Nhịp đập Thị trường 21/11: VCB bị “đạp”, VN-Index rớt gần 13 điểm
Chỉ số VN-Index lao dốc mạnh trong phiên ATC khi mà VCB bất ngờ bị “đạp”. Thêm một điểm đáng chú ý nữa là hôm nay cũng là ngày cuối một hợp đồng phái sinh đáo hạn.
VN-Index đóng cửa mất 12.67 điểm, hay 1.26% để lùi về 987.89 điểm. Như vậy, chỉ số sàn HOSE này đã mất khoảng 40 điểm từ đỉnh 1,028 đạt được vào đầu tháng 11. Dù rớt mạnh nhưng lực cầu bắt đáy không hề tăng mạnh, khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 170 triệu cp và giao dịch thỏa thuận 43 triệu cp, tổng giá trị giao dịch đạt 5,440 tỷ đồng.
Phiên giảm điểm của VN-Index thực tế diễn ra trong phiên ATC, trước đó chỉ số này đã hồi nhẹ khi chạm ngưỡng hỗ trợ 990-992 điểm. Tuy nhiên, ngay khi phiên ATC chuẩn bị khép lại, cổ phiếu VCB bất ngờ khớp lệnh hơn 452,000 cp ngay giá 87,500 đồng. Lệnh này khiến VCB đóng cửa tại mức thấp nhất phiên, ghi nhận giảm 2.23%.
Tương tự, cổ phiếu VNM cũng bị kéo về vùng giá 122,000 đồng/cp khi thị trường khép lại.
Đà giảm của VCB và VNM đã “đóng góp” vào hơn 3 điểm giảm của chỉ số VN-Index. Thêm vào đó, SAB đảo chiều từ tăng sang giảm hơn 2% cũng là yếu tố khiến VN-Index rớt mạnh, mất luôn mốc 990 điểm.
Lưu ý rằng hôm nay là ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng tương lai VN30F1911, và lượng OI đầu ngày còn hơn 22,600 hợp đồng mở.
Cũng cần nói thêm, ngoài những diễn biến hơi bất thường đó ra, thị trường chung hôm nay khá tiêu cực, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ giảm mạnh. Chẳng hạn EIB giảm sàn, VPB giảm hơn 4.3%, TCB giảm 3.7%, MWG giảm hơn 3%, FRT gần 2%...
Ông lớn ngành thép là HPG giảm 1.79% và còn bị khối ngoại bán ròng khoảng 1.7 triệu cp. Ngược lại, HSG vẫn tăng, cùng VGS là hai mã thuộc ngành thép tăng giá.
FLC đảo chiều giảm, dứt chuỗi tăng ấn tượng trước đó với khối lượng giao dịch chưa bằng 50% phiên giao dịch liền trước. ROS cũng giảm, khớp lệnh không bằng phiên trước nhưng vẫn dẫn đầu toàn thị trường.
Hôm nay khối ngoại bán ròng mạnh hơn 300 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó KDH bị bán 10 triệu cp, khả năng là Vinacapital đã bán xong.
Phiên sáng: Nguy cơ giảm sâu tăng lên?
Với lực cầu bắt đáy yếu ớt, thị trường tiếp tục giảm sâu khi phiên sáng khép lại. Chỉ số VN-Index mất 6.39 điểm, giảm 0.64%, tạm dừng dưới mốc 995 điểm, HNX-Index giảm 0.47%, tạm dừng ở 104.42 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn HOSE phiên sáng còn chưa đến 90 triệu cp, trong đó khớp lệnh chỉ hơn 77 triệu cp, tương ứng giá trị khớp lệnh 1,649 tỷ đồng. ROS, FLC, HPG, HSG và CTG là 5 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn này.
Thanh khoản yếu cho thấy tâm lý nhà đầu tư khá bị quan, do đó ngại bắt đáy dù nhiều mã giảm sâu.
Theo đánh giá của Phòng Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock, mốc 1,000 điểm vẫn luôn là thử thách tâm lý khó vượt qua của thị trường hiện nay. Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật, việc xuất hiện thường xuyên của những cây nến đỏ có thân dài chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư đang khá bi quan và thận trọng trong ngắn hạn. Việc phá vỡ trendline hỗ trợ ngắn hạn khiến cho nguy cơ điều chỉnh sâu tăng lên. Theo nguyên lý đối xứng (symmetry) thì mục tiêu giá trong thời gian tới sẽ là vùng 965-970 điểm nếu VN-Index vẫn duy trì dưới trendline ngắn hạn đến hết tuần này.
Rủi ro giảm sâu đang hiện diện
|
Cổ phiếu MBG có phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp trong tình trạng trắng bên mua, mức giảm sau 5 phiên đã thổi bay khoảng gần nữa thành quả tăng dựng đứng trước đó.
TTB sáng nay giảm cận sàn trở lại sau phiên tăng nhẹ hôm qua, HĐQT CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (HOSE: TTB) đã ra Nghị quyết mua lại 1 triệu cp TTB để làm cổ phiếu quỹ. Theo thông tin công bố, ngân sách dự kiến của phía Tiến Bộ sẽ là 12 tỷ đồng cho đợt mua cổ phiếu quỹ lần này. Như vậy, Công ty có thể chi tối đa 12,000 đồng cho mỗi cổ phần.
Một cổ phiếu nóng khác là CLG có phiên giảm sàn thứ 3 sau chuỗi tăng trần 21 phiên trước đó. Ngày 19/11 vừa qua, CTCP Kỹ thuật Xây dựng An Pha và CTCP Kỹ thuật Xây dựng và Vật liệu Xây dựng (Cotec Group) đã đăng ký thoái toàn bộ cổ phần tại Cotecland.
Cụ thể, Xây dựng An Pha muốn bán 102,070 cp còn Cotec Group, công ty mẹ của Cotecland, đăng ký bán đến 11.59 triệu cp CLG (tương ứng tỷ lệ sở hữu 54.8%) trong khoảng thời gian từ 25/11 - 24/12/2019.
10h30: Cung giá thấp gia tăng, VN-Index rớt mốc 1,000
Bên bán đang chiếm ưu thế với nguồn cung giá thấp gia tăng trong khi lực cầu bắt đáy vẫn còn khá yếu. Chỉ số VN-Index nhanh chóng rớt mốc 1,000, có lúc lùi về mốc 995 điểm.
Toàn thị trường có hơn 250 mã giảm điểm và chỉ 162 mã tăng giá, nhóm cổ phiếu lớn, mà đại diện là chỉ số VN30 đang rớt mạnh nhất. Rổ này chỉ còn 1 mã tăng là SAB, đây cũng là cổ phiếu lớn duy nhất thể hiện vai trò kéo chỉ số.
Và tất nhiên một mình SAB là chưa đủ, phía bên kia chuyến tuyến, VIC và VNM đã góp hơn 2 điểm vào đà giảm của VN-Index. Cổ phiếu ngân hàng cũng đang giao dịch khá tiêu cực, VCB, TCB, MBB, BID, TPB, VPB, EIB… đồng loạt giảm.
CTG là ngân hàng hiếm hoi tăng giá và cũng đang nằm trong top 5 mã có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn HOSE, đạt hơn 1.8 triệu cp.
Hiện, bộ đôi FLC và ROS dẫn đầu toàn thị trường về khối lượng giao dịch. Hiện ROS giảm điểm còn FLC tăng nhẹ. Phiên giao dịch hôm qua, FLC đột biến với gần 28 triệu cp được chuyển giao và đóng cửa ở giá trần. FLC hiện đang trở thành tâm điểm của thị trường, nhất là khi mà Tập đoàn này có tham gia góp vốn vào đợt tăng vốn lên 1,200 tỷ của FLCHOMES (FHH) – đơn vị vừa bị UBCKNN yêu cầu hoàn tiền cho nhà đầu tư.
Về chỉ số HNX-Index, sau mức giảm mạnh đầu phiên thì hiện còn giảm 0.41%.
Trước giờ giao dịch: Có giữ được mốc 1,000?
Giới chuyên môn vẫn kỳ vọng VN-Index biến ngưỡng tâm lý 1,000 điểm thành mốc hỗ trợ để tăng trở lại. Nhưng trong trường hợp xấu hơn, vùng hỗ trợ mạnh 990-995 điểm sẽ kích thích dòng tiền tham gia bắt đáy.
Sau khi chạm ngưỡng cao nhất trong tuần đầu tháng 11, chỉ số VN-Index liên tục có sự điều chỉnh, tính từ vùng đỉnh đó, đến phiên hôm qua (20/11) chỉ số sàn HOSE đã mất hơn 28 điểm, tạm dừng ngay mốc 1,000 điểm.
Việc giữ được mốc 1,000 điểm lúc này trở thành một thách thức lớn, song trong trường hợp xấu hơn, các CTCK đưa ra nhận định thị trường sẽ lùi về vùng hỗ trợ mạnh 990-995 điểm. Điều này cũng hoàn toàn xảy ra bởi nhìn chung, thị trường vẫn thiếu sự tăng điểm một cách đồng bộ, chỉ số VN-Index vượt 1,000 điểm trong những ngày đầu tháng 11 hoàn toàn nhờ vào “kéo” một vài cổ phiếu trụ.
Do đó, khi một vài trụ không còn duy trì đà tăng, trong khi các trụ khác chưa ra mặt để “gánh” thì thị trường điều chỉnh trở lại.
Thông tin đáng chú ý nhất trong nước lúc này vẫn là việc giảm lãi suất cho vay. Nhiều ý kiến đánh giá khá tích cực mà thông tin giảm lãi suất mang lại cho thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Nhưng có vẻ như sự vận động thị trường đang khá trái ngược.
Nhận định về phiên giao dịch hôm nay, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho biết, VN-Index có phiên diễn biến tiêu cực dưới áp lực điều chỉnh mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng và nhóm họ Vingroup. Khi mà đà phục hồi bị dập tắt trong thời gian ngắn, ngưỡng hỗ trợ 1,000 điểm sẽ gặp thử thách lớn và áp lực bán có thể khiến chỉ số lùi sâu xuống vùng hỗ trợ mạnh tại 990 - 995. Các chỉ số động lượng cũng đang chuyển biến tiêu cực hơn và đều đang hướng xuống dưới.
Tri Nhân
FILI
|