Thứ Sáu, 08/11/2019 11:15

'Kẹt đường' ra vào cảng TP.HCM

Sự cố tàu chìm cách đây hơn hai tuần trên luồng sông Lòng Tàu, huyện Cần Giờ đến nay chưa được giải quyết khiến việc đưa hàng hóa ra vào các cảng TP.HCM bị ảnh hưởng lớn.

Kẹt đường ra vào cảng TP.HCM - Ảnh 1.
Khu vực tàu bị chìm tại sông Lòng Tàu, huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN

Doanh nghiệp (DN) sản xuất nóng ruột vì không có đủ nguyên liệu cho sản xuất, trong khi nhà khai thác cảng cũng "khóc" vì doanh thu giảm ngay trong mùa cao điểm hàng hóa phục vụ tết.

Hàng hóa bị "cõng" thêm chi phí

Đến nay, các DN xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề là những đơn vị có nhà máy sản xuất sản lượng hàng hóa lớn như Hyosung, Hualon, Formosa, Hoa Sen Group, Nhựa Duy Tân....

Theo các DN này, từ khi sự cố tàu Vietsun Integrity chìm và đến nay chưa có giải pháp khắc phục, các tàu hàng chở nguyên liệu của họ bị hạn chế lưu thông luồng Lòng Tàu và buộc phải chuyển hướng qua luồng Soài Rạp để cập các cảng ở TP.HCM.

Do luồng Soài Rạp không sâu bằng luồng Lòng Tàu, các tàu có mớn nước cao buộc phải giảm tải mới có thể đi vào luồng an toàn. Việc chuyển hướng ra luồng Soài Rạp khiến các hãng tàu phải đi xa hơn, chịu phát sinh thêm một lần các loại phí hoa tiêu, phí trọng tải, phí tàu lai, phí cầu bến...

Theo tính toán của một DN logistics ở TP.HCM, việc tàu vào TP.HCM nhưng buộc phải cập ở Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) để dỡ các container nhập khẩu xuống khiến các hãng tàu cũng phải chịu mức phí xếp dỡ cao hơn, chưa kể chi phí chuyển hàng về các cảng và ICD ở TP.HCM, và phí chuyển hàng từ các cảng ở TP.HCM ra các cảng ở Cái Mép - Thị Vải.

"Sự thay đổi này khiến các hãng tàu phải chịu hàng loạt chi phí phát sinh từ cảng phí, vận chuyển sà lan, chi phí thuê tàu thêm một ngày đến việc hãng tàu phải đảo chuyển tàu tại Cái Mép để dỡ hàng, phí bãi cho hàng xuất, hàng nhập. Quá trình xáo trộn này cũng buộc hãng tàu phải bố trí thêm tàu nhỏ để giải phóng hàng tồn, đẩy chi phí rất cao" - đại diện DN này nói thêm.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, nhiều DN, trong đó bị ảnh hưởng nặng nhất do "tắc đường" vào cảng là các DN sản xuất trong ngành công nghiệp nặng. Lý do, hãng tàu giảm tải từ đầu nước ngoài, những lô hàng đặt theo kế hoạch bị cắt ngay từ đầu nước ngoài, dẫn đến nhà máy bị thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhiều nơi chấp nhận phương án cắt giảm sản lượng, ảnh hưởng đến hàng thành phẩm xuất khẩu.

Kẹt đường ra vào cảng TP.HCM - Ảnh 2.
Cảng Sài Gòn - Ảnh: TTO

Đại diện Công ty may Việt Tiến cho biết do ảnh hưởng của sự cố, hàng không thể về cảng suôn sẻ nên vừa qua có thời điểm cả nhà máy đợi nguyên liệu để sản xuất, khiến dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng.

Hiện nay đã xuất hiện tình trạng các hãng tàu tăng phụ phí cho việc vận chuyển hàng giữa khu vực Cái Mép và Cát Lái do việc cắt giảm chỗ, hãng tàu thiếu chỗ, tăng giá cước từ phía nước ngoài, tạo sức ép lên chi phí sản xuất hàng hóa của DN.

Cảng cũng thất thu

Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, nhà khai thác cảng đang chiếm hơn 90% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực phía Nam, cho biết đang đau đầu giải quyết tình trạng này vì sự cố trên cũng ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khai thác cảng.

Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, tính từ thời điểm sự cố đến ngày 4-11 đã có 38 tàu phải xếp hàng chờ cầu và chờ thủy triều mới có thể cập/rời cảng Tân Cảng - Cát Lái do mớn nước lớn, trong khi đó ước tính có 22 tàu phải giảm tải tại Cái Mép - Thị Vải trước khi cập cảng Tân Cảng - Cát Lái.

Cân nhắc sử dụng tiền nhà nước

Nhiều ý kiến của các đơn vị vận tải cho rằng tuyến Lòng Tàu được ví như "quốc lộ" trên sông, vì sao phải chờ phương án hoặc kinh phí từ chủ tàu khiến chậm thông luồng? Vì sao các cơ quan chức năng không có nguồn kinh phí để chủ động thực hiện công tác cứu hộ, trục vớt cho nhanh, tránh gây thiệt hại các hãng tàu phải chuyển tải hàng hóa? Trả lời, phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Hoàng cho biết cục cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT.

"Đương nhiên, chúng tôi cũng phải cân nhắc chuyện sử dụng tiền nhà nước trong khi phải có trách nhiệm của chủ tàu cũng như các bên liên quan thế nào. Chúng tôi đã có xem xét nhưng phải trên tinh thần đúng quy định pháp luật và thực hiện có hiệu quả, cần thiết" - ông Hoàng nói.

ĐỨC PHÚ

Việc giảm tải này làm cho ít nhất 40 tàu phải có kế hoạch giảm hàng xuất, trung bình mỗi tàu buộc phải cắt giảm từ 80-120 TEU, tương đương 5-9% sản lượng xuất của tàu.

"Nếu tình trạng này bị kéo dài, trung bình mỗi tuần sẽ có đến hơn 4.000 TEU phải cắt giảm hoặc sử dụng tàu tăng cường để vận chuyển. Sự thay đổi này có thể làm tăng chi phí khai thác của các hãng tàu, tăng áp lực trong công tác bố trí cầu, bến của các cơ sở của cảng" - đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho biết.

Ngoài ra, do các tàu giảm sản lượng và tăng thời gian tàu nằm bến, năng suất giải phóng tàu cũng sụt giảm, hiện nay trung bình chỉ đạt khoảng 62 container/giờ, giảm 12 container/giờ so với trước đây.

Hiện nay để giải quyết khó khăn, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã có chính sách hỗ trợ chi phí phát sinh. Trong đó, hỗ trợ 50% giá dịch vụ vận chuyển container đối với các tàu giảm tải làm hàng tại cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép và cảng Tân Cảng - Cái Mép - Thị Vải đã ký hợp đồng trước đó, giảm 26% nếu ký hợp đồng dịch vụ xếp dỡ vận chuyển container. 

Ngoài ra, cảng cũng hỗ trợ giá dịch vụ vận chuyển container (hàng và rỗng) xuất nhập khẩu giữa Tân Cảng - Hiệp Phước và Cát Lái tùy theo trường hợp.

Tuy nhiên, các DN cũng cho rằng đây chỉ là phương án chia sẻ tạm thời, điều cần nhất là cơ quan quản lý cần tìm phương án cứu hộ tàu Vietsun Integrity để thông luồng Lòng Tàu. "Có thể áp dụng phương án Chính phủ ứng trước chi phí cho các đơn vị cứu hộ, sau đó thu lại từ các cơ sở kinh doanh cảng và các hãng tàu" - đại diện một DN đề xuất.

Phải chờ ít nhất 30 ngày nữa

Chiều 7-11, một lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết hiện chủ tàu Vietsun Integrity đã trình cho cảng vụ về phương án lựa chọn đơn vị trục vớt tàu và các container đang chìm dưới lòng sông. Nhưng trong trường hợp thuận lợi nhất, khoảng 30 ngày nữa mới di dời xác tàu, container vào bờ để thông luồng.

Theo Cảng vụ Hàng hải TP, hiện các đơn vị đã trục vớt xong 150 tấn dầu ở khu vực tàu chìm. Về tình hình vận tải, cảng vụ cho biết sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan điều phối tàu thuyền hành trình vào, rời cảng biển khu vực TP.HCM theo các tuyến luồng hàng hải Soài Rạp, Sông Dừa, Đồng Tranh - Gò Gia bảo đảm an toàn. Trong đó, một số tàu có trọng tải lớn phải tiến hành chuyển tải hàng hóa.

Trước đó, sáng sớm 19-10, tàu Vietsun Integrity - chủ tàu là Công ty CP Nhật Việt - dài 132,6m, trọng tải 8.015 tấn cùng 293 container bị chìm trên luồng sông Lòng Tàu, H.Cần Giờ.

ĐỨC PHÚ

NHƯ BÌNH

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   'Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị mất chức' (08/11/2019)

>   Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (08/11/2019)

>   Nhiều lô hàng của Asanzo có dấu hiệu giả xuất xứ (08/11/2019)

>   Hơn 300 hộ dân đòi Công ty Rạng Đông bồi thường thiệt hại, dời nhà máy (08/11/2019)

>   Rào cản doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp (08/11/2019)

>   Doanh nghiệp tăng tuyển thực tập sinh có trả lương (08/11/2019)

>   10 nhà đầu tư rời TQ, 6 nhà đầu tư đến Việt Nam (08/11/2019)

>   Nở rộ tội phạm công nghệ cao giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Toà án...lừa đảo tài sản (07/11/2019)

>   Vụ án 'cố ý làm trái' tại dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô: Làm theo chỉ đạo? (07/11/2019)

>   Bắt gần 100 tấn nhôm phế liệu xuất lậu (07/11/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật