Đường sắt đô thị Hà Nội: Đội vốn gấp đôi ngay từ trên giấy
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng tới nay vẫn chưa thể khởi công. Dù chưa khởi công, vốn đầu tư đã tăng gần gấp đôi, Hà Nội đã phải giải ngân để trả lãi vay.
* Có cần làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với vốn 'khủng' 100.000 tỉ đồng?
* 'Đốt' tiền, đội vốn phi mã, đường sắt vẫn xin đầu tư
* Đường sắt 100.000 tỷ vay vốn Trung Quốc: Chuyên gia nói 'quá lãng phí và vô lý'
Phối cảnh ga ngầm C9 bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: MRB Hà Nội
|
Không theo thẩm định độc lập
Bộ KH&ĐT vừa có báo cáo Chính phủ về Dự thảo Báo cáo trình Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư).
Cụ thể, Dự án trên được UBND TP Hà Nội phê duyệt tháng 11/2008, tổng mức đầu tư thời điểm đó là 19.555 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2015. Tuy nhiên, dự án chưa được khởi công, cuối năm 2012, Hà Nội báo cáo Thủ tướng xin tăng vốn đầu tư.
Sau đó, tháng 10/2012, UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng cho tăng vốn đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên hơn 51.750 tỷ đồng. Với việc tăng vốn như trên, Bộ KH&ĐT có văn bản trình Thủ tướng cho dừng dự án.
Sau khi Bộ KH&ĐT thuê tư vấn thẩm định lại, tư vấn đưa ra 2 mức đầu tư (năm 2016): Nếu dự phòng 10%, tổng mức đầu tư tăng lên hơn 34.317 tỷ đồng; Nếu dự phòng 5%, tổng mức đầu tư là 33.568 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư được thẩm định này dù tăng vẫn thấp hơn mức đề xuất của Hà Nội lần lượt là 17.432 tỷ đồng và 18.181 tỷ đồng. Từ kết quả đánh giá độc lập đó, Bộ KH&ĐT tiếp tục kiến nghị Thủ tướng dừng dự án.Nếu triển khai, Hà Nội phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư tối đa 30.069 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó Hà Nội vẫn trình Thủ tướng tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 35.678 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư này vẫn tăng hơn 16.123 tỷ đồng so với dự toán Hà Nội duyệt năm 2008. Hà Nội đồng thời cam kết chịu trách nhiệm về độ chính xác tổng mức đầu tư cao hơn mức thẩm định độc lập của Bộ KH&ĐT.
Chưa khởi công đã phải trả lãi vay
Theo phê duyệt năm 2008, dự án dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng tới nay, vẫn chưa thể khởi công và dự kiến lùi tiến độ tới năm 2027. Ngoài vấn đề về tăng vốn đầu tư lên gần gấp đôi, dự án phải báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Cùng đó, dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo còn gặp hàng loạt vướng mắc khác như: Giải phóng mặt bằng mới đạt khoảng 70-80%; quy hoạch nhà ga C9 thuộc khu vực hồ Hoàn Kiếm chưa được duyệt do còn nhiều ý kiến phản biện. Đáng chú ý, tới tháng 9/2019, dự án đã giải ngân được 917 tỷ đồng, nhưng có tới hơn 27,3 tỷ đồng giải ngân để trả lãi vay và phí.
Về lý do tăng vốn đầu tư lên gần gấp đôi, Bộ KH&ĐT cho hay, có một số hạng mục dự án phải bổ sung, điều chỉnh so với thiết kế cơ sở đã duyệt trước đó như: Tăng tốc độ thiết kế từ 110 km/h lên 120 km/h; tăng tải trọng trục từ 14 tấn/trục lên 16 tấn/trục; bổ sung thiết kế ga ngầm từ 2 tầng lên 3 tầng; thêm công trình phụ trợ nhà ga, như tháp thông gió, làm mát do thiết kế cơ sở trước đó thiếu...
Ngoài ra, dự án chưa được khởi công, nhưng hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản đã hết hạn từ tháng 7/2019 (dù đã được gia hạn 1 lần) và chưa được ký hiệp định thay thế.
Đánh giá về các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đội vốn, Bộ GTVT cho rằng, các dự án này lớn, lần đầu Việt Nam làm, nên chưa có kinh nghiệm quản lý. Đặc biệt, năng lực và kinh nghiệm của các chủ đầu tư với dự án đường sắt đô thị đều hạn chế. Trong khi đó, các đơn vị tư vấn nước ngoài thiếu kinh nghiệm thực hiện dự án tại Việt Nam, nên gặp nhiều vướng mắc.
Về trách nhiệm của tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, Bộ GTVT cho rằng, về cơ bản, trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ đầu tư; giải phóng mặt bằng chậm trách nhiệm thuộc địa phương.
Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km, với 8,9km đi ngầm và 2,6 km đi trên cao. Điểm đầu dự án tại Nam Thăng Long, điểm cuối là phố Nguyễn Du. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 19.555 tỷ đồng.
|
Lê Hữu Việt
Tiền phong