Thứ Năm, 21/11/2019 10:08

Lộ hàng loạt công trình 'khủng' không phép ở TP HCM

Nhiều công trình không phép có quy mô lớn được tồn tại, trong khi người dân xây tường rào chống trộm cũng bị buộc phá bỏ

Đó là nghịch lý đang diễn ra ở huyện Nhà Bè, TP HCM. Nghịch lý này khiến người dân trong khu vực bức xúc và yêu cầu phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các bên liên quan để pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh.

"Họ đã không coi ai ra gì!"

Có mặt tại những khu đất nằm trong vùng quy hoạch mở rộng KCN Hiệp Phước trên đường Nguyễn Văn Tạo (xã Long Thới, huyện Nhà Bè), chúng tôi ngỡ ngàng bắt gặp nhiều nhà xưởng không phép, nhiều trụ sở công ty bề thế mọc dọc hai bên đường.

Lộ hàng loạt công trình khủng không phép ở TP HCM - Ảnh 1.
Công trình nhà xưởng quy mô lớn xây dựng không phép vẫn được tồn tại (ảnh trái), trong khi công trình nhỏ lại bị tháo dỡ Ảnh: LÊ PHONG

Đơn cử, nhà xưởng Công ty CP Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Anh Đào, xây dựng từ hơn 2 năm nay, tường rào chắc chắn với diện tích cả ngàn mét vuông. Trong khi đó, hỏi những người xung quanh thì chúng tôi được biết từ lâu, họ dù có đất nhưng vẫn không thể xây cất nhà vì vướng quy hoạch, vì là đất nông nghiệp.

Lộ hàng loạt công trình khủng không phép ở TP HCM - Ảnh 2.

Trường hợp của bà Võ Thị Ngọc (51 tuổi) là ví dụ điển hình, khi mảnh đất vườn do ông bà để lại nằm phía sau Công ty CP Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Anh Đào, nhiều năm nay không thể xây tường rào. Bà Ngọc kể năm 2017, gia đình bà mua tôn và xi-măng về chuẩn bị triển khai thì bị nhắc nhở. Đến năm 2018, gia đình tiếp tục ý định làm rào chắn chống trộm thêm thì vẫn bị cán bộ xã đến ngăn chặn. Phóng viên ghi nhận trên các tuyến đường thuộc xã Long Thới, huyện Nhà Bè, có không ít căn nhà bị đập đi, tan hoang nằm giữa những bãi đất cỏ um tùm nhưng kề bên lại là các căn nhà kiên cố.

Thực trạng trên khiến cư dân ở đây đặt ra không ít nghi ngờ. Để rồi khi nghe chúng tôi đề cập việc các cơ quan chức năng đã phát hiện nơi đây tồn tại nhiều công trình không phép "khủng" thì bà Ngọc thốt lên: "Họ đã không coi ai ra gì!". Bởi theo bà Ngọc, bản thân bà và không ít người trong khu vực toàn nghĩ các công trình đồ sộ trên địa bàn là có phép, vì có phép mới dám làm lộ thiên như vậy, nhưng ai ngờ…

Tương tự, đường Phạm Hữu Lầu (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cũng xuất hiện nhiều nhà hàng, quán cà phê, karaoke, xưởng kiên cố xen lẫn những căn nhà ngổn ngang bị đập bỏ vì đất nằm trong dự án. Ông N.V.T (chủ công trình nhỏ bị tháo dỡ trên đường Phạm Hữu Lầu) bức xúc khi không thể xây nhà tạm để kinh doanh cà phê. "Người dân ở đây từng làm đơn tố cáo khi cho rằng cùng một thửa đất nhưng có những công trình quy mô lớn lại được tồn tại trong khi nhiều người muốn xây nhà tạm để ở thì liên tục bị làm khó dễ nhưng sự việc cũng chẳng đến đâu" - ông T. hoài nghi.

Thanh tra chỉ mặt, đặt tên

Những hoài nghi của người dân hoàn toàn có cơ sở, bởi Thanh tra TP HCM vừa chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác điều hành, xử lý đơn thư của người dân tại UBND huyện Nhà Bè. Đặc biệt, công tác trật tự xây dựng xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng. Trong đó có đến 4 công trình xây dựng không phép và lấn rạch quy mô diện tích hơn 1.000 m2. Cụ thể, cơ sở tập gym Tuấn Nguyễn, Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng Minh Trí, Công ty CP Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Anh Đào, công trình hạ tầng thửa đất số 05, tờ bản đồ số 20, xã Long Thới.

Nhiều công trình dù phát hiện không phép nhưng UBND cấp xã không lập biên bản xử phạt hành chính. Thậm chí đã có biên bản ghi nhận xây dựng không phép nhưng công trình không được UBND cấp xã ra quyết định xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Thanh tra TP HCM chỉ đích danh xã Long Thới có 14 công trình, xã Phước Kiển có 19 công trình dù có quyết định cưỡng chế nhưng không bắt buộc tháo dỡ, để tồn tại nhiều năm. Đặc biệt, mức phạt nhiều công trình xây dựng không phép tại 2 xã nói trên không thống nhất. Từ đó, xảy ra hiện tượng khiếu nại, tố cáo và so bì trong nhân dân. Các cơ quan trực thuộc UBND huyện Nhà Bè chưa có biện pháp phối hợp để theo dõi, quản lý chặt chẽ nhà, đất... do nhà nước quản lý trên địa bàn.

Chánh Thanh tra TP HCM đã kiến nghị chủ tịch UBND huyện Nhà Bè giao chủ tịch UBND xã khẩn trương xử lý các công trình xây dựng không phép này. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu, tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm.

Người trong cuộc nói gì?

Trước những bức xúc trên, chúng tôi nhiều lần liên hệ UBND huyện Nhà Bè để làm rõ nhưng liên tiếp nhận được lời từ chối… bình luận!

Sau nhiều cố gắng, cuối cùng chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lưu - Bí thư Huyện ủy Nhà Bè. Ông Nguyễn Văn Lưu cho hay nội dung thanh tra kết luận xảy ra lúc ông đang làm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè.

Theo đó, với cương vị người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Lưu thừa nhận đã chỉ đạo điều hành không chặt chẽ dẫn đến nhiều sai phạm. "Bản thân tôi thừa nhận kết luận thanh tra nêu rất rõ những sai phạm và khuyết điểm của bản thân và nhiều cán bộ" - ông Lưu nói.

Trả lời câu hỏi "Người dân bức xúc khi xây nhà tạm bị giật sập trong khi các công trình không phép quy mô lớn lại tồn tại, như vậy có tiêu cực hay không?", ông Nguyễn Văn Lưu chỉ nói: "Thống nhất nội dung kết luận của Thanh tra TP HCM. Trong quá trình làm việc với đoàn thanh tra, chúng tôi có khắc phục, còn cụ thể thế nào đang đợi thanh tra địa bàn và chủ tịch UBND các xã sẽ có báo cáo lại".

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi "Dù biết nhiều công trình xây dựng không phép nhưng đến nay vẫn để tồn tại, vì sao?", Bí thư Huyện ủy Nhà Bè cho rằng cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm mặt bằng mới di dời rồi mới tháo dỡ. Về trách nhiệm cán bộ, hiện nay đã tiến hành kiểm điểm, xử lý cá nhân và tập thể. "Còn sai ra sao, cụ thể thế nào thì phải coi lại nội dung kết luận của Thanh tra TP HCM mới rõ" - ông Lưu nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện Sở Xây dựng TP HCM cho biết đối với những công trình không phép được ủy quyền cho chính quyền địa phương trực tiếp xử lý, giải quyết, trong khi sai phép sẽ phân cấp thanh tra địa bàn giám sát. Tuy nhiên, thực tế tình trạng xây dựng vi phạm tại huyện Nhà Bè diễn ra thời gian trước đây và kéo dài đến nay. Qua kiểm tra, Sở Xây dựng đã xử lý cán bộ phụ trách địa bàn và phối hợp cung cấp thông tin địa phương để có phương án xử lý theo thẩm quyền. 

UBND TP HCM chỉ đạo xử nghiêm

Ngày 20-11, Văn phòng UBND TP HCM cho biết UBND TP vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị sớm hoàn thành việc xử lý các công trình sai phạm tại khu ẩm thực câu cá Tháp Ngà tại ấp 3, xã Phước Kiển và khu nghỉ dưỡng thể thao, giải trí Vườn Thiên Thanh, xã Hiệp Phước và các địa điểm khác trên địa bàn huyện Nhà Bè.

"Trường hợp chủ đầu tư của các công trình sai phạm, vi phạm thời hạn cam kết tự tháo dỡ thì kiên quyết tổ chức cưỡng chế thi hành. Các đơn vị báo cáo kết quả cho UBND TP trước ngày 15-12-2019" - văn bản của UBND TP HCM nêu rõ.

Ph.Anh

Hãy nhớ 1 công trình có hơn chục đầu mối quản lý

Nguyên lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM (xin giấu tên) cho biết một công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, kho xưởng chịu sự quản lý và trách nhiệm của nhiều cá nhân, đơn vị. Cụ thể, UBND cấp xã - phường (gồm cán bộ quản lý trật tự đô thị, công an khu vực, cán bộ địa chính, tổ khu phố, lãnh đạo UBND cấp xã, phường), cấp quận - huyện (đội quản lý trật tự đô thị, cán bộ Phòng Quản lý đô thị, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường), thanh tra xây dựng phụ trách địa bàn...

"Như vậy một công trình xây dựng diễn ra có hơn 10 cá nhân, tổ chức giám sát, báo cáo" - vị nguyên lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM khẳng định.

L.Phong

LÊ PHONG - BẢO NGỌC

Người lao động

Các tin tức khác

>   Vì sao Lã Vọng 'câu' được một loạt 9 khu đất vàng giữa thủ đô? (21/11/2019)

>   Đem đất của khách hàng bán cho xã hội đen ? (20/11/2019)

>   Làm rõ trách nhiệm cá nhân sai phạm ở các dự án tại Sơn Trà (20/11/2019)

>   Baria Residence - khu dân cư sở hữu vị thế độc tôn, hứa hẹn mang lại lợi nhuận kép cho cư dân (20/11/2019)

>   Ngành xây dựng: CTD tự “trói chân”, CII dẫn đầu nợ, PVX là “trùm” lỗ… (20/11/2019)

>   Ai giúp sức nguyên Trưởng BQL rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ 'thâu tóm' 85 ha đất? (18/11/2019)

>   TP.HCM tiếp tục lùi ngày giải tỏa cư xá Thanh Đa (18/11/2019)

>   Di dời ga Đà Nẵng: Tốn hơn 12 nghìn tỷ đồng (14/11/2019)

>   SHB rao bán nợ xấu liên quan đến Công ty Angel Lina (14/11/2019)

>   Lực hấp dẫn từ triển lãm Novaland Expo tháng 12 sắp tới (14/11/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật