Đưa 1 kg tôm lên miền núi đắt hơn từ Ecuador về Việt Nam
Vừa qua, tại TP.Đà Nẵng đã diễn ra diễn đàn logistics Việt Nam lần 7 chủ đề “Logistics nâng cao giá trị nông sản”; do Thời báo Kinh tế Việt Nam, Bộ Công thương, UBND TP.Đà Nẵng và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần thực hiện ngay các giải pháp giảm chi phí logistics để giá nông sản cạnh tranh. Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho logistics, năm 2019 giá trị xuất nhập khẩu đạt 530 tỉ USD, trong đó 41 tỉ USD là hàng nông sản. Tuy nhiên, hàng nông sản có đặc thù chi phí logistics rất cao, chiếm 20 - 25% trong khi các nước khác chỉ 10 - 15%.
Phó thủ tướng dẫn chứng, 1 kg thanh long xuất sang Mỹ bằng đường hàng không thì logistics mất 3,5 USD, chiếm 50% trong giá bán chỉ 7 USD/kg. “Thứ trưởng Trần Quốc Khánh của Bộ Công thương có lần báo cáo, 1 kg tôm đưa từ đồng bằng lên miền núi đắt hơn vận chuyển 1 kg tôm từ Ecuador về Việt Nam. Đặc thù nông sản Việt Nam chủ yếu đang là hàng thô, trọng lượng rất lớn, chiếm diện tích, gia tăng chi phí logistics nhưng giá trị nhỏ”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm hiện tượng được mùa mất giá, giải cứu nông sản là do nông nghiệp và logistics chưa khắng khít. Ông Cường đúc kết nông sản Việt Nam ra 185 nước nhưng “thô, nặng, ngắn và ít”, tức là hàng cồng kềnh, nặng nề nên chỉ chở đi các quãng đường ngắn và giá trị không cao. Do đó, sắp đến chủ trương ngành nông nghiệp là không tăng sản lượng xuất khẩu và đi sâu vào chế biến, nâng giá trị.
Trước thực trạng này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới nhấn mạnh nhiều ngành ưu tiên, trong đó có logistics.
Chủ trương này được cụ thể hóa bằng nhiều quyết định, nghị định, kế hoạch hành động, giải pháp để tạo hệ sinh thái từ pháp lý đến hạ tầng; Bộ Công thương đặt mục tiêu đến năm 2025 logistics đóng góp 8 - 10% vào GDP, gấp đôi hiện nay.
Nguyễn Tú
Thanh niên