các cơ quan chức trách phải can thiệp để dập tắt ít nhất là hai đợt rút tiền gửi đột ngột (bank run) và tung gói cứu trợ cho hai ngân hàng khác.
Trong Báo cáo Ổn định Tài chính hàng năm công bố trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết trong số gần 4,400 ngân hàng, có tới 586 ngân hàng nằm trong nhóm “rủi ro cao”, cao hơn một chút so với năm 2018. Ngoài ra, họ còn nhấn mạnh đến mối nguy cơ từ sự gia tăng của nợ tiêu dùng, cho rằng tỷ lệ nợ của hộ gia đình trên thu nhập khả dụng đã tăng lên 99.9% trong năm 2018, từ mức 93.4% của 1 năm về trước.
PBoC và các nhà điều hành khác từ lâu đã cảnh báo về rủi ro của tình trạng dư thừa trái phiếu doanh nghiệp – vốn đã tăng lên mức kỷ lục 165% GDP trong năm 2018, theo Bloomberg Economics.
Tại thời điểm này, nhà đầu tư gần như cho rằng các nhà quyết sách có thể kiểm soát rủi ro tài chính của quốc gia và hỗ trợ nền kinh tế.
Đợt bán trái phiếu Chính phủ bằng đồng USD trị giá 6 tỉ USD của Trung Quốc trong tuần này có lượng người đăng ký vượt mức dự kiến, trong khi mức biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm xuống thấp nhất kể từ đầu năm 2018, một phần là do tâm lý lạc quan về triển vọng tiến tới thỏa thuận thương mại với Mỹ. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu ngắn hạn của ngân hàng có bậc tín nhiệm thấp với ngân hàng được xếp hạng AAA đã thu hẹp trong vài tháng gần đây – một dấu hiệu cho thấy các ngân hàng nhỏ dường như huy động vốn dễ dàng hơn.
PBoC và các cơ quan điều hành khác cho biết họ đang buộc các ngân hàng đang gặp rắc rối phải tăng vốn, giảm nợ xấu, hạn chế chia cổ tức và thay thế ban quản lý. Họ cũng bàn về ý tưởng tung ra gói biện pháp, trong đó khuyến khích sáp nhập giữa các định chế nhỏ và kêu gọi chính quyền địa phương hỗ trợ họ.
Trong một dấu hiệu cho thấy các cơ quan chức trách đang lo ngại về rủi ro suy giảm của nền kinh tế, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết trong ngày thứ Tư (27/11) rằng họ đã yêu cầu chính quyền địa phương đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Động thái này khiến các chuyên gia chú ý đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan về chính sách của các nhà lãnh đạo Trung Quốc: Một mặt, các biện pháp hỗ trợ có thể thúc đẩy sự ổn định tài chính và kinh tế trong ngắn hạn, nhưng mặt khác, rủi ro ở đây là chúng sẽ dẫn tới vấn đề nợ còn lớn hơn trong tương lai.
Các cơ quan điều hành đang cố “mang tính kỷ luật vào thị trường, nhưng mỗi lần xảy ra vấn đề, hậu quả quá đáng sợ đến nỗi họ phải quay lại hỗ trợ”, Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Peking, cho hay. “Bạn giải quyết càng lâu, thị trường càng bị bóp méo nhiều hơn và việc giải quyết sẽ khó khăn hơn nhiều”.
Vương Đông (Theo Bloomberg)
FILI
|