Ông Trump lại buông lời cay đắng với Fed: "Cho tôi lãi suất âm đi nào"
Trước Câu lạc bộ Kinh tế New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng chỉ trích nặng nề Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khác với những gì Phố Wall đang ngóng chờ - một bài phát biểu tích cực về tiến triển trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thay vì nhấn mạnh đến mối quan hệ dần nồng ấm hơn với Bắc Kinh, ông Trump chỉ trích Fed vì sự do dự khi hạ lãi suất, đồng thời cho rằng chính Fed đang kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ.
Tổng thống Mỹ lưu ý kể từ khi ông thắng cử trong năm 2016, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 45%, Dow Jones vọt hơn 50% và Nasdaq Composite nhảy vụt 60%. Thế nhưng lẽ ra những con số này phải cao hơn thế rất nhiều nếu Fed không do dự khi hạ lãi suất, ông Trump nói.
“Và nếu Fed phối hợp với chúng tôi, những con số này có thể tăng thêm 25%, tôi đảm bảo là thế”, ông nói. “Thế nhưng, ai trong chúng ta mà chẳng mắc sai lầm? Không quá thường xuyên. Chúng ta có đôi lúc phạm sai lầm”.
Ngay lúc đó, vẫn còn chưa rõ “sai lầm” mà ông Trump muốn ám chỉ tới là gì: Lựa chọn bổ nhiệm Jerome Powell vào chức Chủ tịch Fed hay con đường chính sách tiền tệ của ông Powell.
Ông Trump cũng khăng khăng cho rằng Fed nên tiếp tục hạ lãi suất để giúp Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trên thương trường quốc tế.
“Chúng ta đang phải tích cực cạnh tranh với những quốc gia sẵn lòng hạ lãi suất và hiện nay, nhiều người thực sự nhận được tiền khi họ đi vay - hiện tượng này là lãi suất âm”, ông nói. “Có ai từng nghe nói đến lãi suất âm hay chưa?”.
“Cho tôi lãi suất âm đi nào. Tôi muốn một phần tiền đó”, ông Trump ấn ý.
Tổng thống Mỹ đã buông lời cay đắng cho ông Powell trong suốt năm 2018 và sang năm 2019 khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất – vốn thường thực hiện khi họ cố gắng kìm hãm lãi suất và làm chậm lại tốc độ tăng trường để ngăn nền kinh tế rơi vào tình trạng quá nhiệt.
Các đời Tổng thống Mỹ trước đây hiếm khi chỉ trích Fed, họ thường dùng lời lẽ nhẹ nhàng hơn hoặc tránh động chạm đến định hướng chính sách của Fed. Phá vỡ truyền thống đó, ông Trump nhiều lần đổ lỗi cho Fed và những nhà lãnh đạo của Fed đã gây ra sự biến động mạnh trên thị trường chứng khoán và phá hoại những nỗ lực thương mại với Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ Fed đang mắc sai lầm khi thắt chính sách quá chặt”, Tổng thống Mỹ cho biết hồi tháng 10/2018. Thâm chí ông còn nói: “Tôi nghĩ Fed đã phát điên”.
Fed đã triển khai 9 đợt nâng lãi suất (mỗi lần 25 điểm cơ bản) trong giai đoạn 16/12/2015-19/12/2018. Trong năm 2019, họ đã giảm lãi suất 3 lần và mô tả đó là đợt điều chỉnh giữa chu kỳ.
Dĩ nhiên, chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh kể từ khi ông Trump chiến thắng trước bà Hillary Clinton tỏng năm 2016, trong đó S&P 500 vọt hơn 40%. Chỉ số này đã chạm mức kỷ lục trong ngày thứ Ba (12/11) khi nhà đầu tư bớt lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Mặc dù nhà đầu tư không chắc chắn liệu Mỹ và Trung Quốc có gần tiến tới một thỏa thuận lâu dài hay không, nhưng chứng khoán Mỹ đã leo lên kỷ lục trong vài tuần gần đây vì kỳ vọng về thỏa thuận giai đoạn 1.
Trước đó, ông Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ được ký kết vào cuối tháng 11, làm tăng kỳ vọng đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Trump cũng cho biết hôm thứ Sáu tuần trước (08/11) rằng ông chưa đồng ý dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc sau khi các báo cáo trước đó cho biết 2 nước đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan hiện có theo từng giai đoạn.
Vương Đông (Theo CNBC)
FiLi
|