Rào cản doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp
Nông dân có đất nhưng không muốn buông trong khi doanh nghiệp (DN) không tiếp cận được đất để làm nông nghiệp (NN) lớn. Để giải bải toán này, theo các chuyên gia kinh tế cần tích tụ ruộng đất để phát triển NN và doanh nghiệp phải đóng vai trò "nhạc trưởng". Vấn đề này được đề cập tại Diễn đàn “Nông nghiệp Mùa thu” do Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức mới đây.
Tích tụ ruộng đất là cần thiết và bệ đỡ cho sự phát triển của nền NN trong tương lai. Ảnh: IT
|
Năng suất sử dụng đất thấp
Theo nghiên cứu của VEPR, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới, chỉ có 0,25 ha/người, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 0,52 h/ngườia và trong khu vực là 0,36 ha/người. Nghiên cứu này cũng chỉ ra, nền NN Việt Nam được phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán.
Trao đổi với PLVN, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN nông thôn (IPSARD), Bộ NN&PTNN, cho biết, năng suất sử dụng đất (SDĐ) của Việt Nam cũng rất thấp, chỉ khoảng 1.000 USD/ha, tương đương với Lào và chỉ bằng 1/2 Philippines, thậm chí là 1/3 của Indonesia và Thái Lan. Đây mới chỉ là so sánh trong khu vực Đông Nam Á, còn so với nhiều quốc gia khác có nền kinh tế NN khác, năng suất SDĐ của Việt Nam còn thấp hơn nữa.
Cũng chính từ năng suất SDĐ thấp nên thu nhập từ NN của nước ta không cao, hiện mới đạt khoảng 47 triệu đồng/người/năm. Điều này khiến nông dân có xu hướng giảm diện tích đất sử dụng, người dân không thiết tha với sản xuất NN. Minh chứng cho điều này, ông Thắng đưa ra thống kê tỷ lệ bỏ hoang đất NN đã tăng từ 1,7% (năm 2014) lên 3,8% (năm 2016); đồng thời diện tích SDĐ bình quân hộ giảm 0,9% trong giai đoạn 2014 - 2016.
Chia sẻ quan điểm của mình bên lề Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng thị trường đất NN Việt Nam đang gặp trục trặc. "Tôi nói vậy bởi người có đất, sở hữu đất thì không muốn buông đất ra nhưng tự sản xuất thì năng suất thấp vì manh mún. Người muốn có đất để làm NN lớn, có hiệu quả thì họ không tiếp cận được. Cầu và cung đất đai không khớp nhau vì thế quá trình sản xuất, tăng hiệu quả đất NN không diễn ra"- ông Thành nói.
Theo ông Thành, mấu chốt của vấn đề là người nông dân có đất nhưng không có đầy đủ quyền sở hữu về đất đai, quá trình chuyển giao đất đai không diễn ra để họ thu lợi lớn nhất, vì thế họ chọn cách giữ lại như hình thức bảo hiểm, kết quả là thị trường đất đai không hoạt động.
PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT II tại TP.HCM cũng cho biết, người nông dân khu công nghiệp lao động nhưng vẫn trong tâm thế bấp bênh, lo lúc 35-40 tuổi bị sa thải lại nghĩ quay về làm ruộng. “Ruộng đất không còn là tư liệu sản xuất mà vật bảo hiểm xã hội, tiết kiệm, của để dành thì chúng ta sẽ không có thị trường đất đai lành mạnh…”- Ông Khải nhấn mạnh.
Quá trình "ly nông nhưng không ly hương" là một thực trạng phổ biến tại các làng quê Việt Nam hiện nay khi người trẻ sẵn sàng tìm kiếm công việc thu nhập cao hơn tại thành thị, khu công nghiệp trong khi đất sản xuất NN tại nhiều nơi bỏ hoang, không có người làm.
Tích tụ ruộng đất là cần thiết
Viện trưởng IPSARD, ông Trần Công Thắng khẳng định việc tích tụ ruộng đất là cần thiết, coi đây là bệ đỡ cho sự phát triển NN tiên tiến, công nghệ cao trong tương lai. Ông đề xuất cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất NN và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay là mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất NN theo kiểu lũy tiến; quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa.
Đồng thời giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất NN để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất NN; khuyến khích DN đầu tư và các khu, cụm, công viên, trung tâm công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ thông qua việc thuê đất NN hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã; xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại tích tụ đất NN; hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất NN của các hộ nông dân…
PGS.TS Vũ Trọng Khải cũng cho rằng, Việt Nam hiện không có nông dân chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nước ta lại không có nguồn cầu về tích tụ ruộng đất để tạo ra những trang trại gia đình ứng dụng công nghệ cao. Vì thế phải tạo ra những thế hệ nông dân mới: “Hệ thống trường NN từ đại học, cao đẳng, trung cấp trải dài từ Bắc đến Nam hiện nay không đào tạo nông dân, chỉ có ngành bảo vệ thực vật, thú y là “hot, không ai trở về làm nông dân. Trong khi đó, ở các nước, kỹ sư NN ra là để làm nông dân chứ không phải công chức nhà nước.Phát triển NN trong bối cảnh hội nhập mà không có nông dân lớn, không có DN lãnh đạo theo chuỗi giá trị thì chúng ta sẽ bị thất thế”- PGS.TS Khải nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến tán đồng khi cho rằng, cộng đồng DN chế biến, tiêu thụ phải là "nhạc trưởng", chỉ có họ mới nắm bắt thị trường, xác lập các tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi để hướng dẫn nông dân. Khi có hướng phát triển của thị trường, việc phát triển các vùng chuyên canh, công nghệ cao không chỉ thu hút nhân lực mà còn tạo ra sự đổi mới trong tư duy phát triển NN, vốn đang trong thời kỳ mới.
Ngọc Trìu
Pháp luật VN