Nhịp đập Thị trường 20/11: Trở về mốc 1,000 điểm
Chỉ số VN-Index kết phiên giảm 7.79 điểm và đạt 1,000.56 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.58 điểm và đạt 104.91 điểm. Độ rộng thị trường thu hẹp nhưng vẫn nghiêng về bên bán với 255 mã tăng và 298 mã giảm điểm.
Lực cung được đẩy mạnh trong phiên chiều trên nhóm Large Cap và bên mua cũng phản ứng khá tốt với điều này, khi khối lượng trong phiên chiều tại rổ VN30 tăng gần 30% so với phiên sáng. Độ rộng trong rổ VN30 nghiêng hẳn về bên bán với 25 mã giảm, 4 mã tăng và 1 mã đứng giá. Trong đó, số mã giảm hơn 1% là 11 mã, với 2 mã GAS và FPT điều chỉnh hơn 2%. Khối ngoại cũng tích cực “xả hàng” hầu hết các mã trong nhóm, song mua ròng mạnh VRE, HDB và VHM.
Nhóm ngân hàng chỉ có 3 mã tăng điểm là HDB, SHB và KLB. Trong khi số mã giảm là 10, với ACB, VCB, TCB, STB, VPB và EIB điều chỉnh mạnh hơn 1%. Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo hạ trần lãi suất huy động và giảm lãi suất tiền gửi tối đa. Diễn biến nhóm dầu khí cũng tương tự với PVD, PVS, PVC, PVB chìm trong sắc đỏ.
Ngoại trừ nhóm bất động sản khu công nghiệp và cao su duy trì được sự lạc quan, đa số các nhóm ngành khác đều phân hóa hoặc chìm trong sắc đỏ. Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ được đẩy mạnh với điểm nhấn nằm ở các mã HVG, ASM, GAB và FTS khi tăng trần và đạt thanh khoản tốt.
Bán buôn hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.2%. Ngược lại, công nghệ và thông tin là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 2.36%.
Khối ngoại bán ròng hơn 11 tỷ đồng trên sàn HOSE và gần 4 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở các cổ phiếu HPG, VIC, GAS trên sàn HOSE. VCS, DHT, CEO, PVS là các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
14h00: Thu hẹp đà giảm sau khi chạm ngưỡng 1,000 điểm
Các hoạt động “đạp” trụ một lần nữa khiến VN-Index rớt mạnh, song đà giảm đã nhanh chóng được thu hẹp sau khi chỉ số chạm mốc 1,000 điểm.
Tính đến 14h00, độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 307 mã giảm và 212 mã tăng.
Số mã giảm hơn 1% tại rổ VN30 đã đạt con số 9, với HPG, SAB, STB và GAS điều chỉnh mạnh hơn 1.5%, đồng thời cũng đang bị khối ngoại bán ròng. Trong khi đó, số mã tăng tại rổ này chỉ còn 3 mã là VJC, HDB và MSN và hiện đang nhích nhẹ trên mốc tham chiếu.
Sự tiêu cực ở nhóm Large Cap cũng đã một phần lan qua các nhóm ngành khác trên thị trường, điển hình như nhóm thủy sản, phân bón, chứng khoán… khi các nhóm này bị sắc đỏ xâm chiếm. ACL và CMX ở nhóm thủy sản, VIX và IVS ở nhóm chứng khoán là những mã điều chỉnh sâu hơn 2%.
Tuy nhiên, cũng có vài nhóm đi ngược với thị trường khi tăng mạnh trong phiên chiều. Nhóm bất động sản khu công nghiệp là 1 ví dụ khi số mã tăng hơn 2% đạt tới con số 5, cụ thể là SZL, SIP, TIP, SZC và KBC, tuy chỉ có KBC và SZL là tăng mạnh kèm thanh khoản đột biến. Nhóm cao su cũng có diễn biến tương tự khi DPR, GVR và PHR đều tăng hơn 2% kèm khối lượng lớn. Theo góc nhìn kỹ thuật, cả ba đều đã trải qua một nhịp điều chỉnh trung hạn và đang trong nhịp hồi phục sau khi đã test thành công đáy cũ trong quá khứ.
Sau phiên dự báo về một nhịp hồi trong ngắn hạn trong hôm qua khi lực cầu mạnh bắt đáy gia nhập cổ phiếu, TTB đã tăng trần trở lại trong tình trạng trắng bên bán. Ngoài ra, nhiều khả năng phiên tăng trần trở lại này cũng la do ảnh hưởng từ thông tin Tiến Bộ muốn mua 1 triệu cổ phiếu quỹ, sau khi doanh nghiệp đã có văn bản giải trình cho biết “không thực hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào có tác động đến việc giảm giá chứng khoán của Công ty trên thị trường, việc mua bán do nhu cầu của nhà đầu tư, nằm ngoài kiểm soát của Công ty”.
Bán buôn hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.01%. Ngược lại, tiện ích hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.37%.
Phiên sáng: Lại thêm 1 cú "đạp"
Chỉ số VN-Index kết phiên sáng giảm 4.06 điểm và đạt 1,004.29 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.32 điểm và đạt 105.17 điểm.
Tới cuối phiên sáng, độ rộng thị trường lớn dần và nghiêng về bên bán với 198 mã tăng và 260 mã giảm điểm.
Một lực cung mới lại được đẩy ra trên rổ VN30 khiến số mã giảm đạt 23, số mã tăng còn 5 và 2 mã đứng giá. Trong số mã giảm thì có 5 mã giảm hơn 1% là GAS, SAB, VPB, HPG và ROS. Ngoại trừ ROS được mua ròng hơn 1 triệu cổ phiếu và mã VPB không được giao dịch, cả 3 mã còn lại đều bị khối ngoại bán ròng. Ở chiều ngược lại, VJC dẫn đầu nhóm hiện sắc xanh ở mức 0.6%.
Nếu xét về mức độ ảnh hưởng tới VN-Index thì dẫn đầu ở chiều giảm là các ông lớn ở từng ngành, cụ thể là VIC, GAS, VCB, SAB và VHM, qua đó tạo sức ép khiến chỉ số mất gần 2 điểm.
Dòng tiền tập trung chủ yếu vào nhóm Large Cap trên thị trường, qua đó khiến đa số các ngành trên thị trường đều phân hóa, điển hình như bất động sản khu công nghiệp, thủy sản, chứng khoán, dệt may… Song vài điểm nhấn riêng biệt vẫn được tìm thấy, chẳng hạn như KBC và SZL với mức tăng hơn 3% cùng thanh khoản lớn ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, FTS bất ngờ tăng trần trong tình trạng trắng bên bán ở nhóm chứng khoán. Nếu nhìn từ góc nhìn kỹ thuật, diễn biến của KBC và SZL đều rất khả quan.
Sắc đỏ đã xâm chiếm nhóm ngân hàng khi toàn nhóm chỉ có 4 mã hiện sắc xanh là VBB, SHB, VIB và EIB. Trong khi đó, NVB, LPB và VPB là những mã giảm mạnh hơn 1%, còn lại đều lùi nhẹ dưới tham chiếu.
Diễn biến chỉ số HNX-Index cũng không mấy tích cực khi dành hầu hết thời gian dưới mốc tham chiếu, với tác nhân chính đến từ ACB, MBG và HHC.
Bán buôn hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.88%. Ngược lại, tài chính khác hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.06%.
Khối ngoại bán ròng hơn 20 tỷ đồng trên sàn HOSE và gần 4 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở các cổ phiếu HPG, VIC, VCB trên sàn HOSE. VCS, CEO, PVS là các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h30: Dòng tiền đang thận trọng?
Một lực cung mạnh được đẩy ra trên nhóm Large Cap đã khiến VN-Index rơi khỏi mốc tham chiếu và giảm gần 3 điểm. Tuy nhiên, nếu nhìn về khối lượng giao dịch thì có thể thấy lực cầu bắt đáy là không lớn khi rổ khối lượng giao dịch trên rổ VN30 chỉ mới đạt được gần 18 triệu cổ phiếu.
Tính đến 10h20, độ rộng thị trường lớn dần và nghiêng về bên bán với 186 mã tăng và 211 mã giảm điểm.
Độ rộng tại rổ VN30 cũng tương tự với 21 mã giảm, 7 mã tăng và 2 mã đứng giá. Hầu hết các mã trong rổ này đều dao động trong biên độ 1%, chỉ có ROS (được khối ngoại mua ròng hơn 1 triệu cổ phiếu), HPG và SBT là giảm hơn 1% và REE tăng hơn 1%. Xét về mức độ ảnh hưởng tới VN-Index thì VHM vẫn là trụ chính, đối trọng là VIC và GAS.
Cơn nằm sàn ở C69 nhóm xây dựng đã tạm chấm dứt khi mã hiện giảm gần 4%. Với diễn biến xanh đỏ xen kẽ ở từng phiên cùng thanh khoản thấp trong 1 tuần qua, nhiều khả năng giá đang trở lại với nhịp tích lũy tại đỉnh cũ tháng 05/2019. Trong khi đó, diễn biến nhóm xây dựng đang phân hóa với biên độ dao động cũng chỉ nằm trong mức 1%.
CLG đã kết thúc chuỗi tăng trần và nằm sàn trở lại trong 2 phiên liên tiếp. Ngoài ra, CTCP Kỹ thuật Xây dựng và Vật liệu Xây dựng (CLG) đã có thông báo đăng ký bán toàn bộ 11.6 triệu cổ phiếu CLG (tương đương 54.8% vốn), với nhiều khả năng đây là động thái “chốt lời” sau khi mã này đã tăng trưởng hơn 200% nếu tính từ giữa tháng 10/2019.
FLC đang dẫn đầu sàn HOSE về khối lượng khi đã được khớp hơn 18 triệu cổ phiếu, trong khi mã đứng nhì là ROS mới chỉ khớp đc hơn 3.7 triệu cổ phiếu. Mã này cũng đã mất sắc tím và đang tăng 6.5%. Trong khi đó, một mã khác thuộc họ FLC là GAB đã tăng trần trở lại.
Bộ đôi IDI và ASM đồng loạt có bứt phá trong phiên sáng nay với mức tăng lần lượt là 1.5% và 3.3%, song nếu nhìn vào thanh khoản thì không thấy được mấy sự hưng phấn.
Bán buôn hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.43%. Ngược lại, tài chính khác hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.33%.
Mở cửa: FLC tăng trần
Thị trường mở phiên với sự thận trọng từ nhà đầu tư khi các chỉ số thị trường đang giằng co ngay trên mốc tham chiếu.
Tính đến 9h30, độ rộng thị trường rất hẹp với 143 mã tăng và 146 mã giảm điểm.
Độ rộng trong rổ VN30 cũng tương tự và đang nghiêng về bên bán khi cả rổ có 9 mã tăng, 13 mã giảm và 8 mã đứng giá. Sắc xanh trên VHM hiện là trụ chính giúp củng cố VN-Index, theo sau là bộ đôi ngành hàng không HVN và VJC. Trong khi đó, VIC và GAS là tác nhân chính gây sức ép lên chỉ số
FLC đã khớp được hơn 10 triệu cổ phiếu trong vài phút sau phiên ATO và hiện đang nằm trần trong tình trạng trắng bên bán, với dư bán trần hơn 3 triệu cổ phiếu.
Hai mã họ FLC khác là ROS và HAI cũng đang dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE. Trong đó, ROS được khối ngoại mua ròng hơn 1 triệu cp.
Việc giá dầu tiếp tục giảm trong bối cảnh dư thừa nguồn cung khiến nhóm dầu khí mở phiên không mấy tích cực. PVD, OIL và PVS đều hiện sắc đỏ, còn hai Large Cap PLX và GAS lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu
Bán buôn hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.43%. Ngược lại, công nghệ và thông tin hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.71%.
Lý Hỏa
FILI
|