Nhịp đập Thị trường 08/11: Phiên giảm thứ 2 liên tiếp
VN-Index kết phiên đạt 1,022.49 điểm, giảm 1.54 điểm; HNX-Index tăng 0.39 điểm và đạt 107.27 điểm. Độ rộng thị trường cũng khá cân bằng với 294 mã tăng điểm và 299 mã giảm điểm.
Trong khi VN-Index dành hầu hết thời gian trên mốc tham chiếu vào phiên sáng, chỉ số đã dành toàn bộ thời gian trong phiên chiều nằm dưới mốc này, trong bối cảnh bộ ba VHM, VIC và VRE là những tác nhân chính tạo nên điều này. VRE là mã bị ép giá mạnh nhất khi kết phiên giảm 1.6%, theo sau là VHM ở mức 1% và VIC ở mức 0.2%. Khối ngoại thì mua ròng VHM, VRE và bán ròng VIC.
Nhóm bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ được sự tích cực khi kết phiên chỉ vài mã hiện sắc đỏ như D2D, SIP, MH3, NTC. VC3 là mã ấn tượng nhất khi tăng 7.3%, theo sau là IDC với mức tăng 4.8% (nhiều khả năng thông tin mã này sẽ được niêm yết trên sàn HNX sau 2 năm được niêm yết trên sàn UPCoM đã bổ trợ cho giá). Thanh khoản xuất hiện trở lại trên HPI khi mã này giảm sàn và rơi về vùng tịch lũy cũ trong quá khứ.
Dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm Large Cap khiến đa phần nhóm ngành trên thị trường phân hóa. Nhóm đầu cơ nổi bật trên thị trường thì có NVT, TIG, HVG, HCD là nổi bật.
Chỉ số HNX-Index vẫn giữ được sắc xanh nhờ vào công lớn đến từ ACB, CDN và VCG.
HDB kết phiên là mã tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng ở mức 1.7%, dù đà tăng nếu so với phiên sáng thì đã bị thu hẹp dần. Phải chăng sắc xanh này đến từ thông tin rổ MSCI Frontier Markets Index cũng đã công bố sẽ thêm HDB vào rổ trong kỳ cơ cấu danh mục quý 4/2019? MBB, BID, STB là những gương mặt điều chỉnh trong nhóm.
Sản xuất phụ trợ hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.67%. Ngược lại, khai khoáng hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.57%.
Khối ngoại mua ròng gần 3 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng 0.21 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu VHM, VRE, MSN trên sàn HOSE. CEO là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
14h: Ngày càng bi quan
Lực bán được đẩy mạnh ở phiên chiều đã khiến VN-Index vẫn chưa lấy lại được sắc xanh. Độ rộng thị trường cũng đã nghiêng hẳn về bên bán với 233 mã tăng điểm và 308 mã giảm điểm.
Sắc xanh dần mai một trên rổ VN30 khi cả rổ chỉ còn 8 mã tăng, 17 mã giảm và 5 mã đứng giá/ HDB vẫn dẫn đầu rổ về mức tăng khi hiện tăng gần 2%, song khối ngoại lại “xả hàng” mạnh mã này. Về bức tranh kinh doanh 9 tháng đầu năm thì HDB tăng trưởng khá tốt khi thu nhập lãi thuần tăng 25% lên mức 6,859 tỷ, kết quả mức lãi sau thuế 9 tháng đầu năm của HDBank cũng là mức cao nhất từ trước đến nay với 4,330 tỷ đồng. Đây chắc hẳn là động lực đằng sau nhịp tăng từ cuối tháng 09/2019 tới nay của cổ phiếu. Hiện tại theo góc nhìn kỹ thuật thì mã đang gặp ngưỡng cản ở vùng 29,700-30,400.
Bộ ba nhà Vingroup là VHM, VIC và VRE đều chìm trong sắc đỏ và là những tác nhân chính cho sắc đỏ hơn 2 điểm của VN-Index. Trong khi đó, bộ ba nhóm thực phẩm - đồ uống là MSN, SAB và VNM là những trụ giúp thu hẹp đà giảm của chỉ số.
Nhóm thủy sản tiếp tục phân hóa trong phiên hôm nay với số mã tăng, giảm khá đồng đều. IDI, MPC lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu, MPC điều chỉnh gần 2%, trong khi BLF bứt phá 5% và HVG tiếp tục chuỗi tăng trần. Với thông tin Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở nhóm này như IDI, VHC, HVG được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh quý 4/2019 khởi sắc hơn.
Nhóm chứng khoán vẫn tràn ngập sắc xanh, song cũng đã có vài điều chỉnh ở mức tăng từng mã. Sắc xanh ở HCM đã thu hẹp còn dưới 1%, trong khi BSI gia nhập nhóm tăng hơn 2% cùng SHS, IVS và TVB. VND và SSI thì mất luôn sắc xanh và đang dậm chân tại mốc tham chiếu.
Trạng thái ở nhóm ngân hàng chuyển từ tích cực thành phân hóa khi số mã giảm đã cân bằng với số mã tăng. NVB, EIB, BID giảm hơn 0.5% còn TCB, VBB, ACB, HDB tăng hơn 0.5%.
Bán buôn hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 0.58%. Ngược lại, bán lẻ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.19%.
Phiên sáng: Lại là một phiên giằng co?
Kết phiên sáng, VN-Index giảm 0.91 điểm và đạt 1,023.12 điểm; HNX-Index tăng 0.47 điểm và đạt 107.35 điểm. Thanh khoản ở sàn HOSE trong phiên sáng nay thấp hơn hôm qua khi tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 81 triệu cổ phiếu, giảm gần 14% so với phiên sáng hôm qua.
Tại thời điểm kết phiên sáng, độ rộng thị trường khá cân bằng với 247 mã tăng điểm và 239 mã giảm điểm.
Tình trạng đảo trụ tiếp tục diễn ra tại nhóm VN30, qua đó khiến VN-Index liên tục rung lắc quanh mốc tham chiếu. Song điều không đổi ở nhóm chính là mức giảm 2% ở ROS và mức tăng hơn 2% ở HDB. VHM, BID, VIC kết phiên sáng là những lý do khiến chỉ số hiện sắc đỏ, đối trọng với những mã này là MSN, TCB, SAB.
Sự phân hóa vẫn diễn ra tại nhóm dệt may, song tại nhóm vẫn xuất hiện vài điểm sáng, cụ thể là TCM, TNG với mức tăng hơn 1%. Cả hai mã này đều đã trải qua một đợt điều chỉnh mạnh và hiện đang tích lũy trở lại tại những đáy cũ trong quá khứ. Tuy nhiên, với bức tranh kinh doanh không mấy khởi sắc trong 9 tháng đầu năm 2019 của ngành này với nhiều nguyên nhân đến từ vấn đề về quy tắc xuất xứ từ sợi và từ vải, sự gia tăng ở chi phí sản xuất, nguyên vật liệu, dự kiến tình trạng phân hóa ở nhóm nói chung, và tình trạng đi ngang ở các cổ phiếu nói riêng sẽ còn tiếp diễn cho tới cuối năm khi 2 tháng là khoảng thời gian quá ít để các doanh nghiệp có điều chỉnh.
Diễn biến nhóm bất động sản khu công nghiệp tiếp tục cho thấy sự lạc quan khi đa số các mã điều chỉnh đều dưới 1%, trong khi ở chiều tăng có hàng loạt mã bứt phá như LHG, IDC, SNZ và VC3. VC3 hiện là điểm nhấn chính trong nhóm khi tăng gần 5% cùng thanh khoản lớn, mặt khác theo góc nhìn kỹ thuật, mã đã vượt khỏi đỉnh cũ tháng 12/2018 và xác nhận về một nhịp tăng mới trở lại ở mã này. Trong khi đó, đa phần các nhóm còn lại trên thị trường đều đang trong tình trạng phân hóa.
Chỉ số HNX-Index giành cả phiên sáng trên mốc tham chiếu, với trụ chính là ACB khi mã này đóng góp tới 0.47 điểm vào chỉ số, theo sau là SHS, PGS. Ở chiều giảm điểm, VCS, SEB và PHP là những tác nhân khiến sắc xanh của chỉ số bị thu hẹp.
Sản phẩm cao su hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.06%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.97%.
Khối ngoại mua ròng hơn 12 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 1 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở các cổ phiếu VHM, VRE, HPG trên sàn HOSE. PVS, CEO. SHB, SHS là các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h25: Áp lực bán gia tăng
Áp lực bán lớn dần ở nhóm Large Cap đã đẩy các chỉ số thu hẹp đà tăng, đặc biệt hơn là đả đẩy VN-Index rơi khỏi mốc tham chiếu.
Tới 10h25, độ rộng thị trường tuy nghiêng về bên mua song đã thu hẹp lại so với đầu phiên, 242 mã tăng điểm và 214 mã giảm điểm.
Bộ đôi VHM và VRE đã điều chỉnh trở lại trong phiên sáng nay và hiện đạt thanh khoản thấp chứng tỏ lực cầu đã suy yếu và bên bán đang chiếm ưu thế. Nếu tình trạng thanh khoản thấp tiếp diễn ở những phiên tới, cộng với đó là cả hai mã này không công bố thông tin tích cực nào mới, một nhịp điều chỉnh sẽ là không thể tránh khỏi ở bộ đôi này. Điều bất ngờ là khối ngoại vẫn đang tích cực “gom hàng” hai mã này. VIC - anh cả của bộ đôi này cũng đang điều chỉnh ở mức 0.4%.
Sắc xanh rơi rớt dần trên rổ VN30 đã khiến cả rổ còn 11 mã tăng, 14 mã giảm và 5 mã đứng giá. Hàng loạt các mã đã đảo chiều giảm trở lại như GAS, BID, CTD, BID đã khiến VN-Index mất trụ chống đỡ, cùng với sức ép lớn dần trên VHM, VIC đã đẩy chỉ số rơi khỏi mốc tham chiếu.
Diễn biến nhóm chứng khoán đầy sôi động với sắc xanh tràn ngập khắp nhóm, với những mức tăng ấn tượng từ SHS (hơn 3%), VND, HCM, VCI và TVB (hơn 1%). Ngoại trừ VND thì các mã còn lại đều được khối ngoại mua ròng. Với những diễn biến hiện tại trên thị trường khi VN-Index đã bứt phá khỏi mốc 1,005 điểm, qua đó xác nhận một xu hướng tăng trưởng mới, kết quả kinh doanh ở quý 4/2019 của các công ty chứng khoán được dự kiến sẽ có sự khởi sắc khi dòng tiền được đẩy mạnh trở lại trên thị trường. Chắc hẳn điều này đã giúp các mã nhóm chứng khoản tích cực hơn, với mã dần đầu là HCM khi hồi phục sớm nhất từ tháng 08/2018 và đã thoát khỏi xu hướng giảm dài hạn trước đó.
Tương tự như diễn biến ở nhịp hồi trước đó, C69 đã nằm sàn trở lại sau 2 phiên tăng trần, song tại 10h17, một 1000 lô cổ phiếu được khớp tại mức giá 14,100 đồng. Phải chăng đang có một nhóm người muốn đẩy cổ phiếu lên xa hơn? Trong khi đó, diễn biến tại nhóm này lại khá phân hóa, với biến động các mã chỉ xoay quanh mức 1%, ví dụ như DPG, BAX, L14 tăng gần 1%, còn BCE, TDC giảm gần 1% và HBC, CTD, CII đứng giá.
Tuy số mã tăng đã giảm bớt, nhóm ngân hàng vẫn khá tích cực khi chỉ có TPB và BID điều chỉnh. EIB xanh trở lại, HDB, ACB tăng hơn 1% là những điểm nhấn ở nhóm.
Sản phẩm cao su hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.06%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.97%.
Mở cửa: Mở cửa với sự lạc quan
Thị trường mở cửa đầy lạc quan với sắc xanh trên khắp các chỉ số, với nhiều khả năng các thông tin khởi sắc về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (cụ thể là đang có tín hiệu Mỹ, Trung cùng nhất trí rút lại thuế quan ) đã có ảnh hưởng tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.
Tới 9h30, độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên mua với 225 mã tăng điểm và 118 mã giảm điểm.
Rổ VN30 mở cửa với sắc xanh tràn ngập khi cả rổ có 20 mã tăng, 4 mã giảm và 6 mã đứng giá. Những mã điều chỉnh gồm có EIB ở mức gần 3% (sau khi đột ngột tăng hơn 5% sau phiên ATC hôm qua), HPG và PNJ ở mức dưới 0.5% (chủ yếu do cung lớn hơn cầu) và ROS.
Về mức độ ảnh hưởng tới VN-Index, mức độ đóng góp ở ở hàng loạt các Large Cap như GAS, VNM, BID, MSN…. là bằng nhau ở mức trung bình 0.2 điểm. Ở chiều ngược lại, EIB, ROS và MWG là những tác nhân kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Sự tích cực được biểu lộ ở nhóm ngân hàng với chỉ 1 mã hiện sắc đỏ. HDB và VIB hiện là điểm nhấn trong nhóm với mức tăng hơn 1% và nhiều khả năng đà tăng này sẽ còn mạnh hơn cho tới cuối phiên.
Tín vui đến từ giá dầu cũng đã tạo động lực ở nhóm dầu khí, cụ thể là PVD, PVC, PVS đều hiện sắc xanh hơn 0.5%, GAS tăng nhẹ 0.4%.
Chứng khoán hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.6%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.05%.
Lý Hỏa
FILI
|